Chính phủ ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP: Thúc đẩy giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
Ngày 24/12/2018, Chính Phủ ban hành Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (“Nghị Định 165”), thay thế Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (“Nghị Định 27”) và Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 27 (“Nghị Định 156”). Những quy định mới trong Nghị Định 165 được kỳ vọng sẽ:
(i) Khắc phục các hạn chế của Nghị Định 27, Nghị Định 156;
(ii) Xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; và
(iii) Giảm gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị Định 165 có một số nội dung đáng chú ý sau:

Thứ nhất, Nghị Định 165 thừa nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử

Theo đó, khoản 2 Điều 5 Nghị Định 165 quy định chứng từ điện tử sẽ có giá trị pháp lý như bản gốc, phù hợp với quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu tại Luật Giao dịch điện tử 2005. Ngoải ra, Khoản 3 Điều 6 và Khoản 4 Điều 7 Nghị Định 165 cũng ghi nhận: chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy có giá trị như chứng từ giấy; chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử cũng có giá trị như chứng từ điện tử, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Thứ hai, Nghị Định 165 sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về việc hủy hiệu lực chứng từ điện tử.

Theo đó, Điều 10 Nghị Định 165 quy định chứng từ điện tử bị hủy hiệu lực theo một trong các điều kiện sau:
(i) Chứng từ bị hủy theo quy trình, quy định của đơn vị khởi tạo, xử lý chứng từ điện tử trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành;
(ii) Chứng từ bị hủy trên cơ sở đồng ý và xác nhận của các bên tham gia giao dịch. Vào thời điểm chứng từ điện tử bị hủy hiệu lực thì đồng thời chứng từ giấy đã chuyển đổi từ chứng từ điện tử này (nếu có) cũng bị mất hiệu lực và không còn giá trị sử dụng.

Thứ ba, bổ sung các quy định bảo đảm an toàn trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

Điều 14 Nghị Định 165 cũng bổ sung quy định về trách nhiệm đối với chủ quản hệ thống thông tin trong trường hợp thu thập thông tin cá nhân của người tham gia giao dịch phải tuân thủ Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các quy định pháp luật liên quan về bảo vệ thông tin cá nhân. Cụ thể, Chủ quản hệ thống thông tin tối thiểu phải áp dụng các biện pháp sau:
(i) Xác định cấp độ và triển khai các phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin tương ứng theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng;
(ii) Kết nối từ cơ quan, tổ chức, cá nhân tới hệ thống thông tin phải được mã hóa.

Thứ tư, Nghị Định 165 xóa bỏ các quy định không có nội dung cụ thể (mã hóa chứng từ điện tử - Điều 6 Nghị Định 27), quy định không khả thi (tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử - Điều 9 Nghị Định 27).

Bên cạnh đó, Nghị Định 165 cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung đáng lưu ý như: Quy định về dịch vụ trung gian phục vụ giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Bổ sung quy định về việc thanh tra, kiểm tra thông tin về giao dịch điện tử trên cơ sở ưu tiên thực hiện bằng phương thức điện tử để giảm thiểu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp,...

Nghị Định 165 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2019.

Vietthink News!