Giao lưu trực tuyến: Thuế suất 5%, không hoàn thuế VAT đối với xi măng xuất khẩu
Hiện nay mặt hàng xi măng nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên bị áp thuế xuất khẩu 5% và không được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Độc giả nói chung, Doanh nghiệp nói riêng, giới luật sư cho rằng việc đánh thuế xuất khẩu và không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xi măng trong trường họp này là chưa thuyết phục về mặt lý luận và thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, chủ tịch Hiệp hội xi măng, xi măng trong nước đang trong tình thế khó khăn, nên việc vừa đánh thuế xuất khẩu, vừa không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xi măng có thể khiến doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế.

Hiện tại, quy định pháp luật thuế Xuất Nhập Khẩu ở cấp Luật, Nghị định, Thông tư hiện hành đều chưa có quy định nào nêu rõ, xi măng xuất khẩu, phải nộp thuế suất 5%. Tuy nhiên, có duy nhất một quy định chung chung, đó là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” thì áp thuế 5% (Mục 211, Phụ lục 1 (biểu thuế xuất khẩu), Nghị định 122/NĐ-CP/2016 & Khung thuế suất ban hành kèm theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016).

Quy định trên đã khiến cho cả Doanh nghiệp, Luật sư, Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam và cả Chi cục Hải quan lúng túng, không rõ, xi măng có phải là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” hay không, và do đó, khi xuất khẩu, bị áp thuế suất 5% hay 0%.

Để kịp thời thông tin tới độc giả một cách minh bạch, rõ ràng, nhằm giải quyết nhanh, chính xác những vướng mắc, phát sinh cho doanh nghiệp, người dân, chúng tôi tổ chức Giao lưu trực tuyến, chủ đề "Chính sách & Thuế suất 5%, không hoàn thuế GTGT đối với xi măng xuất khẩu".

Nội dung chương trình xoay quanh 3 vấn đề chính:
  • Thứ nhất, vấn đề chính sách đối với xi măng xuất khẩu hiện nay;
  • Thứ hai, quy định pháp luật liên quan đến một thực tế đang diễn ra là xi măng xuất khẩu có thể bị áp mức 5% và không hoàn thuế VAT 10% đối với xi măng xuất khẩu;
  • Thứ ba, quá trình thực thi, áp dụng pháp luật của Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Tổng Cục hải quan, Cục hải quan các tỉnh, thành phố liên quan đến việc áp thuế suất xi măng xuất khẩu 5%;

Chương trình với sự tham gia của:
  • Ông Nguyễn Quan Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Viêt Nam;
  • Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink;
  • Đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực xi măng;
 .
Luật sư Lê Đình Vinh tham gia trả lời giao lưu trực tuyến

Câu hỏi 1: Hiện nay, trên phương diện chính sách, Việt Nam chúng ta đang khuyến khích hay hạn chế việc xuất khẩu xi măng?

Luật sư Lê Đình Vinh: Thuế VAT cũng như thuế xuất khẩu là thuế gián thu và người nộp thuế và chịu thuế là khác nhau. Đối với các loại thuế gián thu thì người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng.

Nếu chúng ta áp thuế xuất khẩu cao thì người tiêu dùng phải gánh chịu, đôi khi vượt quá sức chịu đựng của ngươi tiêu dùng và làm giảm sức mua.

Hiện nay thì các yếu tố cấu thành trong giá thành xi măng như: nguyên liệu, nhân công, năng lượng... đều đang có xu hướng tăng. Nếu nhà nước tiếp tục tăng thuế xuất khẩu và không cho hoàn thuế VAT thì sẽ gây áp lực rất lớn lên giá thành của mặt hàng xi măng. Do vậy sẽ làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng xi măng trên thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia ... đang đẩy mạnh việc khuyến khích xuất khẩu xi măng.

Chủ trương của Chính phủ tăng cường các loại thuế trực thu và giảm các loại thuế gián thu là rát phù hợp với xu hướng của thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên với việc tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xi măng thì dư luận đang băn khoăn rằng có đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ hay không. Đây là vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét một cách rất thận trọng.

