Tỷ lệ thông qua quyết định của ĐHĐCĐ về số lượng thành viên HĐQT/BKS trong Công ty đại chúng
Pháp luật doanh nghiệp hiện hành chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) đối với Tờ trình về số lượng thành viên của Hội đồng quản trị (“HĐQT”) và/hoặc số lượng thành viên Ban kiểm soát (“BKS”). Vấn đề này đang tồn tại hai cách hiểu khác nhau:
  • Cách hiểu thứ nhất: Việc thông qua số lượng thành viên HĐQT/BKS là một khâu trong quá trình bầu HĐQT/BKS, vì vậy tỷ lệ thông qua số lượng thành viên HĐQT/BKS sẽ áp dụng tương tự tỷ lệ bầu HĐQT/BKS. Nội dung thay đổi về số lượng thành viên HĐQT/BKS cũng có thể được coi là một nội dung thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty. Theo điểm b khoản 1 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014, nghị quyết/quyết định về nội dung này chỉ được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.
  • Cách hiểu thứ hai: Mặt dù việc thông qua số lượng thành viên HĐQT là một khâu trong quá trình bầu HĐQT, nhưng không thuộc nhóm vấn đề được liệt kê tại khoản 1 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014. Do đó, không áp dụng tỷ lệ biểu quyết quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014, mà áp dụng tỷ lệ biểu quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 đối với các nghị quyết khác, nghĩa là được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.

Trên thực tiễn, thông thường các Doanh nghiệp sẽ áp dụng tỷ lệ ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp tán thành khi tiến hành lấy ý kiến thông qua các vấn đề liên quan đến thành viên, số lượng thành viên của HĐQT và BKS. Tuy nhiên, việc áp dụng tỷ lệ ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành không trái với quy định pháp luật, công ty có thể quy định tỷ lệ này đối với từng trường hợp cụ thể tại Điều lệ công ty và ưu tiên áp dụng.
Để thống nhất trong quá trình áp dụng, các Doanh nghiệp nên quy định cụ thể tỷ lệ biểu quyết thông qua số lượng thành viên HĐQT/BKS là bao nhiêu. 
Về cách thức bầu cử thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát. Theo quy định tại khoản 3 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 , “Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát phải thực hiện theo phương thứ bầu dồn phiếu”. Như vậy, việc bầu cử thành viên HĐQT/BKS có thể thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu hoặc một phương thức khác do ĐHĐCĐ quyết định và được ghi nhận tại Điều lệ công ty hoặc thông qua Quy chế bầu cử. Cụ thể:
  • Phương thức 01: Bầu cử từng ứng viên HĐQT/BKS theo phương thức phiếu biểu quyết. Người trúng cử là người có số phiếu biểu quyết đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Điều lệ công ty (thông thường Điều lệ các Công ty quy định tỷ lệ này là trên 65%). 
  • Phương thức 02: Bầu cử thành viên HĐQT/BKS theo phương thức bầu dồn phiếu. Theo phương thức này, mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số lượng thành viên HĐQT/BKS được ĐHĐCĐ thông qua. Cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một ứng viên HĐQT/BKS hoặc chia nhỏ tổng số phiếu bầu của mình cho một số ứng viên HĐQT/BKS theo tỷ lệ do cổ đông quyết định. Thông thường, người trúng cử thành viên HĐQT/BKS được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty (Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của HĐQT/BKS thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ Công ty). 
Trường hợp Điều lệ công ty có quy định về tỷ lệ thông qua quyết định trúng cử của thành viên HĐQT/BKS thì thành viên đó trúng cử khi đáp ứng đầy đủ 02 điều kiện sau đây:
(1) Có kết quả bầu dồn phiếu cao nhất sếp theo thứ tự từ cao xuống thấp; và 
(2) Số lượng phiếu được bầu cho mỗi ứng viên phải đạt tỷ lệ trúng cử tối thiểu trên tổng số phiếu bầu của các cổ đông tham dự Đại hội theo quy định tại Điều lệ Công ty.

Cao Thị Hòa - Trưởng phòng Doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Vietthink