Bắt đầu từ ngày 15/01/2019 : Trêu ghẹo nhân viên hàng không, hành khách có thể bị phạt tiền từ 3 – 10 triệu đồng.
Thời gian vừa qua, một loạt các vụ ẩu đả, lùm xùm xảy ra tại các sân bay hoặc có liên quan đến dịch vụ hàng không đã khiến cho không ít độc giả hết sức bất bình.

Trong khi đó, các quy định trong Nghị định số 147/2013/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót như: một số hành vi chưa được quy định chi tiết; mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm chưa phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi hoặc thu nhập của đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa phù hợp với quy định trong Bộ luật hình sự; hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn hoặc đình chỉ hoạt động của các cá nhân, tổ chức quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với đặc thù hoạt động hàng không dân dụng; một số quy định về phương tiện phát hiện hành vi vi phạm hành chính; người có thẩm quyền sử dụng phương tiện phát hiện hành vi vi phạm hành chính; điều tiết tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng chưa phù hợp với thực tế… Ngoài ra, trong thực tế có nhiều hành vi vi phạm hành chính xảy ra trong lĩnh vực HKDD, nhưng không được quy định trong Nghị định 147/2013/NĐ-CP mà được quy định trong các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác, tuy nhiên, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác không quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của lực lượng thanh tra chuyên ngành hàng không và Cảng vụ hàng không, do đó làm cho việc xử lý vi phạm hành chính không kịp thời, thiếu hiệu quả.



(Nguồn ảnh: Internet)

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, ngày 30/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 147/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (“Nghị định 162/2018/NĐ-CP”). Nghị định 162/2018/NĐ-CP có nhiều điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Nghị định 162/2018/NĐ-CP tăng nặng mức xử phạt cho các hành vi vi phạm quy định về an ninh hàng không đối với cảng hàng không, sân bay, chuyến bay, quản lý hoạt động bay. Với cùng một hành vi vi phạm nhưng hành vi vi phạm trên tàu bay sẽ chịu mức phạt nặng hơn so với hành vi vi phạm tại cảng hàng không, sân bay, nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng. Các Hành vi: Hành hung thành viên tổ bay, hành khách, người khác trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Phát ngôn đe dọa an toàn hàng không mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng; Hành vi Đưa chất nổ, vật liệu nổ, vũ khí quân dụng, chất cháy lên tàu bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.Cũng theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP, các hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính cũng được mở rộng ra không chỉ tại khu vực hạn chế mà là toàn bộ khu vực tại cảng hàng không, sân bay, nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng.

Thứ hai, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ liên quan đến dịch vụ hàng không, Nghị định 162/2018/NĐ-CP bổ sung thêm mức xử phạt cho các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống cháy nổ tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Cụ thể tại điều 28 như sau:

- Hành vi hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử hoặc sử dụng diêm, bật lửa, vật gây cháy không đúng nơi quy định trong cảng hàng không, sân bay, tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng) đến 1.000.000 đồng (một triệu đồng).

- Các hành vi không bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy trong cảng hàng không, sân bay, tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đến 3.000.000 đồng (ba triệu đồng);

- Các hành vi đốt hương, đốt nến, đốt vàng mã trong cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đến 10.000.000 đồng (mười triệu đồng);

- Các hành vi hút thuốc, kể cả thuốc điện tử hoặc sử dụng bật lửa, diêm hoặc vật gây cháy ở khu vực an toàn cho tàu bay hoặc kho nhiên liệu hàng không, trạm tiếp nạp nhiên liệu, khu vực cấp khí ga trong cảng hàng không, sân bay có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) đến 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng);

Trường hợp Người vi phạm là nhân viên hàng không, thì còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 01 tháng.

Nhìn chung, Nghị định 162/2018/NĐ-CP được ban hành đã tháo gỡ nhiều bất cập của Nghị định 147/2013/NĐ-CP, Nghị định 162/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2019.

Vietthink News.