Tiến sỹ Nguyễn Quan Cung: Chính sách này giảm sức cạnh tranh của nghành xi măng trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh, Trung Quốc, 1 số nước thừa xi măng giảm giá sẽ làm cho xi măng Việt Nam hết sức khó khăn. Trong cuộc họp tháng 10/2016, các hội viên Hiệp hội xi măng Đông Nam Á đã đưa ra thảo luận, và cho rằng chính sách này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của xi măng Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Câu hỏi 2: Bản chất thuế VAT và thuế xuất khẩu là thuế gián thu, trong khi, Nghị quyết 100/NQ-CP, ngày 18/11/2016, về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, tại Gạch đầu dòng thứ 3, Điểm B, Mục 2, Phần I (Những nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung điều hành) nêu rõ, tập trung vào việc “…tăng…các khoản thuế trực thu trong tổng thu ngân sách nhà nước để nâng cao tính bền vững của nguồn thu ngân sách...”. 

Ngoài ra, bản chất của thuế VAT 10% là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Đối với xi măng xuất khẩu, người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài, do vậy, các Doanh nghiệp không thể thu khoản thuế này từ người tiêu dùng nước ngoài.

Với 2 căn cứ trên, dư luận cho rằng, trên phương diện chính sách, việc không hoàn thuế VAT 10% và áp thuế suất 5% cho xi măng xuất khẩu, một mặt, chưa phù hợp với bản chất từng loại thuế, mặt khác, cũng chưa phù hợp với Chủ trương hành động của Chính phủ tại Nghị quyết 100 nêu trên. 

Luật sư Lê Đình Vinh: Như chúng ta vừa chia sẻ, thuế VAT và thuế xuất khẩu là thuế gián thu. Liên quan đến việc nếu đánh thuế VAT cao thì người tiêu dùng phải gánh chịu, vì nó liên quan đến giá thành, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng. Với xi măng, cần khuyến khích thì phải làm sao để giảm giá thành, nguyên liệu: Thuế tài nguyên ngày càng tăng Công nghệ: chưa đáp ứng Nhân công ngày càng tăng Áp thuế vào… đặc biệt là trong bối cảnh thị trường mở hiện nay. Giá thành sản xuất cao thì chúng ta không thể nào cạnh tranh được. Chính phủ vừa rồi có đưa ra thông điệp là tăng thu thuế VAT và giảm dần thuế gián thu. Chủ trương đúng, nhưng thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay chưa phù hợp, vì làm cho giá thành xi măng cao.

Tiến sỹ Nguyễn Quan Cung: Đúng sai hay theo chủ trương của CP thì luật sư đã nói rồi. Chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu, khuyến khích xuất khẩu. Khi mình thực thi chính sách này thì giảm sức cạnh tranh của xi măng nước nhà. Trong cuộc họp tháng 10 của HH xi măng Đông Nam Á, người ta nói rằng chưa có tiền lệ thu thêm thuế. Cái này sẽ làm sức cạnh tranh của xi măng nước ta giảm. Phải nhìn ảnh hưởng của nó khi k xuất khẩu được thì lượng dư thừa sẽ tạo áp lực lên thị trường nội địa.

Câu hỏi 3: Nhà nước thu 5% thuế xuất khẩu và 10% VAT (do DN không được khấu trừ), về lý thuyết, sẽ tăng thu Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sự “tăng” Ngân sách này đã được nhiều chuyên gia so sánh với sự "mất đi" của ngân sách nhà nước từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp và những hệ quả xã hội - kinh tế để lại khi Doanh nghiệp xi măng trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí dừng hoạt động. 

Theo thông tin phản ánh mà Báo nhận được, hiện một số doanh nghiệp đã chính thức kêu cứu về nguy cơ phá sản, giải thể và dừng hoạt động; một vài Tổng công ty, Tập đoàn lớn của Nhà nước, mang tiền Nhà nước đi đầu tư xây dựng ở nước ngoài, đã trúng thầu, đang triển khai, có nguy cơ thua lỗ nặng, nếu nhập khẩu xi măng trong nước. 

