Quy định về cưỡng chế thi hành án hình sự đối với tội phạm là pháp nhân thương mại
Hiện nay, có không ít các tổ chức kinh tế, pháp nhân thương mại vì mục đích lợi nhuận đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm, do đó, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 ra đời đã quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Để phù hợp với quy định mới này của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung quy định thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. 

Theo quy định tại Điều 163 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 “Pháp nhân thương mại chấp hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án…”. Để hướng dẫn chi tiết quy định nêu trên, ngày 08/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại (“Nghị định 44/2020/NĐ-CP”).

Nghị định 44/2020/NĐ-CP gồm 46 điều quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 163 Luật Thi hành án hình sự (không áp dụng đối với việc cưỡng chế thi hành hình phạt tiền quy định tại Điều 77, biện pháp tư pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự). Cụ thể như sau:

Nguyên tắc áp dụng cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 44/2020/NĐ-CP, việc cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại phải đảm đảm các nguyên tắc sau:
  • Chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền. 
  • Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại, nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.
  • Thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành án không quá thời hạn chấp hành hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thời hạn bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp được xác định khi biện pháp tư pháp được thi hành xong.
  • Pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế trong cùng một thời điểm nếu việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế không đủ để bảo đảm thi hành án.
  • Phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại, tổ chức, cá nhân có liên quan trong cưỡng chế thi hành án.
 
(Nguồn ảnh: Internet)

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
1. Phong tỏa tài khoản:

Được áp dụng trong các trường hợp: (i) thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn (trong trường hợp đình chỉ tất cả các lĩnh vực); (ii) thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (trong trường hợp cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong tất cả các lĩnh vực); cấm huy động vốn; (iii) thi hành cưỡng chế chấp hành biện pháp tư pháp.

Trường hợp để bảo đảm việc thi hành biện pháp tư pháp quy định tại điểm b (buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu) và điểm c (buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra) khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự năm 2015, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại. Số tiền khấu trừ không được vượt quá số tiền để thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

2. Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi hành cưỡng chế biện pháp tư pháp (kê biên tài sản):

Được áp dụng để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp quy định tại điểm b (Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu) và điểm c (Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra) khoản 1 Điều 82 BLHS.

Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp Cơ quan thi hành án hình sự kê biên tài sản của pháp nhân thương mại cụ thể như sau: kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp (Điều 21); kê biên tài sản của pháp nhân thương mại đang do người thứ ba giữ (Điều 22); kê biên vốn góp (Điều 23); kê biên phương tiện giao thông (Điều 24); kê biên, sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ (Điều 25); kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 26); kê biên tài sản gắn liền với đất (Điều 27).

Tuy nhiên, việc cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại bằng hình thức kê biên tài sản sẽ không được áp dụng đối với các loại tài sản: (i) Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức; (ii) Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; (iii) Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; (iv) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Quy định nêu trên xuất phát từ tư tưởng nhân đạo của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và yêu cầu bảo vệ sản xuất.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động kê biên tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế được diễn ra công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại, tổ chức, cá nhân có liên quan trong cưỡng chế thi hành án, Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định về việc tổ chức thi hành kê biên tài sản như sau:
  • Việc kê biên tài sản do cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì và phải thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ, trừ các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định. 
  • Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, tổ chức, cá nhân có tài sản bị kê biên, đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản bị kê biên và người chứng kiến. Trường hợp được triệu tập, thông báo hợp lệ nhưng người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, tổ chức, cá nhân có tài sản kê biên vắng mặt thì vẫn tiến hành kê biên tài sản và lập biên bản về việc vắng mặt, có chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản bị kê biên, đại diện cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại.
  • Chỉ được kê biên tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế tương ứng với số tiền để thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế. 
  • Chỉ kê biên những tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đồng sở hữu với người khác nếu không đủ để thi hành Quyết định kê biên tài sản. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

3. Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử:

Được áp dụng trong trường hợp thi hành cưỡng chế chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Chỉ tạm giữ những tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử liên quan đến lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

4. Tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại:
Được áp dụng trong trường hợp thi hành cưỡng chế chấp hành hình phạt đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động của pháp nhân thương mại.

Ngoài ra, để bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế và chi phí cưỡng chế, Nghị định 44/2020/NĐ-CP cũng quy định khi có Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, nếu có dấu hiệu cho thấy pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tài sản thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương nơi pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đóng trụ sở hoặc nơi có tài sản thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản.

Trường hợp pháp nhân thương mại bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện quyết định cưỡng chế thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế.

Nghị định 44/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/6/2020. 

Vietthink News.