Cần phải lưu ý những vấn đề gì khi luật nhãn hiệu bắt đầu được áp dụng tại Myanmar?


Luật Nhãn hiệu tại Myanmar đã và đang được nghiên cứu và thực hiện để đưa ra áp dụng trong một vài năm gần đây. Ngày 15/1/2018, bản thảo Luật nhãn hiệu đã được đưa ra để thảo luận và xin ý kiến. Theo bản thảo Luật Nhãn hiệu sắp tới sẽ được áp dụng, rất nhiều vấn đề chủ sở hữu/người nộp đơn đã/đang và sẽ đăng ký nhãn hiệu tại Myanmar cần phải nắm rất rõ để bảo đảm quyền lợi của mình, có thể kể đến một số điểm nổi bật như sau:  

1. Hiệu lực của các nhãn hiệu đã được đăng ký trước đây như thế nào sau khi áp dụng Luật nhãn hiệu mới?

Sau khi áp dụng Luật Nhãn hiệu mới, các nhãn hiệu trước đây đã đăng ký tại Myanmar sẽ không tiếp tục có hiệu lực mà phải tiến hành đăng ký lại từ đầu như nhãn hiệu mới. 

2. Áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên 

Khi có luật nhãn hiệu mới, luật Nhãn hiệu mới sẽ áp dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” tương tự như hầu hết các quốc gia ASEAN, thay cho nguyên tắc “sử dụng đầu tiên” như trước đây.

3. Điều kiện đăng ký nhãn hiệu

Trước đây, khi chưa có Cơ quan SHTT chính thức và chưa có luật nhãn hiệu, nhãn hiệu tại Myanmar chỉ được ghi nhận bằng cách Người nộp đơn/chủ sở hữu nộp Tuyên bố sử dụng nhãn hiệu của mình cho sản phẩm/dịch vụ cụ thể và việc ghi nhận này được công bố tới công chúng qua báo chí. Hay nói cách khác, trước đây, nhãn hiệu không được thẩm định khả năng đăng ký mà chỉ được ghi nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Myanmar.

Theo Luật Nhãn hiệu mới, nhãn hiệu khi được nộp đơn đăng ký sẽ được thẩm định khả năng đăng ký cả về hình thức và nội dung. Phân loại hàng hóa/dịch vụ áp dụng phân loại hàng hóa/dịch vụ quốc tế Nice.

Đồng thời, theo Luật Nhãn hiệu mới, quy định về nhãn hiệu có thể được đăng ký tại Myanmar bao gồm (i) nhãn hiệu hàng hóa, (ii) nhãn hiệu dịch vụ, (iii) nhãn hiệu tập thể và (iv) nhãn hiệu chứng nhận. Các nhãn hiệu này được chấp nhận bảo hộ nếu:
  • Nhãn hiệu có khả năng tự phân biệt cho các hàng hóa/dịch vụ đăng ký; và
  • Nhãn hiệu được coi là KHÔNG tương tự gây nhầm lẫn với bất kì nhãn hiệu đã được nộp đơn/đăng ký trước cho hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự. 

4. Quy trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu

Việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu được tiến hành qua 5 bước dưới đây:
  • Nộp đơn đăng ký;
  • Thẩm định hình thức;
  • Thẩm định nội dung;
  • Công bố đơn cho mục đích phản đối của bên thứ ba;
  • Cấp văn bằng bảo hộ nếu đơn đáp ứng các yêu cầu bảo hộ.

5. Yêu cầu đối với tờ khai đơn đăng ký nhãn hiệu

Ngôn ngữ: Đơn đăng ký nhãn hiệu được lập bằng một trong hai thứ tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh. Chủ đơn chỉ phải nộp bản dịch tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký.

Thông tin và tài liệu yêu cầu trong tờ khai đơn:
  • Tên và địa chỉ của chủ đơn;
  • Nếu đơn được nộp bởi đại diện SHCN thì cần cung cấp tên và địa chỉ của đại diện SHCN;
  • Thông tin và mô tả của nhãn hiệu;
  • Nhóm và danh mục hàng hóa/dịch vụ phù hợp với bảng phân loại hàng hóa/dịch vụ quốc tế;
  • Nếu chủ đơn tiến hành nộp đơn thay mặt cho một tổ chức, cần cung cấp thông tin số đăng ký, loại hình và quốc gia của tổ chức đó;
  • Nếu chủ đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, yêu cầu đề nghị hưởng quyền ưu tiên cùng với tài liệu chứng minh chủ đơn được hưởng quyền ưu tiên;
  • Trường hợp các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau được nộp bởi các chủ đơn khác nhau có ngày nộp đơn khác nhau,  đơn nhãn hiệu với ngày nộp đơn sớm nhất sẽ được chấp nhận bảo hộ nếu đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ.

6. Thành lập Cơ quan Sở hữu trí tuệ 

Trước đây, do không có cơ quan chuyên trách về việc đăng ký nhãn hiệu nói riêng cũng như cơ quan Sở hữu trí tuệ nói chung, đơn đăng ký nhãn hiệu được chuyển cho Cơ quan đăng ký sự vụ và bảo đảm thực hiện ghi nhận việc đăng ký nhãn hiệu. Theo quy định của Luật Nhãn hiệu mới, văn phòng sở hữu trí tuệ Myanmar, viết tắt là “MIPO” sẽ được thành lập trực thuộc Bộ Giáo dục (Khoa học và công nghệ) để thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu tại Myanmar.

7. Hiệu lực văn bằng

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn 10 năm/lần, không giới hạn số lần gia hạn.

8. Phản đối và chấm dứt hiệu lực văn bằng
  • Phản đối 
Tổ chức hoặc cá nhân muốn phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ cho một nhãn hiệu có thể nộp văn bản phản đối dựa trên các căn cứ theo quy định trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhãn hiệu này được công bố. Nếu không có phản đối nào được nộp trong thời hạn này, nhãn hiệu sẽ được chấp nhận bảo hộ nếu được MIPO yêu cầu chủ đơn nộp phí đăng ký.
  • Chấm dứt hiệu lực văn bằng
Theo yêu cầu của bên có quyền và lợi ích liên quan, Cơ quan đăng ký sẽ có quyết định chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã được đăng ký nếu nhãn hiệu đó không được sử dụng trong vòng 3 năm liên tục kể từ ngày đăng ký mà chủ sở hữu nhãn hiệu không đưa ra được lý do phù hợp cho việc không sử dụng này.

Vietthink News