QUY ĐỊNH MỚI VỀ TIỀN LƯƠNG ÁP DỤNG TỪ 01/11/2018
Ngày 13/09/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương (Nghị định 121). Nghị định 121 đã tháo gỡ những thủ tục rườm rà cản trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trước hết, Nghị định 121 đã xác định nguyên tắc định mức lao động phải phù hợp

Nguyên tắc xây dựng định mức lao động đã được chỉ rõ trong Nghị định 121. Theo đó, doanh nghiệp xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm và phải đảm bảo những nguyên tắc sau:

- Định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý.
- Mức lao động được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của người lao động, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc thiết bị và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động.
- Mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Mức lao động mới phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. Doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết ít nhất 15 ngày trước khi áp dụng thử. Thời gian áp dụng thử tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng và phải đánh giá việc thực hiện mức.
- Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mức lao động.
- Mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.


(Ảnh: nguồn Internet)

Thứ hai, Nghị định 121 đã có những điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn, doanh nghiệp dưới 10 người lao động được miễn gửi thang, bảng lương

Trước thời điểm Nghị định 121 có hiệu lực, Doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải xây dựng và gửi thang, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quy định này trên thực tế đãgây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, bởi so với quy mô thì các quy định về pháp luật giữa doanh nghiệp siêu nhỏ dưới 10 lao động và doanh nghiệp hàng nghìn lao động lại không có nhiều khác biệt. Vì vậy, không ít doanh nghiệp siêu nhỏ phải tìm cách để “lách” quy định.

Trước những bất cập này, Nghị định 121 đã chính thức miễn thủ tục gửi thang, bảng lương động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động. Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 về tiền lương. Nghị định 121/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018.

Vietthink News./.