Vấn đề này, xin mời phần chia sẻ từ Hiệp hội và Luật sư Lê Đình Vinh. Câu hỏi đặt ra là, nếu chúng ta định thu thuế 5% và không hoàn thuế VAT 10% cho xi măng xuất khẩu, trước khi quyết định, có cần phải dựa trên một luận cứ có tính khoa học – thực tiễn để tránh những mất mát, thua thiệt cho doanh nghiệp trong nước và lợi ích chung của Quốc gia? 

Tiến sỹ Nguyễn Quan Cung: Chưa đánh giá đúng hay sai, vì một mặt chính phủ khuyến khích xuất khẩu, theo đó, Chính phủ cũng khuyến khích đầu tư. Chúng tôi tính, hết năm 2018, tổng công suất là 200 triệu tấn, nhưng các doanh nghiệp đã cải tiến sản xuất, nâng cao sản lượng. Hết năm 2017 sang 2018, dự kiến tiêu thụ 70 triệu tấn. do đó, chủ trương chưa phù hợp với thực tiễn. Thích hơp là thời điểm tình hình xi măng thế giới chuyển dịch theo hướng thuận lợi. Sẽ đến một lúc cầu tăng dần, cung giảm lại thì tác hại của nó tác động lên thị trường nội địa sẽ giảm đi.

Do vậy, chúng ta phải chọn thời điểm. Hiện tại, chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, trong khi nhu cầu nội địa hoàn toàn có thể tính được. Cho nên, chọn thời điểm tăng xuất khẩu xi măng như hiện tại là không phù hợp. Chúng ta chủ yếu bắt đầu xuất khẩu từ năm 2014 – 2016, chưa khẳng định tên tuổi, vị trí trên thị trường quốc tế.

Luật sư Lê Đình Vinh: Chính sách tác động nhiều chiều, phải tính cả tích cực cả tiêu cực. Chính sách mới này tác động tới cả một ngành hàng. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại nói tới minh bạch trong chính sách, vì đó là cơ sở cho ngành hàng, doanh nghiệp hạch toán. Trong khi chưa có thương hiệu mà đã làm giá ngay, như thế là chưa hợp lý Như vậy thì còn ai đầu tư vào lĩnh vực này nữa, còn ai dám đầu tư chiều sâu. Muốn hạn chế tài nguyên thì phải đưa công nghệ vào, mà chính sách thuế “ăn non” kiểu này thì đầu tư chiều sâu. Hơn nữa, đặt trong tổng thể nó còn đi ngược lại với thực tế.

Câu hỏi 4:  Một trong những mục tiêu khi áp thuế xuất khẩu 5% và không hoàn thuế VAT 10% đang được cho là, nhằm hạn chế việc sử dụng tài nguyên, khoáng sản, năng lượng thiên nhiên quốc gia và thúc đẩy ngành xi măng cải tiến công nghệ, kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo phản ánh, có một thực tế là, than – một trong những nguyên liệu chính trong sản xuất xi măng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam vẫn đang bị tính vào tỷ lệ năng lược để xác định có trên 51% giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng hay không. 

Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào của xi măng, bao gồm những thành phần chính là: Clinker, đá, than…, đều đã chịu thuế tài nguyên rồi.

Vậy, mục tiêu thu thêm 5% thuế suất khẩu và 10% không hoàn thuế VAT nhằm để hạn chế việc sử dụng tài nguyên, khoáng sản, năng lượng…dường như chưa thuyết phục và dường như, chúng ta đang đánh thuế chồng thuế. 

Xin mời phần chia sẻ từ Ông Cung và Luật sư Vinh. 

