Quyền tạm dừng (Own Stopover Rights) trong vận tải hàng không và việc mở cửa bầu trời các nước ASEAN (Phần 1)
Hiệp định đa phương ASEAN về Tự do hóa hoàn toàn dịch vụ hàng không chở khách năm 2010 đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng cho việc tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không và Quyền tạm dừng giữa các quốc gia thành viên, hướng tới mục tiêu mở cửa hoàn toàn bầu trời ASEAN trong tương lai. Tuy nhiên, tại Việt Nam các khái niệm này vẫn còn khá xa lạ không chỉ với người dân mà ngay cả với các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không. Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về Quyền tạm dừng và Thương quyền vận tải hàng không, vấn đề tự do hóa Quyền tạm dừng trong ASEAN theo dự thảo Nghị định thư số 5 và các quy định tương ứng trong Luật HKDD Việt Nam. 

Quyền tạm dừng và Thương quyền vận tải hàng không là gì?
Quyền tạm dừng (“Own stopover rights”) được coi là một phần của Thương quyền vận tải hàng không (“Traffic rights” hay “Freedoms of the air”). Thương quyền vận tải hàng không là một bộ các quyền vận tải hàng không thương mại được cấp cho các hãng hàng không, bao gồm quyền được tự do giao thông (freedom of air passage) trên không phận (airspace) và quyền khai thác vận tải hàng không thương mại (commercial loads) giữa các nước.
Khi xây dựng Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế năm 1944, Hoa Kỳ đã cố gắng dùng ảnh hưởng của mình để thiết lập một bộ quy tắc về các quyền tự do hóa hàng không áp dụng thống nhất trên toàn thế giới, nhưng nỗ lực này chưa thể hoàn tất tại thời điểm đó do sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành hàng không thế giới và xu hướng tự do hóa thương mại, dịch vụ toàn cầu, các Thương quyền vận tải hàng không đã từng bước được các quốc gia công nhận trong các hiệp song phương, khu vực và đa phương về hàng không.
Đến nay, bộ Thương quyền vận tải hàng không được các quốc gia và vùng lãnh thổ cộng nhận rộng rãi bao gồm 09 Thương quyền cơ bản sau đây: 
  • Thương quyền số 1: Quyền được tự do bay trên lãnh thổ của quốc gia nhưng không hạ cánh. 
  • Thương quyền số 2: Quyền được hạ cánh xuống lãnh thổ của quốc gia vì các lý do phi thương mại trong những trường hợp cần thiết và có báo trước, như để tiếp nhiên liệu, sửa chữa máy bay. 
  • Thương quyền số 3: Quyền lấy tải thương mại (hành khách, hàng hoá, thư tín) từ quốc gia của hãng chuyên chở tới lãnh thổ nước ngoài. 
  • Thương quyền số 4: Quyền lấy tải thương mại (hành khách, hàng hoá, thư tín) trên lãnh thổ nước ngoài chuyên chở về nước của hãng khai thác. 
  • Thương quyền số 5: Quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba và quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ ba để chở đến nước thứ hai. 
  • Thương quyền số 6: Quyền lấy hành khách, hàng hoá, thư tín từ một quốc gia thứ hai đến một quốc gia thứ ba qua lãnh thổ thuộc nước của nhà khai thác. 
  • Thương quyền số 7: Quyền được khai thác tải thương mại giữa hai nước hoàn toàn ở ngoài nước của nhà khai thác. 
  • Thương quyền số 8: Quyền được khai thác tải thương mại từ một thành phố này ở nước ngoài đến một thành phố khác của cùng nước đó nhưng các chuyến bay phải được xuất phát từ nước của nhà khai thác. 
  • Thương quyền số 9: Quyền được khai thác tải thương mại từ một thành phố này ở nước ngoài đến thành phố khác của nước đó nhưng máy bay không xuất phát từ nước của nhà khai thác.
Ngoài 09 Thương quyền cơ bản (“Hard rights”) nêu trên, còn có một số Ngoại quyền (“Soft rights” hoặc “Beyond rights”) khác cũng đã được một số nước đàm phán và đưa vào các hiệp định song phương và khu vực về hàng không, bao gồm:
  • Quyền liên doanh chặng nội địa (“Code-share rights” hoặc “Domestic code-share rights”): Là quyền mà một hãng hàng không của quốc gia này được phép liên doanh với các hãng hàng không để thực hiện hành trình bay tại một quốc gia khác, với điều kiện việc liên doanh chặng nội địa là một phần của hành trình bay, và không bao gồm việc khai thác thương mại tại quốc gia đó;
  • Quyền vận chuyển kết hợp nhiều điểm đến (“Co-terminal rights”): Là quyền mà một hãng hàng không của quốc gia này được quyền phục vụ tại nhiều điểm đến của một quốc gia thành viên khác trên cùng một hành trình;
  • Quyền tạm dừng (“Own Stopover rights” hoặc “Stopover rights”): Là quyền mà một hãng hàng không của quốc gia này được phép dừng để đón, trả khách và hàng hóa tại nhiều điểm của một quốc gia thành viên khác trên cùng một hành trình.
Như vậy, Quyền tạm dừng là một trong các Ngoại quyền của bộ Thương quyền vận tải hàng không. Nhưng trong thời gian gần đây việc tự do hóa Quyền tạm dừng được rất nhiều quốc gia chú trọng do tính chất dễ thực hiện và các lợi ích to lớn mà nó mang lại. Do vậy, việc tự do hóa Quyền tạm dừng thường là một nội dung được ưu tiên trong khi đàm phán các hiệp định song phương và khu vực về hàng không.

