Tiếp tục tranh luận về tính pháp lý về Công văn số 9744 của TCHQ
Luật sư Lê Đình Vinh không đồng tình với quan điểm cho rằng, văn bản 9744 không có vấn đề; đồng thời, chỉ ra những điểm còn chưa rõ ràng cũng như việc cơ quan ban hành văn bản đã tự "mở rộng" nội hàm điều chỉnh của luật.
Liên quan tới chính sách và thuế suất 5% và không hoàn thuế VAT 10% đối với mặt hàng xi măng xuất khẩu, vừa qua, tại buổi làm việc giữa Ủy ban Tài Chính - Ngân sách Quốc hội, Bộ Tư pháp và Tổng Cục Hải quan (TCHQ) với doanh nghiệp, luật sư về vấn đề nêu trên; Cục trưởng Cục thuế Xuất nhập khẩu - TCHQ và đại diện Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính & Theo dõi thi hành Pháp luật - Bộ Tư pháp đồng quan điểm cho rằng, Công văn số 9744/TCHQ-TXNK của TCHQ (gọi tắt là văn bản 9744) chỉ là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của nội bộ ngành, không phải văn bản mang tính quy phạm bắt buộc các tổ chức, cá nhân áp dụng.
Tuy nhiên, tranh cãi về quan điểm nêu trên, luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định: "Nếu nói văn bản 9744 không có vấn đề gì về mặt pháp lý thì tôi không đồng tình".


Luật sư Lê Đình VinhGiám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink khẳng định: "Nếu nói văn bản 9744 không có vấn đề gì về mặt pháp lý thì tôi không đồng tình"

Luật sư phân tích, trong phạm vi buổi làm việc, chưa cần tranh luận tới vấn đề công văn 9744 là loại văn bản nào, mà cái chính, cần tập trung vào bản chất của văn bản đó.

"Nếu như theo biểu thuế tại Luật thuế xuất nhập khẩu 107 thì xi măng là đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật. Vì xi măng là sản phẩm hoàn chỉnh, do đó, chưa có cơ sở đế áp thuế 5% cho xi măng. Tuy nhiên, theo văn bản 9744 thì Tổng cục Hải quan lại dùng cụm từ "hàng hóa xuất khẩu" ("Hàng hóa xuất khẩu không được quy định tên cụ thể trong Biểu thuế xuất khẩu, có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì người nộp thuế kê khai trên Tờ khai xuất khẩu thuế 5%"). Nội hàm của khái niệm "Hàng hóa xuất khẩu" bao gồm tất cả "vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm hoàn thiện...". Do vậy, khi sử dụng khái niệm "hàng hóa xuất khẩu" (chứ không bám vào Luật xuất nhập khẩu và Nghị định 122/2016/NĐ-CP) thì vô hình trung, xi măng bị "chui" vào nhóm đối tượng phải khai thuế suất 5%" - Luật sư Vinh phân tích.
Theo luật sư, điều này động chạm đến bản chất của quy định pháp luật. Và thực chất, nó là giải thích, mở rộng nội hàm quy định và phạm vi áp dụng đối với mặt hàng xi măng. Bất cập này không thể đổ lỗi cho Luật hay Nghị định, vì nếu luật hay Nghị định chưa rõ thì phía Tổng cục Hải quan nên có kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn áp dụng; tuy nhiên, vấn đề là cơ quan hải quan lại tự "mở rộng" phạm vi áp dụng so với quy định của Luật nên mới dẫn tới thực tế như vừa qua.
"Ở giác độ luật sư, tôi không kiến nghị dừng hay không dừng việc thực thi văn bản vì đó là việc của các nhà làm chính sách và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi kiến nghị Tổng cục Hải quan cần xem xét lại thấu đáo bản chất của văn bản này, để làm sao nó là văn bản hướng dẫn theo đúng tinh thần của luật" - luật sư Vinh nêu quan điểm.
Viethink News
Trích dẫn từ Báo Đời sống và Pháp luật Online (http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/van-ban-phap-luat/can-cu-cong-van-de-ap-thue-tong-cuc-hai-quan-va-cuc-hai-quan-co-mau-thuan-a186646.html)