Luật sư Lê Đình Vinh:
  Quy lại vẫn liên quan đến tính minh bạch của chính sách. Hiện tại, nếu muốn tăng thuế, Chính phủ phải làm rõ là thực tiễn nó cấp thiết như thế nào? Khi giá thành nhập khẩu đã có thuế đó rồi, bây giờ lại thêm bị áp 1 lần thuế nữa, thì cùng một nguyên liệu lại phải chịu nhiều lần thuế. Vậy thuế có chồng thuế hay không cũng cần phải làm rõ. Vậy thỏa đáng hay không, đúng hay không thì cần phải công bố rõ ràng, minh bạch.

Tiến sỹ Nguyễn Quan Cung: 
Thuế có chồng thuế hay không, tôi khẳng định là có. Đáng ra nhiều vấn đề cần phải làm rõ trước khi ban hành chính sách này.

Câu hỏi 5: 
Theo phản ánh, một nghịch lý đang diễn là, xi măng là mặt hàng được chế biến từ nhiều loại tài nguyên khoáng sản, về cơ bản, đối với một sản phẩm xi măng nhất định, thì có một giá trị tuyệt đối về hàm lượng tài nguyên thiên nhiên khoáng sản. Ví dụ: Trong 1kg xi măng, có 0,3 kg đá, 0,3 kg clinker và các nguyên liệu khác (đây chỉ là ví dụ để hình dung, không căn cứ trên phương diện khoa học và thực tiễn). Khi sản xuất ở quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, tổng chi phí dùng để sản xuất xi măng sẽ giảm, tức là giá thành giảm. Vì hàm lượng tài nguyên trong xi măng không đổi, cho nên, tỷ lệ so sánh giữa giá trị tài nguyên và những yếu tố cấu thành nên giá thành phẩm sẽ tăng lên, dẫn đến nguy cơ vượt tỷ lệ 51% là luôn xảy ra. Khi quyết định áp thuế suất 5% cho xi măng xuất khẩu trong trường hợp xi măng, nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng nếu chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên và ngược lại, thì thuế suất 0%, thì càng sản xuất ở quy mô lớn, càng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất xi măng, thì lại càng bị áp thuế 5% khi xuất khẩu. Điều này, vô hình chung, chúng ta đang cản trở việc sản xuất xi măng ở quy mô lớn và cải tiến công nghệ sản xuất xi măng. Xin mời phần bình luận của luật sư Vinh?

Luật sư Lê Đình Vinh: Trong trường hợp Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan không phải là cơ quan ban hành chính sách nhưng tham gia vào quá trình giải thích pháp lý thì như thế nào? Giải thích pháp luật được hiểu là làm rõ tinh thần, nội dung của một văn bản pháp luật và các quy định của nó. Thẩm quyền này thuộc về cơ quan, ngươi có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật. Đối với Nghị định 12/2016/NĐ-CP thì cơ quan ban hành văn bản pháp luật là Chính phủ vì vậy chỉ có Chính phủ hoặc các Bộ chuyên ngành được Chính Phủ ủy quyền mới có quyền giải thích Nghị định này. Tổng cục Hải quan không có quyền giải thích hay định nghĩa thế nào là “bán thành phẩm” để áp dụng quy định tại Mục 211 Phụ lục I, Nghị định 122/2016/NĐ-CP. Cũng không thể nói rằng các cơ quan cấp dưới có quyền giải thích việc áp dụng văn bản của cơ quan cấp trên, miễn là không đặt ra quy phạm mới. Bởi vì đã là giải thích thì phải đụng chạm đến bản chất của quy định đó. Mà chỉ có cơ quan ban hành ra quy định đó mới có quyền khẳng định bản chất của quy định đó là gì. Nếu ai cũng có quyền giải thích quy định tại Nghị định 12/2016/NĐ-CP theo ý của mình thì doanh nghiệp có quyền đặt câu hỏi tại sao các cơ quan thuế không giải thích và áp dụng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp?

