Ý NGHĨA NHÂN VĂN CỦA VIỆC BẢO HỘ TÁC PHẨM PHÁI SINH - PHẦN II
PHẦN 2: CÁC LOẠI HÌNH TÁC PHẨM PHÁI SINH VÀ Ý NGHĨA BẢO HỘ TÁC PHẨM PHÁI SINH

Tiếp nối nội dung của Phần I, tại Phần II này, chúng ta cùng tìm hiểu đặc điểm và ví dụ minh họa cho từng loại tác phẩm phái sinh, để từ đó hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn của việc ra đời và bảo hộ một tác phẩm phái sinh.

Tác phẩm phái sinh bao gồm những loại tác phẩm gì?

1. Tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác:

Là tác phẩm được thể hiện bởi ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm gốc, sự sáng tạo của tác phẩm dịch được thể hiện ở cách sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt ý nghĩa, diễn tả nội dung của tác phẩm. Tuy nhiên, bản dịch phải sát nghĩa, không được diễn đạt sai ý của tác giả tác phẩm gốc.

Ví dụ: Tác phẩm “Hoàng tử bé” của tác giả Antoine De Saint-Exupéry được viết ở New York trong những ngày tác giả sống lưu vong và được xuất bản lần đầu tiên tại New York vào năm 1943. Với 250 ngôn ngữ dịch khác nhau kể cả phương ngữ (ngôn ngữ địa phương) cùng hơn 200 triệu bản in trên toàn thế giới, “Hoàng tử bé” được coi là một trong những tác phẩm bán chạy nhất của nhân loại. Ở Việt Nam, "Hoàng tử bé" được dịch và xuất bản khá sớm, từ năm 1966 đã có đồng thời hai bản dịch: “Hoàng tử bé” của tác giả Bùi Giáng và “Cậu hoàng con” của tác giả Trần Thiện Đạo. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều bản dịch "Hoàng tử bé" mới của các dịch giả khác nhau và các tác phẩm dịch này đều được coi là tác phẩm phái sinh theo đối tượng là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

 
(Tranh thuộc bản quyền của nhà xuất bản Kim Đồng)

2. Tác phẩm phóng tác:

Là tác phẩm phỏng theo nội dung của một hoặc một số tác phẩm đã có trước (tác phẩm gốc), chuyển tác phẩm từ thể loại này sang thể loại khác nhưng có sự sáng tạo rõ rệt về mặt nội dung, tư tưởng, ý nghĩa để làm cho nó trở thành một tác phẩm hoàn toàn mới, có hình thức thể hiện khác biệt so với tác phẩm gốc. 

Trên thực tế, việc nhận định một tác phẩm là tác phẩm phóng tác dựa trên tác phẩm gốc hay không còn gây khá nhiều tranh cãi. Ví dụ điển hình là một trường hợp sau:

Bức tranh mang tên “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân, sau khi đạt giải ba cuộc thi Sáng tác mỹ thuật Tỉnh Trà Vinh:

 

thì đã bị cho rằng bức tranh này có dấu hiệu sao chép lại tác phẩm nhiếp ảnh của một tác giả khác đã được đăng trước đó là:


 

và một tác phẩm tranh khác của họa sĩ Lê Thế Anh có tên là “Sông chết”:

 

Theo một số ý kiến, bức tranh “Biển chết” đã đạt giải của họa sĩ Nguyễn Nhân có thể coi là được phóng tác từ các tác phẩm ra đời trước đó, ông không sao chép y hệt, do đó, có thể coi là một tác phẩm phái sinh mà họa sĩ Nguyễn Nhân là tác giả và chủ sở hữu. Tác giả của bài viết này đồng tình với quan điểm tác phẩm bức tranh “Biển chết” nên được coi là một tác phẩm phái sinh (phóng tác) nếu việc sáng tạo tác phẩm phái sinh này đã được sự đồng ý từ tác giả và chủ sở hữu của các tác phẩm gốc vì nó được phóng tác từ các tác phẩm có sẵn, có tư duy và cách nhìn riêng, không giống y hệt các tác phẩm gốc.

