Vietthink Law Firm – Chặng đường phát triển & Khát vọng tương lai
Lời Tòa soạn:
Thành lập năm 2008, qua hơn 12 năm xây dựng và phát triển với những thành công vượt bậc về nghề nghiệp, Công ty Luật Vietthink đã trở thành một trong những hãng luật uy tín hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Thương hiệu Vietthink đã được khẳng định gắn liền với các lĩnh vực tư vấn về đầu tư, doanh nghiệp, M&A, hợp đồng, sở hữu trí tuệ… và luôn là sự lựa chọn tin cậy đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài hoạt động chuyên môn, Vietthink còn tích cực tham gia vào lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, phổ biến pháp luật, đào tạo phát triển đội ngũ luật sư, đồng thời có nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Nhờ những thành tích đó mà tập thể và cá nhân các luật sư của Vietthink đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2021), phóng viên Tạp chí Luật sư đã có cuộc trò chuyện với Ts, Ls Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink xung quanh những cảm nghĩ về Ngày truyền thống Luật sư, về chặng đường phát triển của Vietthink trong hơn một thập kỷ qua, cũng như những chia sẻ về cơ hội, thách thức đang đặt ra đối với hoạt động tư vấn pháp luật và cộng đồng luật sư Việt Nam hiện nay.


PV: Thưa ông, chúng ta chuẩn bị hướng đến kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10. Là một luật sư ông có cảm nghĩ gì về ngày này?
Cùng với cộng đồng luật sư trên cả nước, chúng tôi rất vui mừng phấn khởi chào đón Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10. Đây là ngày để cả xã hội tôn vinh nghề nghiệp cao quý của các luật sư. Mỗi ngành, mỗi tầng lớp trong xã hội đều có ngày truyền thống của mình. Nhưng ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam gắn liền với lịch sử ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong suốt 76 năm qua, với biết bao thế hệ luật sư ưu tú đã đóng góp công sức, trí tuệ và cả máu xương để góp phần thiết lập nền dân chủ, làm ra bản hiến pháp đầu tiên, xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền và gìn giữ công lý qua các thời kỳ. Đó là một truyền thống vẻ vang và rất đáng tự hào của luật sư Việt Nam. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay dưới sự tập hợp và định hướng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cộng đồng luật sư cả nước không ngừng phát triển, có vị trí và tiếng nói ngày càng quan trọng trong xã hội, đóng góp ngày càng lớn cho sự nghiệp bảo vệ công lý, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, xứng đáng với các thế hệ đi trước. 
Các luật sư của Vietthink rất tự hào được là một thành viên trong ngôi nhà chung của luật sư Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực phát triểntheo đuổi những tôn chỉ mục đích riêng của mình, đồng thời luôn sẵn sàng chung tay góp sức xây dựng cộng đồng luật sư Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

PV: Được biết Vietthink đã trải qua chặng đường phát triển hơn một thập kỷ, chắc hẳn có không ít thành công và cả những thăng trầm. Vậy ông có thể chia sẻ về những dấu ấn thành công của Vietthink trong thời gian qua?
Chặng đường hơn 12 năm tuy chưa phải là dài đối với một hãng luật, nhưng chúng tôi đã làm được nhiều nhất những gì có thể. Nhất là trong 5, 6 năm trở lại đây, thương hiệu Vietthink đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận. 
Vietthink hiện đang cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên cho hàng chục tập đoàn, tổng công ty, trong đó có các thương hiệu lớn như: Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Vigacera, Tập đoàn Sovico, Hãng hàng không Vietjet, Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản), Tập đoàn BHFlex (Hàn Quốc), Tập đoàn Globe One Fintech (Hoa Kỳ)... Bên cạnh đó, Vietthink còn là đối tác của nhiều bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu. Từ năm 2017 đến nay, Vietthink được Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chỉ định tham gia tư vấn nhiều dự án đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cho UBND thành phố Hà Nội.
Thông qua hoạt động tư vấn, Vietthink đã trở thành cầu nối tin cậy cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam, cũng như đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án đầu tư ra nước ngoài. Vietthink hiện cũng là đại diện sở hữu công nghiệp cho nhiều nhãn hàng, thương hiệu lớn của nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động tư vấn, Vietthink còn có những đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác với Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Đại Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho sinh viên luật. Quỹ học bổng “Vietthink Scholarship” cũng đã được thành lập để khuyến khích các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của các cơ sở đào tạo luật. 

