Thẩm định nhãn hiệu đối với các đơn đăng ký quốc tế qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan
Ngày 07/11/2017, Thái Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 99 của Nghị định thư Madrid. Với việc gia nhập chính thức này, kể từ ngày 07/11/2017, các nhãn hiệu ngoài việc có thể được đăng ký trực tiếp tại Văn phòng Sở hữu trí tuệ Thái Lan (DIP), còn có thể được đăng ký qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan dựa trên đơn gốc đã nộp tại quốc gia thuộc hệ thống Madrid. Tính từ thời điểm đó đến nay đã hơn 24 tháng (02 năm) và một lượng đơn khá lớn chỉ đinh Thái Lan qua hệ thống Madrid cũng đã được hoàn tất việc thẩm định khả năng đăng ký vì Thái Lan lựa chọn thời gian thẩm định các đơn quốc tế qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan là 18 tháng. Thông báo thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Thái Lan đầu tiên đã được phát hành bởi Cơ quan SHTT Thái Lan (DIP) vào khoảng giữa tháng 4/2019. Từ thực tế thẩm định đơn quốc tế chỉ định Thái Lan có thể rút ra được những kinh nghiệm gì để việc bảo hộ nhãn hiệu quốc tế qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan dễ dàng và phù hợp hơn với quy định nước này?
 
Sau thời gian xem xét các kết quả thông báo thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu quốc tế chỉ định Thái Lan trên thực tế, có thể thấy rằng việc thẩm định các nhãn hiệu quốc tế nộp qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan và các nhãn hiệu đăng ký trực tiếp với DIP không có khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, có một số khó khăn mà chủ đơn có thể gặp phải khi đăng ký qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan như sau:

1. Ngôn ngữ và dịch thuật
Thái Lan chỉ sử dụng tiếng Thái để thẩm định đăng ký nhãn hiệu. Trong khi đó, đơn nhãn hiệu nộp qua hệ thống Madrid chỉ được nộp bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Thái như Anh, Pháp (phần lớn là tiếng Anh)… Vì vậy, tất cả các đơn nhãn hiệu chỉ định Thái Lan qua hệ thống Madrid, trước khi đưa vào thẩm định, phải được dịch sang tiếng Thái, cụ thể là phần mô tả nhãn hiệu, danh mục sản phẩm/dịch vụ... Sau khi đơn được thẩm định xong, kết quả thẩm định bằng tiếng Thái lại được dịch ngược lại một lần nữa sang tiếng Anh. Tức là, việc thẩm định sẽ bị mất rất nhiều thời gian cho việc dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Thái và sang tiếng Anh một lần nữa.
 
Việc dịch ngược nhiều lần như vậy không chỉ làm mất nhiều thời gian cho cơ quan thẩm định mà còn dễ dẫn đến việc mất đi tính chính xác của bản chất nhãn hiệu từ đó dẫn đến các vấn đề như phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu sẽ bị sai lệch so với mong muốn ban đầu của chủ đơn, việc từ chối của cơ quan thẩm định sẽ kém đi tính chính xác vì lý do dịch thuật, các thông báo từ chối sẽ bị hiểu sai lệch đi so với ý kiến thẩm định ban đầu của thẩm định viên… Cũng giống như tiếng Việt, một từ tiếng Anh sẽ có rất nhiều nghĩa trong tiếng Thái, việc lựa chọn nghĩa và chất lượng của phần dịch thuật hoàn toàn phụ thuộc vào người dịch thuộc cơ quan thẩm định nhãn hiệu quốc tế của DIP. Thực tế đã cho thấy các ví dụ điển hình về việc nhãn hiệu đã bị từ chối bởi DIP vì việc dịch chưa đúng với bản chất của nó dẫn đến những khó khăn và xử lý chưa đúng với bản chất vấn đề. 

2. Danh mục sản phẩm/dịch vụ
Thông thường, việc mô tả sản phẩm/dịch vụ cũng như phân nhóm sản phẩm/dịch vụ là phần hình thức của đơn nhãn hiệu và thông thường đối với phần này, các quốc gia trong hệ thống đăng ký quốc tế thường dễ dàng chấp nhận hơn so với đơn nộp trực tiếp tại các quốc gia. Tuy nhiên, với Thái Lan, việc thẩm định phân nhóm sản phẩm/dịch vụ lại là vấn đề gây trở ngại nhiều nhất bởi danh mục sản phẩm/dịch vụ tại Thái Lan, theo quy định, phải liệt kê rất chi tiết từng sản phẩm/dịch vụ, không có sản phẩm/dịch vụ dạng chung chung như quần áo, giày dép, mỹ phẩm… mà phải chi tiết ví dụ như mỹ phẩm thì phải làm rõ là son, kem bôi mặt dưỡng da, nước hoa hồng dưỡng da… Không chỉ vậy, không phải tất cả các sản phẩm/dịch vụ được WIPO hay các quốc gia khác chấp nhận thì mặc nhiên được chấp nhận tại Thái Lan, kể cả trong danh mục theo phân nhóm đăng ký quốc tế Nice. Trên thực tế, đối với các đơn nhãn hiệu trong nước khi nộp đơn với DIP thì hơn một nửa số đơn nhãn hiệu bị từ chối vì danh mục sản phẩm/dịch vụ. Đối với các đơn quốc tế, số lượng việc từ chối này thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều vì danh mục sản phẩm/dịch vụ nộp theo đơn quốc tế bắt buộc phải theo đơn gốc đã được nộp/đăng ký tại nước gốc. Do đó, việc các đơn quốc tế qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan bị từ chối vì danh mục sản phẩm/dịch vụ thường xuyên xảy ra.
 