Quy định của ASEAN về tự do hóa Thương quyền vận tải hàng không và Quyền tạm dừng
Để thực thi Hiệp định đa phương ASEAN về Tự do hóa hoàn toàn dịch vụ hàng không chở khách năm 2010 (ASEAN Multilateal Agreement on the Full Liberalisation of Passenger Air Services), Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đã và đang đàm phán, ký kết các Nghị định thư về tự do hóa Thương quyền vận tải hàng không sau đây: 
  • Nghị định thư số 1 gỡ bỏ hạn chế đối với Thương quyền vận tải hàng không số 3 và số 4 giữa các thành phố trong khu vực ASEAN (Protocol 1 – Unlimited Third and Fourth Freedom Traffic Rights beween Any ASEAN Cities);
  • Nghị định thư số 2 gỡ bỏ hạn chế đối với Thương quyền vận tải hàng không số 5 giữa các thành phố trong khu vực ASEAN (Protocol 2 – Unlimited Fifth Freedom Traffic Rights beween Any ASEAN Cities);
  • Nghị định thư số 3 về tự do liên doanh trên chặng bay nội địa (Protocol 3 – Domestic Code-Share Rights between Points within the Territory of any other ASEAN Member State);
  • Nghị định thư số 4 về tự do vận chuyển kết hợp nhiều điểm đến (Protocol 4 – Co-Terminal Rights between Points within the Territory of any other ASEAN Member State);
  • Dự thảo Nghị định thư số 5 về tự do hóa Quyền tạm dừng (Protocal 5 on Own Stopover Rights between any Points within the Territory of any other ASEAN Member State).
Theo Điều 1 dự thảo Nghị định thư số 5 (do Chính phủ Singapore đề xuất), Quyền tạm dừng là “Quyền cho phép Hãng hàng không được chỉ định1  của một quốc gia thành viên được trả và đón hành khách, hàng hóa của cùng một tuyến khai thác của hãng hàng không đó giữa hai hoặc nhiều điểm thuộc một quốc gia thành viên khác trong cùng một hành trình bay sau khi tàu bay hạ cánh. Quyền tạm dừng chỉ được thực hiện như một phần trong một chặng bay quốc tế”2 .
------------------------------
1 “Hãng hàng không chỉ định” (“Designated Airlines”) được định nghĩa chi tiết tại Điều 1 Hiệp định đa phương ASEAN về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ hàng không chở khách.
2 Article 1 Protocol 5: “the term own stopover rights reffer to the right for the designated airline of each contracting party to discharge and take on its own traffic between two or more points in another Contracting Party on the same routing after a stopover”.