Câu hỏi 7: Công ty không tiết kiệm chi phí: tỷ lệ tài nguyên khoáng sản <51%, Công ty thực hiện những cải tiến nhằm tiết kiệm chi phí theo chủ trương chung quản lý của Cty/cấp trên dẫn đến chi phí chung sẽ giảm dẫn tới tỷ lệ tài nguyên khoáng sản khả năng cao là >51%. Như vậy, khi Công ty cố gắng tiết kiệm nguồn lực, tối ưu hoá sản xuất lại không được nhà nước hỗ trợ?

Luật sư Lê Đình Vinh: Như chúng tôi đã trả lời ở trên: Con số 51% đi ngược lại khuyến khích đầu tư công nghệ cao, quản lý tốt, giảm chi phí nhân công và các chi phí khác, vì với dây chuyền đó thì tỉ lệ tài nguyên khoáng sản + năng lượng cao hơn, đối với dây chuyền mà công nghệ thấp hơn, quản lý kém hơn. Với cách tính thuế này sẽ tạo khe hở pháp luật để chi phí tài nguyên khoáng sản + năng lượng thấp hơn 51%. Cách tính này cũng tạo ra sự bất công bằng giữa sản phẩm có tổng chi phí tài nguyên khoáng sản + năng lượng < 51% với sản phẩm có chi đó 51%. Vì khi sản phẩm có chi phí 51% thì không được hoàn thuế GTGT, và phải nộp thuế suất 5% cho cả phần 51% cùng cả phần 49% còn lại.

Câu hỏi 6:  Tính chất pháp lý hai công văn số 9744/TCHQ-TXNK của Tổng cục hải quan và Công văn số 15360/BTC-CST của Bộ Tài chính? Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật cho rằng, “Công văn số 9744/TCHQ-TXNK và Công văn số 15360/BTC-CST chỉ hướng dẫn áp dụng pháp luật … mà không đặt ra quy định mới, có tính chất quy phạm” … và về nội dung, thì CHƯA tìm thấy có dấu hiệu sai phạm.

Bộ Tài chính, trong công văn  số 1022/BTC-CST ngày 20/01/2017, gửi Báo Đời sống & Pháp luật khẳng định, công văn số 15360/BTC-CST không phải là văn bản quy phạm pháp luật …mà là văn bản mang tính giải thích về quy định của pháp luật thuế xuất nhập khẩu đối với nhóm 211 và mặt hàng xi măng theo đúng quy định của pháp luật thuế xuất nhập khẩu. 

Tổng cục Hải quan, trong CV số 552/TCHQ-TXNK ngày 24/01/2017, gửi Báo Đời sống & Pháp luật cũng xác định CV số 9744/TCHQ-TXNK là văn bản …hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc kê khai mã số hàng hóa và thuế suất thuế xuất khẩu...., dẫn chiếu lại các quy định tại Luật thuế xuất nhập khẩu, không quy định quy phạm pháp luật mới hoặc trái với quy định tại Nghị Định và Luật. 

Sau khi có ý kiến từ 03 cơ quan chức năng, Báo Đời sống & Pháp luật tiếp tục nhận được các ý kiến phản hồi là: 
  • Trước khi có 9744/TCHQ-TXNK và Công văn số 15360/BTC-CST, thuế suất thuế xi măng là 0%. Sau khi có 2 Công văn này, thuế suất đã được áp 5%. Điều này cho thấy, hai công văn này đã có một “TÁC ĐỘNG THỰC TẾ” để Doanh nghiệp và Chi cục Hải quan chuyển sang kê khai/áp thuế suất 5%. 
  • Quy định pháp luật thuế XNK ở cấp Luật, Nghị định, Thông tư đều chưa có quy định nào xác nhận, xi măng thuộc nhóm “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm”, do đó, cũng không có quy định nào nêu rõ, xi măng xuất khẩu, phải nộp thuế suất 5%. 
Thực trạng pháp luật trên, khiến cho cả Doanh nghiệp, Luật sư, Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam lúng túng, không biết xi măng sẽ được xếp vào đâu trong danh mục xuất khẩu. Do đó, không xác định được, xi măng chịu thuế suất 5% hay 0%; càng lúng túng hơn khi thực tế là, trước Luật thuế xuất nhập khẩu 2016 (trước Công văn của TCHQ và BTC hướng dẫn thực hiện Luật thuế xuất nhập khẩu 2016), xi măng có thuế suất 0% theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của Chính phủ và chính sách này, sau thời điểm Luật xuất nhập khẩu 2016 có hiệu lực, vẫn chưa thay đổi (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1469/QĐ-TTg; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1488/QĐ-TTg). Không chỉ Doanh nghiệp, Hiệp hội hay Luật sư, ngay cả Chi cục Hải quan, khi tham chiếu pháp luật thuế xuất nhập 2016, cũng không biết xi măng xếp vào nhóm nào trong danh mục hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu, do đó, cũng rất lúng túng, không biết xi măng phải áp thuế suất bao nhiêu, 5% hay 0% (CV của Chi cục Hải quan Quảng Ninh số 2585/HQQN-TXNK). 