PV: So với nhiều hãng luật khác thì Vietthink đã có một hành trình rất đáng tự hào. Vậy những thành quả đó bắt nguồn từ những yếu tố nào thưa ông?  
Trước hết là từ yếu tố con người. Từ khi thành lập đến nay, Vietthink luôn theo đuổi mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư có chất lượng chuyên môn, bản lĩnh, sáng tạo và tâm huyết với nghề. Và sau rất nhiều nỗ lực, đến nay chúng tôi đã bước đầu thành công với mục tiêu này. Bên cạnh đó, Vietthink cũng rất coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, rèn luyện kỷ luật, kỷ cương, trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, lối sống cho các luật sư. 
Về chuyên môn, Vietthink đã định hình được một phong cách riêng cho mình. Đó là luôn sáng tạo, đổi mới trong các hoạt động tư vấn; nhạy bén nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Các luật sư của Vietthink luôn được rèn luyện phương pháp tư duy kết hợp hài hoà lô-gic pháp luật với lô-gic cuộc sống. Vì vậy mà các giải pháp tư vấn của Vietthink không bị đóng khung bởi tư duy pháp lý thuần tuý hay các điều luật khô khan, mà luôn hòa nhịp hơi thở cuộc sống.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dành thời gian cho việc nghiên cứu, nhận diện các xu hướng mới trong hoạt động đầu tư kinh doanh, công nghệ, thị trường và các chuyển động có thể dự báo của chính sách pháp luật để tìm ra các giải pháp tư vấn đi tắt đón đầu. Những đột phá táo bạo trong giải pháp tư vấn và bản lĩnh, sự tự tin, quyết đoán của Vietthink luôn được khách hàng đánh giá cao và đó cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của chúng tôi.

PV: Trong những yết tố kể trên, điều gì khiến cá nhân ông cảm thấy tâm huyết nhất?
Điều tôi cảm thấy tâm huyết nhất không phải là những kết quả đã đạt được, mà là chúng tôi đã tạo được một môi trường làm việc chuyên nghiệp, chuẩn mực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên tư tưởng cốt lõi và những giá trị cốt lõi của Vietthink. Tư tưởng và những giá trị cốt lõi đó đã thấm sâu vào từng con người Vietthink, tạo thành chất keo gắn kết mọi người thành một tập thể vững mạnh, đoàn kết và giàu bản sắc. Đó chính là sức mạnh giúp cho Vietthink luôn vững vàng trước mọi thử thách và không ngừng phát triển. Và đây là điều chúng tôi luôn tự hào vì không phải hãng luật nào cũng làm được.