Với định nghĩa nêu trên, có thể minh họa Quyền tạm dừng đối với một hành trình bay quốc tế khi thực hiện Thương quyền số 3, 4 và Thương quyền số 5 như sau:
  • Quyền tạm dừng khi thực hiện Thương quyền số 3 và số 4:

  • Quyền tạm dừng khi thực hiện Thương quyền số 5:
 

Theo Điều 2 của dự thảo Nghị định thư số 5, điều kiện và phạm vi thực hiện Quyền tạm dừng bao gồm:
  • Hãng hàng không thực hiện Quyền tạm dừng trên cùng một tuyến khai thác thương mại (“Own traffic”), không bao gồm quyền được cung cấp các dịch vụ thương mại tại quốc gia thực hiện tạm dừng;
  • Chỉ được thực hiện Quyền tạm dừng như một phần của chặng bay quốc tế;
  • Được thực hiện quyền phục vụ tại các điểm tạm dừng (tương tự quyền phục vụ trong liên doanh chặng bay nội địa).
Quy định về tự do hóa Thương quyền vận tải hàng không trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam
So với nhiều nước trong khu vực, việc nội luật hóa Thương quyền vận tải hàng không nói chung và Quyền tạm dừng nói riêng có phần chậm trễ. Các quy định về Thương quyền vận tải hàng không và Quyền tạm dừng mới chỉ được đề cập đến một cách khá sơ sài trong Luật HKDD Việt Nam, cụ thể như sau:
  • Theo Điều 114 Luật HKDD Việt Nam quy định chung về Quyền vận chuyển hàng không quốc tế, hiện đang được hướng dẫn bởi Thông tư 81/2017/TT-BGTVT hướng dẫn về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Theo đó căn cứ vào các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và chưa là thành viên, Bộ GTVT có thể cho phép hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng không quốc tế thường lệ tạm thời đến và đi từ Việt Nam;
  • Theo Điều 120 Luật HKDD Việt Nam quy định chung về Vận chuyển quốc tế kết hợp nhiều điểm tại Việt Nam, trong đó chỉ quy định chung về việc mở cửa cho hãng hàng không nước ngoài được phép vận chuyển có ít nhất hai điểm đến và hai điểm đi trong lãnh thổ Việt Nam.
Nhìn chung các quy định của Luật HKDD mới chỉ dừng lại ở việc xác lập các nguyên tắc và chính sách chung về mở cửa bầu trời đối với vận tải hàng không quốc tế, chứ chưa có quy định cụ thể, chi tiết về từng Thương quyền và các Ngoại quyền mà Việt Nam đã ký kết tại các Nghị định thư số 3 (Vận chuyển kế tiếp “Code-share rights”), Nghị định thư số 4 (Vận chuyển kết hợp nhiều điểm “Co-terminal rights”). Đặc biệt, chưa có bất kỳ quy định chi tiết nào liên quan đến Quyền tạm dừng (“Own Stopover rights”) theo Dự thảo Nghị định thư số 5. Điều này sẽ gây ra những bất lợi cho cả các Hãng hàng không của các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các hàng hàng không nội địa của Việt Nam, bởi:
  • Không có quy định chi tiết điều chỉnh việc cấp phép dừng đỗ, cấp phép bay khi các hãng hàng không quốc tế thực hiện từng loại Thương quyền vận tải hàng không và/hoặc Ngoại quyền đã được tự do hóa tại Việt Nam mà không thông qua thủ tục cấp phép kinh doanh tại Việt Nam;
  • Không có quy định hướng dẫn chi tiết về các giao dịch, quan hệ liên kết, liên doanh giữa các hãng hàng không quốc tế với nhau và các hãng hàng không quốc tế với các hãng hàng không Việt Nam khi thực hiện các Thương quyền, Ngoại quyền đã được tự do hóa tại Việt Nam.
Những bất cập của hệ thống pháp luật về hàng không nêu trên đang đặt ra những rào cản và thách thức rất lớn trong việc thực thi các cam kết quốc tế về tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không và Quyền tạm dừng. Những bất cập này cần sớm được khắc phục để thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực vận tải hàng không, đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của các hãng hàng không nội địa trong sân chơi khu vực ASEAN./.

Th.s Nguyễn Thanh Hà & Th.s Bùi Thị Minh Thúy
Công ty Luật Vietthink