MỘT SỐ ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý TRONG QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
Ngày 11/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (“Nghị định 66/2020/NĐ-CP”), Nghị định sửa đổi bổ sung tất cả 05 Điều, 06 khoản và 01 điểm tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP với một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Nghị định 66/2020/NĐ-CP thay đổi thuật ngữ “Quy hoạch” tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP bằng cụm từ “Phương án phát triển” và định nghĩa lại “Phương án phát triển cụm công nghiệp” là việc sắp xếp, phân bố không gian phát triển các cụm công nghiệp hợp lý gắn với các chính sách, giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cấp tỉnh trong từng thời kỳ trên cơ sở bảo vệ môi trường, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực, tài nguyên khác của địa phương. Phương án phát triển cụm công nghiệp là một nội dung của quy hoạch tỉnh, được xây dựng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo pháp luật quy hoạch.


Nguồn ảnh: Internet

Thứ hai, tích hợp Phương án phát triển cụm công nghiệp vào quy hoạch tỉnh khi sửa đổi bổ sung điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 66/2020/NĐ-CP. Theo đó quy trình Xây dựng, tích hợp điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp vào điều chỉnh quy hoạch tỉnh sẽ như sau:
  • UBND cấp huyện có văn bản đề xuất điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn gửi Sở Công Thương.
  • Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hoàn thành phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về phương án phát triển cụm công nghiệp.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tỉnh xử lý, tích hợp phương án phát triển cụm công nghiệp vào quy hoạch tỉnh, lấy ý kiến đối với quy hoạch tỉnh (trong đó có phương án phát triển cụm công nghiệp) theo quy định của pháp luật quy hoạch để hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
 
Nguồn ảnh: Internet

Thứ ba, dựa trên tinh thần quy định cũ, Chính phủ khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đáp ứng quy định. Tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 66/2020/NĐ-CP bổ sung yêu cầu cụ thể trong việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp như sau:
  • Trong quá trình thẩm định, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí: Phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); Phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm); Năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm).
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm từ 50 trở lên được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Trong quá trình thực hiện, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng cụm công nghiệp hoặc ngừng thực hiện, chậm triển khai dự án 12 tháng so với tiến độ tại quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp thì UBND cấp tỉnh xem xét gia hạn hoặc quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác.
Nghị định 66/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 01/8/2020.

Vietthink News.