Quy định mới về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN
Ngày 09/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định về Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan (“Nghị định 46/2020/NĐ-CP”). Trong đó có các quy định chi tiết về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (gọi tắt là “Hệ thống ACTS”); Thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua hệ thống ACTS; Bảo lãnh và thu hồi nợ thuế hải quan; và Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp quá cảnh. Nghị định 46/2020/NĐ-CP có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, về hệ thống ACTS: 
  • Hệ thống ACTS là hệ thống công nghệ thống tin tích hợp do các nước thành viên ASEAN thiết lập và kết nối, trao đổi thông tin với nhau để thực hiện thủ tục quá cảnh điện tử, kiểm soát sự vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ của các nước thành viên ASEAN, hỗ trợ cơ quan hải quan các nước thành viên ASEAN tính tiền thuế hải quan, tiền bảo lãnh và trao đổi thông tin thu hồi nợ thuế hải quan trên cơ sở quy định tại Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan.
  • Hệ thống ACTS do Tổng cục Hải quan xây dựng, quản lý và vận hành trên cơ sở các tài liệu kỹ thuật được thống nhất giữa các quốc gia thành viên ASEAN tham gia Nghị định thư 7. 
  • Các giao dịch điện tử thực hiện thông qua Hệ thống ACTS bao gồm: (i) Khai, nhận, phản hồi thông tin về thực hiện thủ tục quá cảnh hàng hóa; (ii) Chuyển kết quả xử lý tờ khai quá cảnh hải quan tới người khai hải quan; (iii) Trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa quá cảnh với Hệ thống ACTS tương ứng của các nước ASEAN trong hành trình quá cảnh của hàng hóa; (iv) Kết nối thông tin với Hệ thống ACTS tương ứng của các nước ASEAN để phục vụ theo dõi giao dịch, thống kê số liệu liên quan đến quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS. 
  • Các quy định về nguyên tắc hoạt động của Hệ thống ACTS cũng như các nội dung liên quan đến Hệ thống ACTS được quy định cụ thể tại Chương III – Hệ thống ACTS của Nghị định 46/2020/NĐ-CP.
Thứ hai, về chủ thể thực hiện khai báo hải quan và hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS:
  • Theo Điều 4 Nghị định 46/2020/NĐ-CP, Người khai hải quan đối với hàng hoá quá cảnh theo quy định tại Nghị đinh này gồm: (i) Chủ hàng hoá quá cảnh; (ii) Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hoá; (iii) Đại lý làm thủ tục hải quan; và (iv) Chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vận tải chở hàng hoá quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải chở hàng hoá quá cảnh uỷ quyền.
  • Hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS (sau đây gọi tắt là “hàng hoá quá cảnh”) phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) Hàng hoá quá cảnh xuất phát từ Việt Nam, quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hoá quá cảnh của nước quá cảnh; (ii) Hàng hóa quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác và nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh của các nước thành viên khác và chính sách quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu của pháp luật có liên quan của Việt Nam; (iii) Hàng hóa quá cảnh qua Việt Nam phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật có liên quan.

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Thứ ba, về thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.
Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hải quan đối với từng trường hợp tại Chương II – Thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua hệ thống ACTS, bao gồm:
  • Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác;
  • Thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS từ các nước ngoài ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN;
  • Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN và nhập khẩu vào Việt Nam hoặc hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước ngoài ASEAN;
  • Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN khác;
  • Thủ tục xác minh việc kết thúc hoạt động quá cảnh;
  • Thủ tục dự phòng trong trường hợp Hệ thống ACTS không hoạt động (thủ tục quá cảnh hàng hóa ACTS dự phòng).
Thứ tư, về bảo lãnh và thu hồi nợ thuế hải quan.
Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến bảo lãnh và thu hồi nợ thuế hải quan tại Chương IV – Bảo lãnh và thu hồi nợ thuế hải quan sau đây:
  • Các quy định về bảo lãnh, đặt cọc hàng hoá quá cảnh (bao gồm: bảo lãnh quá cảnh, đặt cọc tiền bảo lãnh quá cảnh, miễn bảo lãnh nhiều hành trình, giảm bảo lãnh nhiều hành trình, huỷ bỏ bảo lãnh, quyền và nghĩa vụ của người bảo lãnh);
  • Các quy định về thanh toán tiền thuế hải quan và giảm thuế; không thu thuế; thu hồi và hỗ trợ thu hồi nợ thuế hải quan (bao gồm: trường hợp phát sinh tiền thuế hải quan phải nộp và giảm thuế hải quan; thu hồi và hỗ trợ thu hồi nợ thuế hải quan). 
Thứ năm, về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp quá cảnh:
  • Doanh nghiệp quá cảnh được áp dụng chế độ ưu tiên khi thực hiện quá cảnh hàng hoá thông qua Hệ thống ACTS nếu đáp ứng đủ các điều kiện về trụ sở; mức độ sử dụng thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS; chấp hành tốt pháp luật kiểm toán; lưu giữ hồ sơ hải quan, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác liên quan đến hàng hoá quá cảnh; tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế; và sử dụng niêm phong đặc biệt.
  • Chế độ ưu tiên bao gồm: Miễn bảo lãnh; miễn xuất trình Chứng từ đi kèm hàng hóa quá cảnh, xuất trình hàng hóa tại cơ quan hải quan, trừ trường hợp Hệ thống ATCS có sự cố; miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa tại cơ quan hải quan điểm đi, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật; được sử dụng niêm phong đặc biệt đã được cơ quan hải quan chấp nhận. Thời hạn doanh nghiệp quá cảnh được hưởng chế độ ưu tiên là 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.
Ngoài ra, Nghị định 46/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về thủ tục công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên; thủ tục đình chỉ, thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên; trách nhiệm của quản lý của cơ quan hải quan; của doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên,…

Nghị định 46/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2020.

Vietthink News.