Thay đổi tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 11/03/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009.

Theo đó, Nghị định quy định chi tiết các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng lĩnh vực, việc hỗ trợ thông tin và tư vấn pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định cụ thể trên 2 lĩnh vực: thương mại dịch vụ và nông  lâm nghiệp, thủy sản, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng thay vì tách ra làm 3 lĩnh vực riêng biệt như trước đây. Trong đó, lĩnh vực 1 và 3 (theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP được gộp lại thành 1 lĩnh vực chung. 

Nhìn chung, các tiêu chí xác định doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao các tiêu chí về lao động, nguồn vốn và tổng doanh thu. Cụ thể:

Thứ nhất, trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm:
  • Doanh nghiệp siêu nhỏ: có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ (trước đây không phân loại dựa vào vốn);
  • Doanh nghiệp nhỏ: có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ (trước đây là 10 tỷ trở xuống);
  • Doanh nghiệp vừa: có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh  thu của năm không quá 300 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ (trước đây là từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng).
Thứ hai, trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng được phân theo quy mô:
  • Doanh nghiệp siêu nhỏ: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng;
  • Doanh nghiệp nhỏ: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định;
  • Doanh nghiệp vừa: có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.

Theo Nghị định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn phí truy cập thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nguồn nhân lực, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo (Điều 14 Nghị định 39/2018/NĐ-CP).

Nghị định 39/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/3/2018.

Vietthink News.