3. Tác phẩm cải biên:

Là tác phẩm được sửa đổi một phần nội dung, phát triển ý tưởng, thay đổi hình thức thể hiện dựa trên cơ sở là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới. 

Có thể lấy ví dụ như các tác phẩm điện ảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay “Chuyện của Pao”, “Mắt biếc” hay “Tây Du Ký”… có thể được gọi là các tác phẩm cải biên từ chất liệu gốc là các tác phẩm văn chương cùng tên. Các bộ phim điện ảnh này chỉ dựa trên tác phẩm gốc nhưng đã có sự thay đổi khá nhiều, thay đổi về cách đọc, cách cảm nhận của nhà làm phim bằng ngôn ngữ mới là ngôn ngữ điện ảnh dẫn đến một cái nhìn mới cho tác phẩm, thậm chí khác xa tác phẩm gốc. Hay nói cách khác, sự sáng tạo sẽ làm nên thành công của một tác phẩm cải biên. 

Hoặc ví dụ như tác phẩm cải biên có thể là các tác phẩm hội họa hoặc điêu khắc, được cải biên từ các tác phẩm văn học, ví dụ như bức tranh:

 
(Tranh thuộc bản quyền của nhà xuất bản văn học)

sẽ gợi cho người đọc hình dung về câu chuyện "Lão Hạc" của Nam Cao với hình ảnh ông lão khắc khổ bên cạnh chú chó màu vàng được mô tả trong câu chuyện văn học…

Hay một ví dụ gần hơn là đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã liên hệ nhạc sĩ Khắc Hưng, đặt hàng sáng tác một ca khúc để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Cuối tháng 2/2020, ca khúc "Ghen Cô - Vy" ra đời với phần lời hoàn toàn mới dựa trên nền nhạc của ca khúc "Ghen" do Khắc Hưng sáng tác năm 2017. Toàn bộ nội dung ca khúc nói về các biện pháp vệ sinh cá nhân và phòng tránh lây nhiễm cộng đồng, nhằm phòng tránh lây lan căn bệnh này. Tác phẩm âm nhạc "Ghen Cô-Vy" có thể được gọi là tác phẩm cải biên.

4. Tác phẩm chuyển thể:

Chuyển thể là việc chuyển đổi một tác phẩm (thường là tác phẩm văn học, nghệ thuật) sang loại hình nghệ thuật khác trên cơ sở đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc, ví dụ như chuyển thể truyện thành phim, kịch… 

Đến đây, người đọc sẽ rất dễ nhầm lẫn tác phẩm chuyển thể và tác phẩm cải biên. Vậy, hai tác phẩm này khác nhau ở điểm nào?

Tác phẩm chuyển thể có thể hiểu là tác phẩm dựa trên tác phẩm gốc nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Khác với tác phẩm chuyển thể, tác phẩm cải biên là tác phẩm dựa trên nội dung tác phẩm gốc và có thể sáng tạo để thành một tác phẩm mới, hoàn toàn khác với nội dung của tác phẩm gốc.

Một tác phẩm điện ảnh mang tính chất chuyển thể có thể kể đến là tác phẩm phim điện ảnh “Đảo của dân ngụ cư” chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến.

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Trong tác phẩm chuyển thể, giám đốc sản xuất phim đã xác định về tính chất là phim chuyển thể nên đã giữ lại các tình tiết chính của cốt truyện và phần kết của truyện. Việc này có thể giới hạn tính sáng tạo và có thể giảm đi phần nào tính logic và hấp dẫn của một tác phẩm điện ảnh.

5. Tác phẩm biên soạn:

Là tác phẩm được tạo nên từ việc tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết lại thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo. 