PV: Ông vừa đề cập đến một chủ đề rất hay đó là tư tưởng cốt lõi và giá những trị cốt lõi của một doanh nghiệp. Vậy những yếu tố đó được thể hiện như thế nào ở Vietthink?
Tư tưởng cốt lõi của Vietthink là “Luôn suy nghĩ vì khách hàng” đúng như slogan của công ty. Mọi suy nghĩ và việc làm của chúng tôi đều hướng đến mục tiêu duy nhất là vì khách hàng, chinh phục khách hàng bằng sự chuẩn mực và chất lượng dịch vụ pháp lý tốt nhất.
Trong những giá trị cốt lõi mà Vietthink theo đuổi, chúng tôi đề cao tính trung thựcchính trực của các luật sư lên hàng đầu. Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, niềm tin nội tâm của khách hàng đối với luật sư là vô cùng quan trọng. Nếu luật sư không truyền được cho khách hàng niềm tin nội tâm vào cá nhân mình thì mọi ý kiến tư vấn đưa ra đều không hiệu quả. Điều đó chỉ có được khi bản thân các luật sư phải thực sự là những người trung thực, chính trực. Chúng tôi không cho phép luật sư chạy theo những cám dỗ vật chất hay bất kỳ lý do nào khác mà làm mất đi sự chính trực, gây mất niềm tin với khách hàng và ảnh hưởng đến uy tín của công ty. 
Một giá trị cốt lõi khác là sự tận tâmtrách nhiệm đối với khách hàng. Mọi yêu cầu dù là nhỏ nhất của khách hàng đều được lắng nghe và giải đáp bằng tất cả sự tận tâm và trách nhiệm của các luật sư. Các giải pháp tư vấn đưa ra đều phải thấu đáo, chạm đến mọi khía cạnh suy nghĩ, trăn trở của khách hàng. Điều này khách hàng có thể cảm nhận rõ khi làm việc với các luật sư của Vietthink.
Cuối cùng, đó là tinh thần dám đương đầuvượt qua mọi thử thách trong công việc. Ở Vietthink luôn truyền nhau một câu nói nằm lòng rằng: “Nếu chúng ta không làm được thì ai sẽ làm được?”. Đó vừa là tinh thần, vừa là mệnh lệnh thôi thúc các luật sư của Vietthink luôn sẵn sàng tâm thế đón nhận và vượt qau mọi thách thức dù là lớn nhất.

PV: Bên cạnh những dấu ấn thành công kể trên, khi nhìn lại chặng đường đã qua thì còn điều gì Vietthink chưa làm được khiến ông trăn trở?
Tất nhiền là còn rất nhiều thứ khiến chúng tôi phải trăn trở. Đất nước đang phát triển và thay đổi từng ngày, thị trường dịch vụ pháp lý đang bùng nổ, sự cạnh tranh giữa các hãng luật ngày càng gay gắt. Chúng tôi cần phải tiếp tục xây dựngcủng cố đội ngũ luật sư thật hùng hậu và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để duy trì vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn Vietthink và các hãng luật khác được chủ động hơn ngay trên “sân nhà”, được tham gia tư vấn nhiều hơn cho các dự án đầu tư công, đầu tư PPP, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, cải tạo môi trường… Được tư vấn sâu hơn cho Chính phủ và các bộ, ngành trong các tranh chấp quốc tế về thương mại, đầu tư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam. Được góp tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trên các diễn đàn thảo luận về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Chúng tôi cũng muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng bằng những hành động thiết thực, nhất là mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật, luật sư... Học bổng “Vietthink Scholarship” cần đến được với nhiều sinh viên luật xuất sắc hơn nữa. Rất tiếc là việc hiện thực hóa những mong muốn đó của chúng tôi đang bị cản trở đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt gần hai năm qua.


PV: Nhân việc nhắc đến đại dịch Covid-19, dưới góc độ một luật sư, ông nhìn nhận như thế nào về tác động của đại dịch này đến nền kinh tế nói chung và đến lĩnh vực tư vấn pháp luật nói riêng?
Đại dịch covid-19 đã làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế thế giới và các quốc gia, làm thay đổi đáng kể phương thức tổ chức sản xuất và cung ứng toàn cầu. Qua đó cho thấy rõ hơn về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ toàn cầu và sự phụ thuộc chặt chẽ giữa các quốc gia. Đại dịch cũng một lần nữa cảnh báo về yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường ở mọi quốc gia. 
Trong bối cảnh nền sản xuất và cung ứng toàn cầu đang thay đổi, rất nhiều quan hệ pháp lý mới sẽ phát sinh. Mặt khác, nhiều giao thức trong kinh doanh vốn tồn tại phổ biến lâu nay sẽ cần định dạng lại. Một trong những giao thức đó là hợp đồng. Sản xuất kinh doanh trong điều kiện sống chung với Covid-19 buộc các thương nhân phải suy nghĩ thay đổi nhiều điều khoản trong cấu trúc hợp đồng để hạn chế rủi ro (như thời gian thực hiện hợp đồng, điều kiện giao hàng, vận tải, bảo hiểm…); cũng như thay đổi những mô tả về sự kiện bất khả kháng, về cách thức xác định thiệt hại và trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng, v.v... Những thay đổi này phần nào đã vượt khỏi khuôn khổ trật hẹp của các điều luật hay tập quán giao kết hợp đồng hiện tại. Nó đòi hỏi các luật sư tư vấn phải nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng sáng tạo trong cách thể hiện ngôn ngữ hợp đồng cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên trong các tranh chấp hợp đồng. 
Nhưng bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đem đến những tác động tích cực. Nó làm thay đổi phương thức hoạt động của các doanh nghiệp, thay đổi cách mà mỗi doanh nghiệp, cá nhân tương tác với nhau và với phần còn lại. Công nghệ thông tin vô hình chung trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội và trong các giao dịch hàng ngày. Điều này đã và đang làm thay đổi đáng kể bức tranh dịch vụ tư vấn pháp luật và thói quen hành nghề của các luật sư.

