Ngân hàng nhà nước hướng dẫn việc cơ cấu lại thời gian trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19
Ngày 13/03/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định và hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (“Thông tư 01/2020/TT-NHNN”). Thông tư 01/2020/TT-NHNN có những điểm đáng chú ý sau đây:

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; (ii) Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid - 19; (iii) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ nêu trên được thực hiện trong các trường hợp: (i) Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký; (ii) Số dư nợ đã quá hạn (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này) trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày 13/03/2020.

TCTD tự quyết định việc cơ cấu lại thời gian trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và kết quả đánh giá về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đảm bảo: (i) không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật; (ii) Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn phải trả.

Miễn, giảm lãi, phí 


Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đối với khách hàng thỏa mãn các điều kiện sau:
  • Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19;
  • Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
 

Giữ nguyên nhóm nợ


TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ sau đây: (i) Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2020/TT-NHNN; (ii) Số dư nợ được miễn, giảm lãi quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2020/TT-NHNN; (iii) Số dư nợ nêu trên bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày 13/03/2020.

Trước khi áp dụng quy định về giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ nêu trên, TCTD phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

Mặt khác, đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN, kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, việc cắt giảm lãi suất, miễn, giảm phí được xem là một trong các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19. 

Ngay sau khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành và có hiệu lực, nhiều ngân hàng lớn đã chủ động thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tiên phong thực hiện chỉ đạo tại Thông tư này, Ngân hàng Vietcombank giảm lãi suất cho vay đến 1,5%/năm và giảm phí dịch vụ trên 28% cho khách hàng từ ngày 11/02/2020; đồng thời, ngày 20/3/2020, Vietcombank đã chính thức ban hành 2 văn bản áp dụng trong toàn hệ thống về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ  đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tiếp đó nhiều ngân hàng khác như AgriBank, VPBank, ABBank, KienlongBank; VietinBank, MB, VIB hay TPBank,  SHB cũng đang nhập cuộc, tung các gói, chương trình hỗ trợ, giảm lãi suất cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/03/2020.