Như vậy, nếu nhận định rằng, 2 CV của TCHQ và BTC chỉ hướng dẫn lại Luật, Nghị định, mà không đặt ra quy định mới, rõ ràng là chưa thuyết phục trên cả thực tiễn và lý luận pháp lý. 

Câu hỏi đặt ra là: Có đúng trình tự và thẩm quyền pháp luật hay không khi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan ban hành 2 công văn 9744/TCHQ-TXNK và 15360/BTC-CST, để GIẢI THÍCH pháp luật (như Bộ tài chính và Tổng Cục hải quan đã thừa nhận trong công văn số 1022/BTC-CST & công văn số 552/TCHQ-TXNK gửi Báo Đời sống & Pháp luật), trong đó, CHỦ ĐỘNG, MẶC NHIÊN đưa xi măng vào Mục 211, Phụ lục 1, Nghị định 122/NĐ-CP/2016 & Biểu thuế suất kèm theo Luật thuế xuất nhập khẩu 2016, qua đó kết luận, hướng dẫn, “mặt hàng xi măng xuất khẩu nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, khi xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu với mức thuế suất 5%”. Xin mời ý kiến của Luật sư?

Luật sư Lê Đình Vinh: Về nguyên tắc cơ quan Hải quan không có quyền đặt thêm các điều kiện để xem xét cho thông quan hay không thông quan hàng hóa ngoài các quy định của pháp luật. Tuy nhiên cơ quan Hải quan có thể yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm các hồ sơ hải quan để có thêm cơ sở thẩm định hàng hóa xuất khẩu trước khi thông quan, với điều kiện những yêu cầu bổ sung phải phù hợp.

Trong trường hợp cơ quan hải quan yêu cầu DN nộp thêm “Bản cam kết về giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51%” là làm khó cho DN bởi vì hiện nay các căn cứ để xác định tỉ lệ này cũng chưa rõ ràng, cả DN lẫn cơ quan NN vẫn còn đang lúng túng. Nếu DN không cam kết thì sẽ là không tuân thủ. Nhưng nếu DN cam kết thì rất có thể họ lại vi phạm vì bản thân DN cũng chưa thể khẳng định tỉ lệ mà mình cam kết có đúng hay không. Còn việc nộp “Tài liệu kế toán về tỷ lệ tài nguyên khoáng sản và chi phí năng lượng của xi măng năm trước đó liền kề” cũng không có nhiều ý nghĩa vì bản thân tài liệu kế toán không hạch toán và bóc tách rõ ràng tỉ lệ tài nguyên khoáng sản và chi phí năng lượng trong tổng giá thành xi măng sản xuất. Đó là chưa kể nhiều tài liệu kế toán chưa chắc đã đủ độ tin cậy. Kể cả trường hợp số liệu kế toán của năm trước là tin cậy thì cũng không thể coi là căn cứ duy nhất để áp dụng cho năm sau vì thực tế giá cả thị trường của các yếu tố đầu vào cho sản xuất xi măng luôn biến động theo tháng, theo quý …

Vietthink News./.