Ví dụ gần và tương đối dễ hiểu với loại tác phẩm này là vào tháng 12/2019, Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đã được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm biên soạn lại theo hướng cải tiến, nhằm đáp ứng những yêu cầu phù hợp với mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới là phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. GS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cho biết: "Nhìn vào sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều sẽ thấy sự kế thừa SGK hiện hành nhiều, do đó tin chắc rằng các thầy cô đang dạy lớp 1 hiện nay khi sử dụng bộ sách có thể dạy được ngay hoặc không tập huấn nhiều bởi tính kế thừa”. Sách đã được Bộ GD&ĐT chọn để các địa phương đưa vào giảng dạy trong năm học 2020 - 2021 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Bộ Sách giáo khoa này có thể được gọi là tác phẩm biên soạn.

 
(Tranh thuộc bản quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

6. Tác phẩm chú giải:

Là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc. 

Ví dụ: Tác phẩm “Quốc âm thi tập” của đại văn hào Nguyễn Trãi được viết bằng chữ Nôm đã đánh dấu một cái mốc lớn trên con đường phát triển của ngôn ngữ, văn tự dân tộc. Năm 2014, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội đã xuất bản cuốn Nguyễn Trãi - Quốc Âm Thi Tập do tác giả Phạm Luận phiên âm và chú giải. Tác phẩm của NXB Văn học Hà Nội có thể được gọi là một tác phẩm chú giải.

 
(Tranh thuộc bản quyền của Nhà xuất bản văn học)

7. Tác phẩm tuyển chọn:

Là tác phẩm được tạo ra dựa trên sự tổng hợp, chọn lọc và sắp xếp những tác phẩm gốc (giữ nguyên nội dung tác phẩm gốc) theo các tiêu chí nhất định thành một tác phẩm đầy đủ hơn. 

Ví dụ dễ hiểu là một bộ sưu tập các bài thơ, tuyển tập những ca khúc hay nhất của một nhạc sĩ, tuyển tập 100 truyện cổ tích Việt Nam…có thể được gọi là một tác phẩm tuyển chọn.


(Tranh thuộc bản quyền của Nhà xuất bản Thanh Niên)

Ý nghĩa nhân văn của việc sáng tác và bảo hộ Tác phẩm phái sinh

Có thể nói, việc kế thừa các tác phẩm đã tồn tại trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học là một trong các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tài sản trí tuệ. Sự “va đập, bổ sung, tương hỗ” giữa cái mới và cái cũ tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt của tác phẩm phái sinh, đồng thời khiến tác phẩm gốc được biết đến nhiều hơn. 

Nền văn hóa hiện tại đang hướng đến việc kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị mới, hướng tới tương lai. Tác phẩm phái sinh cũng chính là một trong các dạng tác phẩm thực hiện việc kế thừa những giá trị về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm gốc, đồng thời mang những giá trị sáng tạo nhất định về hình thức thể hiện nội dung so với tác phẩm gốc. Tuy nhiên, tác phẩm phái sinh cần phải đảm bảo không xâm phạm tới quyền tài sản của tác giả tạo ra tác phẩm gốc và không trái với thuần phong mỹ tục. Vì vậy, việc bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm phái sinh mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nó không chỉ bảo vệ các tác phẩm phái sinh, nó còn mang tính bảo tồn, phát huy những ý nghĩa nhân văn của tác phẩm gốc. Từ đó, tác phẩm phái sinh mới có thể đem tới những giá trị tinh thần mới mẻ và được công chúng đón nhận.

Luật sư SHTT Dương Thị Vân Anh
An Thùy Dương
Công ty Luật TNHH Vietthink

------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bổ sung sửa đổi 2009;
  • Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính Phủ về hướng dẫn luật SHTT năm 2005 và Luật SHTT sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan  có hiệu lực từ 10/4/2018;
  • Công trình nghiên cứu “Chân trời của hình ảnh – Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira” của Tiến sĩ Đào Lê Na, giảng viên Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.