PV: Nhìn rộng hơn, ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì theo ông còn những yếu tố nào khác sẽ mang đến thay đổi đối với lĩnh vực tư vấn pháp luật và hoạt động của các luật sư?
Đất nước ta đang ở trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA,… mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia đã kiến tạo không gian rộng lớn cho các hoạt động thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp, gắn kết sâu rộng nền kinh tế Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Việc tuân thủ các nguyên tắc thương mại công bằng trong sân chơi toàn cầu, tiếp cận và tuân thủ các chuẩn mực pháp lý quốc tế đã trở thành đòi hỏi bức thiết không chỉ đối với các doanh nghiệp mà với cả đội ngũ luật sư.
Mặt khác, toàn cầu hóa và sự xóa nhòa ranh giới địa lý giữa các quốc gia đang đặt ra rất nhiều thách thức trong việc bảo vệ chủ quyền kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp và công dân. Nhất là khi chúng ta buộc phải ứng xử theo các chuẩn mực pháp lý quốc tế để không làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia, cũng như không làm xấu môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.
Thế giới cũng đang chứng kiến kỷ nguyên của nền kinh tế chia sẻ, từng bước thế chỗ cho nền kinh tế truyền thống vốn chỉ dựa vào sản xuất và cung ứng hàng hóa. Trong nền kinh tế chia sẻ, tài sản và quyền sở hữu không còn ở vị trí độc tôn. Thay vào đó các hình thái tài sản đang chuyển dịch sang thành dịch vụ và quyền sở hữu tài sản đang nhường vị thế cho quyền tiếp cận dịch vụ - một khái niệm mới chưa hề được nhắc đến trước đây. Các hành vi tiêu dùng cá nhân dần nhường chỗ cho xu hướng tiêu dùng hợp tác mang tính toàn cầu. Đó là tiền đề cho sự ra đời của những loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền kỹ thuật số… bên cạnh những tài sản truyền thống, cũng như sự xuất hiện của các giao thức mới trong kinh doanh như hợp đồng thông minh dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.
Cuộc cách mạng mà nền kinh tế chia sẻ tạo ra tất yếu sẽ dẫn đến cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, sự thay đổi từ nguyên lý cho đến cấu trúc pháp luật, hành vi pháp lý của các chủ thể. Điều đó sẽ kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ của hoạt động tư vấn pháp luật cũng như thị trường dịch vụ pháp lý trong tương lai.

