Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công 2019
Quản lý và sử dụng vốn đầu tư công là một trong những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong hệ thống quản lý của Nhà nước. Nhằm tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị các dự án đầu tư công, đơn giản hóa thủ tục, ngày 01/01/2020 Luật Đầu tư công 2019 đã chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật Đầu tư công 2014. Luật Đầu tư công 2019 có hiệu lực đã góp phần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên trong quá trình tiển khai cũng gặp nhiều vướng mắc khiến các cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Ngày 06/4/2020 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công 2019 (“Nghị định 40/2020/NĐ-CP”). Mục tiêu của Nghị định 40/2020/NĐ-CP là nhằm hướng dẫn, quy định chi tiết về hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, đồng thời giải đáp các vướng mắc mà doanh nghiệp đầu tư gặp phải. Nghị định 40/2020/NĐ-CP có một số điểm đáng chú ý của như sau:

Quy định chi tiết về hồ sơ, nội dung, thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công, bao gồm:
  • Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C;
  • Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án; nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C;
  • Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công nhóm A, B, C tại nước ngoài.
Bổ sung các quy định về quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng
Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không có hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, người đứng đầu cơ quan được cấp có thẩm quyền giao lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng và người đứng đầu cơ quan tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh quyết định hình thức tổ chức quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch.

Đối với người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp sẽ quyết định hình thức tổ chức quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của nhiệm vụ, quy định pháp luật chuyên ngành. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công sẽ quyết định hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án, quy định pháp luật chuyên ngành.

Về chi phí quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch sẽ được thực hiện theo quy định về chi phí quản lý dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Hiện nay, nội dung quy định về quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch của các dự án không có cấu phần xây dựng chưa được quy định chi tiết trong hệ thống pháp luật, đồng thời, nội dung về quản lý dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng được quy định tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 cũng sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh Luật Đầu tư công 2019 đã có hiệu lực. Do đó việc bổ sung quy định về các nội dung này đã kịp thời bổ sung vào các khoảng trống pháp lý, tránh được sự lúng túng của các bên trong quá trình thực hiện. 

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Quy định hồ sơ, thời gian thẩm định dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng
Theo đó, Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng  bao gồm: (i) Tờ trình thẩm định dự án; (ii) Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; (iii) Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổng hợp ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; (iv) Các tài liệu khác có liên quan phục vụ cho việc thẩm định dự án đầu tư công (nếu có).
Thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng kể từ ngày cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
  • Chương trình mục tiêu quốc gia: Không quá 60 ngày;
  • Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 45 ngày;
  • Dự án nhóm A: Không quá 45 ngày;
  • Dự án nhóm B, C: Không quá 30 ngày.
Nghị định 40/2020/NĐ-CP được ban hành sẽ bảo đảm được tính công khai, minh bạch và khả thi trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công. Với các quy định cụ thể, kế thừa và tiếp thu có chọn lọc các quy định hiện hành về quản lý đầu tư công, Nghị định 40/2020/NĐ-CP đã bảo đảm rõ ràng, tránh sự chồng chéo, trùng lặp với các quy định của Luật, Nghị định khác. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đáp ứng tốt hơn trong thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc trong quản lý đầu tư công, đồng thời bổ sung thêm quy định vào hệ thống các văn bản, quy định pháp luật về đầu tư công.

Nghị định 40/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 06/4/2020.

Vietthink News