Vietthink tham dự Hội nghị về Thoả ước La Hay về đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức
Với mục đích giới thiệu và hướng dẫn thực thi các quy định của Thoả ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Thoả ước ngày 30/9/2019, ngày 17/12/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Hệ thống La Hay về Đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp tại Hà Nội.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã đề cập đến việc  tạo ra và đăng ký KDCN trong và ngoài nước đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngày càng phát triển. Điều này cũng có thể thấy rõ ở số lượng đơn đăng ký tại Cục SHTT năm 2019 đã tăng lên đáng kể. Vì việc hội nhập quốc tế là không thể trì hoãn, cùng với việc ký Hiệp định EVFTA, ngày 30/9/2019, Việt Nam đã chính thức nộp đề nghị gia nhập Thoả ước La Hay và đến 30/12/2019, Thoả ước này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Hệ thống La Hay được xây dựng nhằm tạo khả năng nộp một đơn đăng ký duy nhất với một hệ thống đăng ký quốc tế duy nhất trong đó một hoặc nhiều Bản ký kết được chỉ định. Hệ thống cho phép người nộp đơn có được sự bảo hộ cho các KDCN của họ với tối thiểu hoá về thủ tục và chi phí. Với nhiều ưu điểm có được từ việc gia nhập hệ thống, tính đến năm 2019, các thành viên tham gia Thoả ước La Hay khoảng 73 thành viên theo Văn kiện Geneva 1999 và Văn kiện La Hay 1960.

Nội dung của hội nghị bao gồm 05 chuyên đề do các chuyên gia của Cục SHTT giới thiệu và trình bày để giới thiệu về hệ thống La Hay cũng như hướng dẫn các thủ tục xử lý đơn đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) chỉ định Việt Nam và các thủ tục tiến hành nộp đơn đăng ký KDCN ra nước ngoài theo hệ thống La Hay.

Chuyên đề 1 và chuyên đề 2 giới thiệu tổng quan Thoả ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN và sự cần thiết của việc gia nhập Thoả ước La Hay do Ông Dương Việt Anh – Trung tâm thẩm định KDCN Cục SHTT trình bày. Hệ thống La Hay có rất nhiều ưu điểm như hồ sơ đơn giản, ngôn ngữ lựa chọn (Anh, Pháp, Tây Ban Nha), một loại tiền (CHF), một cơ quan nhận đơn, số lượng KDCN trong một đơn có thể lên tới 100 KDCN… rút ngắn rất nhiều thủ tục cho người nộp đơn. Việc gia nhập La Hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi đăng ký bảo hộ KDCN tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đăng ký bảo hộ KDCN tại nước ngoài, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước, hỗ trợ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.


Chuyên đề 3 về các tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Thoả ước La Hay do Ông Nguyễn Quang Tuấn – Trung tâm thẩm định KDCN Cục SHTT trình bày, một số tuyên bố quan trọng như sau:
  • Về bộ chụp ảnh vẽ, Việt Nam lựa chọn tuyên bố theo Quy tắc 9(3)(a) Quy chế thi hành chung Văn kiện 1999 và Văn kiện 1960 Thoả ước La Hay, theo đó người nộp đơn phải nộp ảnh chụp/bản vẽ có chứa hình chiếu phối cảnh đối với các KDCN ba chiều;
  • Về bản mô tả, Việt Nam lựa chọn tuyên bố theo Điều 5(2)(b)(ii) Văn kiện Geneve 1999, theo đó đơn quốc tế chỉ định Việt Nam theo Văn kiện 1999 phải chứa phần mô tả bao gồm các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của KDCN;
  • Về yêu cầu bảo hộ, Việt Nam lựa chọn tuyên bố theo Điều 5(2)(b)(iii) Văn kiện 1999, theo đó đơn quốc tế chỉ định Việt Nam theo Văn kiện 1999 phải chứa phần yêu cầu bảo hộ;
  • Về thông tin tác giả, Việt Nam không đưa ra tuyên bố yêu cầu đơn quốc tế phải có thông tin về tác giả nhưng đối với các đơn thiếu thông tin này có thể bổ sung mà không bị lùi ngày nộp đơn.
  • Về công bố đơn, tất cả các đơn KDCN đều được công bố trong vòng 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận đơn hợp lệ, chưa đưa ra quy định về việc trì hoãn công bố;
  • Về đơn có nhiều KDCN, Việt Nam chọn tuyên bố theo Điều 13(1) Văn kiện 1999 theo đó luật pháp Việt Nam quy định mỗi đơn đăng ký KDCN chỉ được yêu cầu bảo hộ cho 01 KDCN duy nhất trừ một số trường hợp như bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thể hiện chung một mục đích hoặc một KDCN kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của KDCN đó theo ý tưởng sáng tạo chung nhất, không khác biệt với KDCN gốc;
  • Thời hạn ra thông báo từ chối: 06 tháng kể từ ngày công bố đăng ký quốc tế.
Chuyên đề 4 và chuyên đề 5 hướng dẫn các thủ tục xử lý đơn đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) chỉ định Việt Nam và các thủ tục tiến hành nộp đơn đăng ký KDCN ra nước ngoài theo hệ thống La Hay do ông Nguyễn Quang Tuấn và Ông Lê Cẩm Thuỷ - đại diện Trung tâm thẩm định KDCN Cục SHTT trình bày. Theo các chuyên đề này, người nộp đơn trong nước có thể nhìn thấy sơ bộ về cách thức nộp đơn đăng ký KDCN tại các quốc gia khác như thế nào và người nộp đơn nước ngoài muốn đăng ký KDCN tại Việt Nam thì cần phải thực hiện những bước nào. 

Hội nghị về Thoả ước La Hay về đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn cũng như làm rõ rất nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo hộ KDCN đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay là Thoả ước La Hay sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam ngày 30/12/2019. Với việc chính thức gia nhập này sẽ đem lại kì vọng lớn trong việc hội nhập quốc tế cũng như phát triển và bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ của Việt Nam tại nước ngoài./.

Vietthink News