PV: Vậy ông có thể đưa ra một vài ví dụ để minh chứng cho những thay đổi kể trên?
Ví dụ thì có rất nhiều, các thay đổi sẽ diễn ra từ hoạt động lập pháp cho đến thực tiễn. Hệ thống pháp luật dân sự với chế định về tài sản và quyền sở hữu là trung tâm thì giờ đây sẽ phải mở rộng hành lang cho dịch vụ và quyền tiếp cận để thích ứng với nền kinh tế chia sẻ. Khái niệm về tài sản và quyền sở hữu cũng cần mở rộng về nội hàm. Chưa kể, cách tiếp cận quyền sở hữu tài sản trong trạng thái tĩnh như truyền thống của dân luật cũng không còn phù hợp với hệ thống kinh tế mới, nơi các tài sản luôn vận động không ngừng và các giao dịch tài sản được xác lập liên tục với tốc độ sát với thời gian thực. Những thay đổi đó đặt ra hàng loạt vấn đề pháp lý cần mổ xẻ trước yêu cầu cấu trúc lại hệ thống pháp luật dân sự hiện hành.
Trong lĩnh vực thương mại, các hợp đồng thông minh sẽ thay thế một phần các hợp đồng giấy cũ kỹ và rườm rà. Sự xuất hiện của hình thức hợp đồng thông minh đã làm thay đổi đáng kể quan niệm truyền thống về hợp đồng. Nó là sự tranh chấp giữa công nghệ và quyền tự do hợp đồng. Điều này đặt ra những vấn đề rất mới trong việc bảo đảm an toàn pháp lý của hợp đồng cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên trong những tranh chấp về hợp đồng.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thì các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng xuất hiện ngày càng nhiều và rất tinh vi. Đấu tranh đối với loại tội phạm này và bảo vệ người bị hai là một việc hết sức khó khăn đối với các cơ quan tư pháp và đội ngũ luật sư. 
Trong lĩnh vực tố tụng, tới đây các phiên tòa sẽ từng bước được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các luật sư có thể tham gia tranh tụng từ xa mà không phải đến tòa. Rồi việc nộp đơn khởi kiện, việc sao lục, lưu trữ hồ sơ các vụ án… tất cả đều được số hóa bằng công nghệ blockchain, vừa an toàn, tiện lợi vừa giảm chi phí. Đó là những mặt rất tích cực của công nghệ, nhưng cũng đòi hỏi các luật sư phải tìm hiểu, nâng cao kiến thức về công nghệ và thay đổi thói quen hành nghề để thích ứng.


PV: Xin ông cho biết Vietthink đã chuẩn bị những gì để đón đầu cơ hội và vượt qua những thách thức do những thay đổi đó mang lại? 
Với tinh thần năng động và luôn đổi mới, các luật sư của Vietthink đã sớm tìm hiểu và trang bị các kiến thức chuyên sâu về mô hình kinh tế chia sẻ, công nghệ blockchain. Thực tế, chúng tôi đã tư vấn cho khách hàng trong một số dự án về triển khai hệ thống cung ứng dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ, dựa trên ứng dụng công nghệ blockchain tại thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực timeshare, fintech, số hóa bất động sản… Vietthink cũng đã đi tắt đón đầu trong ứng dụng công nghệ và cuộc cách mạng blockchain vào công việc tư vấn hàng ngày của các luật sư. Hiện tại, công ty đã trang bị hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và đầu tư phần mềm cho phép các luật sư thực hiện 100% công việc trên nền tảng số và tương tác online 24/24 với khách hàng. Những thay đổi này đã mang lại hiệu quả tích cực và sẽ được công ty đẩy mạnh trong thời gian tới.

PV: Cuối cùng, nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam năm nay, ông có chia sẻ gì với các luật sư đồng nghiệp trên cả nước?
Nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể các đồng nghiệp trên cả nước. Chúc Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là ngôi nhà chung của các luật sư Việt Nam. Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam năm nay đến trong một bối cảnh rất đặc biệt, cả nước đang phải chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 bằng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đại dịch Covid-19 đang tàn phá nặng nề, để lại những hậu quả rất nghiêm trọng cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, trong đó có các luật sư. Tôi mong cộng đồng luật sư trên cả nước hãy phát huy bản lĩnh, sáng tạo, kiên trì vượt qua những khó khăn trước mắt, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới để phục hồi hoạt động và tiếp tục phát triển.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!