Siết chặt xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh đa cấp ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và biến tấu dưới nhiều hình thức trá hình, gây khó khăn trong việc quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Để tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực trên, ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (“Nghị định 98/2020/NĐ-CP”) thay thế cho Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định 98/2020/NĐ-CP có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, tăng mức phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi liên quan đến giấy phép kinh doanh. Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh. Đối với hành vi vi phạm này sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm (trước đây, hành vi này chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng);

b) Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh. Đối với hành vi vi phạm này sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng;

c) Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy phép kinh doanh.

Trong đó, Giấy phép kinh doanh được xác định bao gồm giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, văn bản xác nhận, các hình thức văn bản khác quy định các điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đó theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, tăng mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (trước đây, hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên.

 
Nguồn ảnh: Internet

Thứ ba, bổ sung các hành vi bị xử phạt về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, tùy thuộc vào số lượng, khối lượng và giá trị hàng hóa bị cấm được buôn bán mà mức xử phạt sẽ khác nhau, tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 100.000.000 đồng. Riêng đối với hành vi sản xuất hàng cấm, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt tương ứng đối với hành vi buôn bán hàng hóa bị cấm. Các hành vi buôn bán hàng hóa bị xử phạt cụ thể như sau:
  • Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng;
  • Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu;
  • Buôn bán pháo nổ;
  • Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng.
Ngoài bị phạt tiền, tùy thuộc vào quy định về khung xử phạt cụ thể mà đối tượng vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vận tải; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề tối thiểu là 01 tháng và tối đa 06 tháng.

Thứ tư, tăng mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Theo nội dung quy định tại Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi trên dao động từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng, tùy vào các khung xử phạt (trước đây, mức phạt tiền tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng). Đối với các trường hợp sau đây, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần tương ứng với mức tiền phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả khi nhập khẩu hàng giả là các loại hàng hóa như:
  • Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;
  • Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP được ban hành với kỳ vọng sẽ hoàn thiện khung pháp lý  về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả, hàng cấm, hỗ trợ hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Qua đó, siết chặt xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong các hoạt động nói trên, nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội. 

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2020.