Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 - Liệu đã hợp lí ?

Quy định mới về tăng tuổi nghỉ hưu của Người lao động tại Bộ Luật Lao động 2019 đã chính thức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Khóa XIV ngày 20/11/2019. Đến năm 2028, độ tuổi nghỉ hưu của Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường đến năm 2028 là 62 tuổi đối với nam và độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới lao động trong điều kiện bình thường đến năm 2035 là 60 tuổi. Quy định này đã tạo ra nhiều tác động tích cực cho phía Nhà nước, Doanh nghiệp cũng như phía Người Lao Động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập, những thách thức trong tương lai cần có giải pháp phù hợp để giải quyết.

Với 90% số đại biểu tán thành, sáng 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 (BLLĐ 2019), theo đó, tăng tuổi nghỉ hưu của Người lao động (NLĐ) kể từ ngày 01/01/2021 cụ thể như sau: Độ tuổi nghỉ hưu của NLĐ là nữ giới làm việc trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng lên 60 tuổi (tăng 5 tuổi so với quy định hiện nay), nam giới làm việc trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng lên 62 tuổi (tăng 2 tuổi so với quy định hiện nay). Đối với NLĐ làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hay bị suy giảm khả năng lao động thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu. Còn đối với những NLĐ có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt thì có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu về cơ bản được đánh giá là hợp lý.

Quy định này được nhiều chuyên gia đánh giá là hợp lí bởi lộ trình này sẽ được áp dụng một cách chậm dần đều theo từng năm, mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nữ và 3 tháng đối với nam. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ hoàn tất cho đến năm 2028 đối với nam và đến năm 2035 đối với nữ. Việc này tránh gây xáo trộn và tâm lí “sốc” cho người lao động và góp phần đáp ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội, phát huy khả năng người lao động, ứng phó thách thức từ già hóa dân số, bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm, thúc đẩy bình đẳng giới qua việc thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ… Điều này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và xu hướng phát triển. 

Đồng thời, việc phân chia độ tuổi nghỉ hưu tùy theo hoàn cảnh và điều kiện làm việc của từng đối tượng NLĐ cũng là một chính sách đúng đắn. Bởi nhìn chung, khi áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu thì quyền lợi của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và chịu nhiều tác động. Nếu như áp dụng sự thay đổi này lên đối tượng làm việc ở khu vực các cơ quan hành chính sự nghiệp như cán bộ, công chức, viên chức thì tác động không là quá lớn, nhưng đối với đối tượng làm việc trong khu vực tư nhân như công nhân lao động trực tiếp thì sự thay đổi này lại khó khăn hơn, đặc biệt là với đối tượng NLĐ tham gia vào các lĩnh vực trực tiếp sản xuất, khai thác, làm việc trong điều kiện nặng nhọc hoặc cực kì độc hại như công nhân hầm mỏ, khai thác than,… Trên thực tế hiện nay, hầu hết người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại thường nghỉ hưu sớm hơn độ tuổi nghỉ hưu thông thường vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Còn về phía Doanh nghiệp – Người sử dụng lao động (NSDLĐ) cũng không muốn thuê những đối tượng là người cao tuổi bởi e ngại về việc giảm thiểu năng suất lao động, nguy cơ gây mất an toàn lao động, đồng thời việc gia tăng tuổi nghỉ hưu ở đối tượng này cũng tăng sức ép tài chính cho phía Doanh nghiệp vì phải trả lương theo thâm niên của NLĐ và tiền BHXH. Như vậy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, áp dụng tuổi nghỉ hưu sớm, muộn với từng nhóm đối tượng đặc thù, tăng quyền của người lao động trong quan hệ lao động, thêm cơ hội để người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động theo quy định của Điều luật mới ban hành đã phần nào hợp lí và giải quyết được một phần những băn khoăn vướng mắc của NLĐ cũng như NSDLĐ. 

