Luật Nhãn hiệu mới của Cộng hòa Liên bang Myanmar sẽ chính thức được thực thi từ ngày 01/10/2020
Luật Nhãn hiệu mới Cộng hòa Liên bang Myanmar sẽ chính thức được thực thi từ ngày 01/10/2020 sau hơn một năm được thông qua (tháng 01 năm 2019).  

Chính phủ và các cơ quan hữu quan Cộng hòa Liên bang Myanmar cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã nỗ lực không ngừng hoàn thiện bộ máy hoạt động về cơ sở vật chất và con người để đáp ứng điều kiện thực thi Luật nhãn hiệu mới. Đến nay, cơ cấu các phòng ban về cơ bản đã hoàn tất, bao gồm Ủy ban trung ương Sở hữu trí tuệ (IP Central Committee); Cơ quan Sở hữu trí tuệ (IP Agency); Phòng Sở hữu trí tuệ (IP Department) và các Phòng chức năng về Sáng chế, Nhãn hiệu, Kiểu dáng công nghiệp, Bản quyền tác giả, Pháp luật và các phòng chức năng liên quan.

Cộng hòa Liên bang Myanmar sẽ áp dụng hệ thống đăng ký mới, theo đó nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” (“first to file”) sẽ được thay thế cho nguyên tắc “sử dụng đầu tiên” (“first to use”) đã từng áp dụng trước đây. Mọi nhãn hiệu đã được Văn phòng Đăng ký Chứng thư và bảo lãnh ghi nhận bảo hộ trước đây theo hệ thống nguyên tắc “sử dụng đầu tiên” sẽ KHÔNG tự động được bảo hộ khi hệ thống nộp đơn mới được áp dụng, mà các Nhãn hiệu này cần phải được nộp lại và phải trải qua các bước đăng ký và thẩm định giống như đơn Nhãn hiệu mới nộp.

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Có 02 giai đoạn nộp đơn là: “Soft Opening” và “Grand Opening”.

1. “Soft Opening”: là giai đoạn ưu tiên đối với (i) các Nhãn hiệu đã được cấp đăng ký tại Văn phòng Đăng ký Chứng thư và (ii) các nhãn hiệu đã được sử dụng tại Myanmar được nộp đơn lại. “Soft Opening” sẽ bắt đầu từ ngày 01/10/2020 và dự kiến kéo dài 06 tháng, kết thúc có thể vào ngày 31/03/2020 hoặc có thể kéo dài thêm 06 tháng. 
Tài liệu yêu cầu đối với các đơn Nhãn hiệu nộp lại trong giai đoạn “Soft Opening” bao gồm: bản sao Tuyên bố quyền sở hữu đã được cấp đăng ký (bản gốc có thể yêu cầu nộp lại sau 30 ngày kể từ ngày nộp đơn); bản sao tài liệu chứng minh sử dụng nhãn hiệu như đăng công bố trên tạp chí, bằng chứng sử dụng nhãn hiệu trên thị trường, hóa đơn,…; tên & địa chỉ của người nộp đơn; mẫu nhãn hiệu; tài liệu chuyển nhượng và các tài liệu ưu tiên nếu có. Hiện tại Cơ quan SHTT Myanmar chưa hoàn thành mẫu Giấy ủy quyền nên tài liệu này sẽ được bổ sung sau nếu có yêu cầu.
Đơn đăng ký lại phải có mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm/dịch vụ và tên chủ sở hữu giống hệt như đã được cấp đăng ký tại Văn phòng Đăng ký Chứng thư hoặc đã được thực tế sử dụng trên thị trường Myanmar. Việc mở rộng danh mục sản phẩm/dịch vụ sẽ không được xem xét. Nếu có thay đổi về chủ sở hữu Nhãn hiệu thì người nộp đơn phải nộp kèm theo tài liệu chuyển nhượng hoặc sửa đổi hợp lệ.
Các nhãn hiệu nộp lại trong giai đoạn “Soft Opening” sẽ được ghi nhận ngày nộp đơn là ngày đầu tiên khi giai đoạn Grand Opening bắt đầu.

2. “Grand Opening” - dự kiến bắt đầu từ ngày 01/04/2021.
Các nhãn hiệu mới có thể bắt đầu nộp đơn đăng ký theo hệ thống mới khi giai đoạn “Grand Opening” bắt đầu. Yêu cầu đối với đơn mới nộp ở giai đoạn này bao gồm: Tên và địa chỉ người nộp đơn, mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm xin đăng ký, và giấy ủy quyền (công chứng) nếu người nộp đơn không phải là công dân Myanmar.

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp lại đơn nhãn hiệu Myanmar có thể liên hệ Công ty Luật TNHH Vietthink để được tư vấn cụ thể.

Tài liệu tham khảo:
http://vietthink.vn/vi/tu-van-so-huu-tri-tue.nd/can-phai-luu-y-nhung-van-de-gi--khi-luat-nhan-hieu-bat-dau-duoc-ap-dung-tai-myanmar.html
https://www.wipo.int/meetings/en/statements_country.jsp?country_code=MM
https://www.lawplusltd.com

Vietthink News