Những điểm mới trong chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Ngày 17/04/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (“Nghị định 57/2018/NĐ-CP”) thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (“Nghị định 210/2013/NĐ-CP”) được kỳ vọng tạo bước ngoặt, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

Theo đó, các doanh nghiệp trên sẽ được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tiếp cận và thực hiện thủ tục đầu tư; hưởng ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất và miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Trình tự, thủ tục đầu tư 
Đối tượng được nhận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.

Một trong những điểm mới nhất, quan trọng nhất về trình tự và thủ tục đầu tư theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP là các dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn sẽ không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định này là quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư.

Các thủ tục liên quan đến quy hoạch dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm tra công nghệ đối với các dự án cũng được tạo điều kiện thông thoáng hơn. Quy định mới cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ đầu tư.

Đặc biệt, để giảm thiểu các phiền phức cho doanh nghiệp, Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định: khi dự án đầu tư thuộc danh mục dự án khuyển khích đầu tư chưa hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan nhà nước tại địa phương không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dưới bất kỳ hình thức nào trừ khi có quy định của Luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Đây là nội dung quy định để thể chế hóa chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. 

Miễn, giảm tiền sử dụng đất
Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định những ưu đãi, hỗ trợ trong từng vấn đề vốn là điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Cụ thể, 
- Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.
- Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo.
- Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 5 năm tiếp theo.
- Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, Nhà nước hỗ trợ tập trung đất đai thông qua các hình thức hỗ trợ kinh phí thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân và việc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Giúp tiếp cận nguồn vốn 
Các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.
Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại: Tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm; dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.
  

Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao 
* Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài: Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng.
Để hưởng chính sách trên, doanh nghiệp phải có doanh thu năm trước tối thiểu bằng 10 lần mức hỗ trợ; các bản quyền, công nghệ doanh nghiệp đề xuất mua phải phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của doanh nghiệp đã đăng ký. Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định rõ, trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng mức hỗ trợ; trường hợp không được áp dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng 50% mức hỗ trợ.
* Hỗ trợ doanh thực hiện án sản xuất thử nghiệm: Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư và 50% kinh phí đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư nhưng không quá 01 tỷ đồng đối với các dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới.
Điều kiện để hưởng hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm là: (1) các dự án sản xuất sản phẩm thử nghiệm, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có văn bản thống nhất của cơ quan quản lý khoa học thuộc cấp bộ hoặc UBND cấp tỉnh và (2)  Nhiệm vụ đề xuất hỗ trợ có nội dung phù hợp với định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp được giao toàn bộ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sau khi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu và ưu tiên triển khai sản phẩm khoa học công nghệ
* Hộ trợ doanh nghiệp có dự án nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô được hỗ trợ với mức hỗ trợ 80% kinh phí đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường, nhưng không quá 05 tỷ đồng/dự án với điều kiện dự án phải có quy mô từ 01 triệu cây/năm trở lên nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở
Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở cho các doanh nghiệp thực hiện dự án (1) chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, chế toạn thiết bị linh kiện, máy nông nghiệp; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ; (2) bảo quản nông sản; (3) hộ trợ mua tàu dịch vụ biển cho các các doanh nghiệp là dịch vụ nghề cá trên biển; (4) các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt.

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường.
Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư được ngân sách nhà nước hỗ trợ: (1) chi phí đào tạo nghề cho người lao động; (2) hỗ trợ  xây dựng và quản lý một trang thông tin điện tử …
Có thể nói, Nghị định 57/2018/NĐ-CP đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi và ưu đãi khá toàn diện ở nhiều lĩnh vực. từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hỗ trợ về cơ chế (miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo, marketing...). Các hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần khuyến khích phát triển. 
Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện mạnh mẽ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người dân.
Nghị định 57/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành và hy vọng với một loạt các chính sách ưu đãi mới, nông nghiệp có cơ hội trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư.

Vietthink news