Tuy nhiên, quy định ban hành ra vẫn còn thiếu sót đối với đối tượng NLĐ làm việc trực tiếp, lao động sản xuất và một số ngành nghề không nằm trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, bị suy giảm khả năng lao động, hoặc không phải lao động ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ví dụ như công nhân dệt may, da giày, thủy sản dù không thuộc đối tượng nặng nhọc, độc hại nhưng họ là người trực tiếp sản xuất thì cũng rất khó duy trì sức khỏe đến độ tuổi theo quy định của luật để hưởng chế độ hưu trí. Thực tế, đến 40 tuổi các lao động này hầu như không thể tiếp tục việc làm vì Doanh nghiệp không muốn sử dụng. Giải pháp duy nhất hiện nay đối với họ là chuyển đổi nghề. Song việc tìm một nghề mới cũng là thách thức và khó khăn mới đòi hỏi phải có chính sách đào tạo cho họ, cụ thể là ngành nghề gì. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết kế và xử lý một loạt các vấn đề phục vụ chính sách, quan trọng nhất là phải có rất nhiều chính sách hỗ trợ. Ví dụ, hỗ trợ DN giảm bớt một phần chi phí về tiền lương, một phần chi phí BHXH để DN tiếp tục sử dụng lao động, không sa thải. Có chính sách hỗ trợ người lao động chuyển sang việc khác nhẹ nhàng hơn, phù hợp với sức khỏe của họ...
Việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với những đối tượng trình độ cao (nhà khoa học, bác sĩ, nhà nghiên cứu, …) cũng giúp tận dụng được nguồn lực cho xã hội, tránh gây lãng phí nhân lực. 

Những tác động tiêu cực có thể gặp phải khi tăng tuổi nghỉ hưu
Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, vẫn còn tồn tại những hạn chế và bất cập cần phải có hướng giải quyết. Thực trạng tại nước ta trong nhiều năm nay đó là biên chế cồng kềnh, không hiệu quả, có một bộ phận công viên chức “có cũng được, không có cũng không sao” . Như vậy, tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tiếp tục nuôi dưỡng những cán bộ công chức không tạo ra năng suất lao động. Nếu không muốn nói là lãng phí. Về hưu đúng tuổi như Bộ luật Lao động hiện nay cũng là một cách giảm biên chế, giảm sự cồng kềnh của bộ máy và cắt giảm những cán bộ không thực sự đạt hiệu quả làm việc.

Và liệu việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có hợp lí không khi mà một bộ phận lớp trẻ thất nghiệp còn chiếm tỉ lệ không nhỏ? Theo GS. Nguyễn Đình Cử: “Nhiều người nói người lớn tuổi là người có kinh nghiệm, đảm nhận các vị trí cao tại các cơ quan, đơn vị nên họ không cạnh tranh gì với lớp trẻ. Theo tôi không phải như vậy. Lực lượng lao động giống như một chiếc tàu, nếu đầu tàu nhích thì các toa sau mới đi tiếp được. Thoáng nhìn già trẻ không có cạnh tranh nhưng thực sự là có, người già đi thì người trẻ mới có cơ hội phát triển nhiều hơn. Giải quyết vấn đề cho người nghỉ hưu nhưng cũng phải tạo cơ hội cho người trẻ vào làm việc”. Vì vậy, đây vẫn là một vướng mắc vẫn chưa có giải pháp triệt để, các cơ quan ban hành cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với lao động trẻ để tránh tác động tiêu cực đến xã hội vì có thể hàng triệu lao động trẻ sẽ bị dư ra, kéo theo nạn thất nghiệp và nhiều hệ lụy không tưởng khác khi số người không có việc làm ngày một gia tăng, trở thành gánh nặng xã hội. 

Cần xây dựng những chính sách hỗ trợ và giải pháp phù hợp.

Tóm lại, việc tăng tuối nghỉ hưu là điều cần thiết để quốc gia hòa chung với xu hướng thế giới và ứng phó với già hóa dân số. Tuy nhiên, điều kiện về sức khỏe và thể trạng người dân Việt Nam, môi trường làm việc, an sinh xã hội, thu nhập bình quân, phúc lợi xã hội tại nước ta và mỗi quốc gia là khác nhau, nên không thể ang áng lồng ghép áp dụng vào chính sách của nước mình, sẽ tạo ra nhiều vấn đề bất hợp lí. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Ðể điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, phải thực hiện đồng bộ các chính sách khác về thị trường lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể, cân bằng giữa cả ba phía Nhà Nước, Doanh nghiệp, Người Lao động, bao gồm cả việc sử dụng một phần quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần tiền lương hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để giảm áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, tránh sa thải lao động sau 35-40 tuổi; sử dụng một phần quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để chủ động phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc giúp kéo dài tuổi nghề của người lao động./.

Vietthink News.