Quy định mới về hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP
Ngày 27/11/2020 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Qua đó, cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định (i), tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu của các nước tham gia Hiệp định trong quá trình lập hồ sơ mời thầu (ii), cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi của các cam kết được thực thi trên thực tế (iii).

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“Hiệp định CPTPP”) được ký kết ngày 08/3/2018 giữa 11 nước bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 đối với Việt Nam. Tham gia Hiệp định CPTPP được xem là bước ngoặt lớn trong lịch sử hoạt động mua sắm công lâu nay của Việt Nam. Để cụ thể hóa các cam kết tại Hiệp định CPTPP, ngày 27/11/2020 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP ("Thông Tư 09"). Theo đó, Thông Tư 09 có một số điểm mới nổi bật như sau:

Thứ nhất, Thông tư quy định chi tiết về điều kiện áp dụng trong quá trình lập hồ sơ mời thầu ("HSMT"), theo đó, trong trường hợp đấu thầu nội khối, trong HSMT ghi rõ chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu. Nước thành viên là nước thỏa mãn các điều kiện sau:
  • Ký kết Hiệp định CPTPP;
  • Tại thời điểm phê duyệt HSMT của gói thầu, Hiệp định CPTPP có hiệu lực với nước đó.

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Thứ hai, quy định liên quan đến yêu cầu về cung cấp hàng mẫu được quy định cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
  • Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa thì không yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu;
  • Trường hợp hàng hóa của gói thầu là đặc thù, phức tạp, chủ đầu tư, bên mời thầu không thể xác định được cụ thể hình dáng, mẫu mã của hàng hóa, cần chế tạo, sản xuất đơn lẻ, riêng biệt thì có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu để chứng minh thông số kỹ thuật của hàng hóa. Trường hợp yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu, trong tờ trình đề nghị phê duyệt HSMT phải nêu rõ lý do để chủ đầu tư xem xét, quyết định. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu cung cấp hàng mẫu không dẫn đến làm tăng chi phí của gói thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng;
  • Trường hợp HSMT có yêu cầu cung cấp hàng mẫu, nhà có thể nộp bổ sung hàng mẫu sau thời điểm đóng thầu.

Thứ ba, quy định cụ thể từng trường hợp không được đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt và trường hợp huy động nhân sự chủ chốt thực hiện gói thầu, bao gồm: 
  • Đối với phần công việc cung cấp hàng hóa, HSMT không được đưa ra yêu cầu về huy động nhân sự chủ chốt;
  • Đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, không đòi hỏi nhân sự thực hiện dịch vụ liên quan phải có trình độ cao thì không yêu cầu về nhân sự chủ chốt. Trường hợp các dịch vụ liên quan có yếu tố đặc thù, phức tạp cần thiết phải do nhân sự có hiểu biết, nhiều kinh nghiệm đảm nhận thì có thể đưa ra yêu cầu về huy động nhân sự chủ chốt để thực hiện các công việc đặc thù, phức tạp này. Trường hợp yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt, trong tờ trình phê duyệt HSMT phải nêu rõ lý do để chủ đầu tư xem xét, quyết định. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt không dẫn đến làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng;
  • Trường hợp HSMT có yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt, trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu phải chứng minh khả năng sẵn sàng huy động các nhân sự chủ chốt đã đề xuất để tham gia thực hiện gói thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT. Nhân sự chủ chốt có thể thuộc biên chế của nhà thầu hoặc do nhà thầu huy động. Trường hợp nhân sự chủ chốt do nhà thầu đề xuất chưa đáp ứng yêu cầu của HSMT, tổ chuyên gia, bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu thay thế nhân sự khác đáp ứng yêu cầu trong khoảng thời gian phù hợp để tiếp tục xem xét, đánh giá mà không loại bỏ ngay hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Trong mọi trường hợp, nhà thầu phải bảo đảm thông tin kê khai về lý lịch, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt là trung thực.

Quy định mới của Thông Tư 09 từng bước góp phần cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP (i), tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu của các nước tham gia Hiệp định trong quá trình lập HSMT (ii), cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi của các cam kết được thực thi trên thực tế (iii).

Thông Tư 09 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2021.

Vietthink News.