Thêm một điều rất quan trọng nữa là việc phân nhóm sản phẩm/dịch vụ có được coi là đúng quy định hay chưa lại phụ thuộc hoàn toàn vào người dịch trước khi đơn được chính thức thẩm định hình thức. Trong trường hợp đơn bị từ chối về danh mục sản phẩm/dịch vụ vì phần dịch tiếng Thái đã không dịch đúng bản chất của sản phẩm/dịch vụ như đã nộp với WIPO, chưa kể khi dịch ngược lại một lần nữa từ tiếng Thái sang tiếng Anh để WIPO gửi thông báo từ chối, việc này thật sự sẽ gây trở ngại rất lớn đối với chủ sở hữu nhãn hiệu khi đăng ký nhãn hiệu chỉ định Thái Lan qua hệ thống Madrid. 

3. Chỉ từ chối toàn bộ, không có từ chối từng phần nhãn hiệu
Khi thẩm định khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu, đối với các nhãn hiệu bao gồm nhiều từ hoặc được ghép bởi nhiều từ tiếng Anh, trong thông báo từ chối bảo hộ mà WIPO gửi cho chủ sở hữu có đề cập là thẩm định viên của DIP cho rằng nhãn hiệu không có khả năng tự phân biệt vì từng từ trong nhãn hiệu mang tính mô tả cho sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu. Trong khi đó, thực chất, trong thông báo bằng tiếng Thái của thẩm định viên ghi rất rõ là nhãn hiệu không có khả năng tự phân biệt vì nghĩa của các từ khi được ghép với nhau mang tính mô tả cho sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu (nhãn hiệu mô tả về tổng thể). Điều này rõ ràng sẽ gây khó khăn rất lớn cho chủ sở hữu khi chuẩn bị các lập luận để trả lời thông báo từ chối của DIP nếu chỉ dựa vào thông báo từ chối mà WIPO đã gửi; hoặc
Trong thông báo của WIPO gửi chủ sở hữu, thông báo ghi rõ DIP yêu cầu chủ sở hữu cần phải sửa phần mô tả nhãn hiệu rõ ràng hơn trong khi thực tế trong thông báo từ chối bằng tiếng Thái, thẩm định viên yêu cầu chủ sở hữu phải mô tả nhãn hiệu theo từng phần một của nhãn hiệu.
Một điều đặc biệt cần phải lưu ý nữa là thực tế thẩm định tại Thái Lan đối với các đơn nộp qua hệ thống Madrid không có từ chối từng phần. Khi nhãn hiệu quốc tế qua hệ thống Madrid chỉ định tại Thái Lan bị từ chối, nó sẽ bị từ chối toàn phần kể cả trong trường hợp nhãn hiệu chỉ đáng bị từ chối từng phần sản phẩm/dịch vụ. Điều này có nghĩa là nếu không có trả lời từ chối từ chủ sở hữu, nhãn hiệu sẽ bị từ chối toàn bộ nhãn hiệu cho toàn bộ sản phẩm/dịch vụ. 
Với tất cả các lưu ý và thực tế thẩm định nêu trên, khi nộp đơn quốc tế qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan và bị từ chối, việc chủ sở hữu cần phải làm là liên hệ và tìm được những hãng luật hoặc đại diện Sở hữu công nghiệp có uy tín tại Thái Lan để đạt được mục đích vượt qua được các từ chối của DIP để đăng ký được nhãn hiệu của mình tại Thái Lan vì đôi khi những thông tin nêu trong thông báo của WIPO chưa hẳn đã phải là thông tin chính xác nhất. Vietthink là một đại diện Sở hữu công nghiệp tại Việt Nam với mạng lưới đối tác về Sở hữu công nghiệp tai hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới và có thể thay mặt khách hàng làm việc với các luật sư và đại diện Sở hữu công nghiệp tại Thái Lan để giúp khách hàng vượt qua các từ chối để đăng ký thành công nhãn hiệu tại Thái Lan./.

Dương Thị Vân Anh
Phòng SHTT – Công ty Luật TNHH Viethink