Chính Phủ ban hành quy định mới về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công
Ngày 11/11/2021 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công ("Nghị định 99"). Đây được coi là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên do Chính Phủ ban hành quy định thống nhất nội dung về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm có cơ sở pháp lý chặt chẽ, thống nhất trong việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công hiện đang được quy định rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời thống nhất các quy định về vốn đầu tư công tại Luật đầu tư công năm 2019.

Nguồn ảnh: Internet
Nghị định 99/2021/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, Nghị định 99 quy định chi tiết về:
  • Quản lý, thanh toán vốn đầu tư công cho: Dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn đầu tư công; Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Dự án đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
  • Quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo năm ngân sách (quyết toán theo niên độ).
  • Quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn theo văn bản cho phép dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện của người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết định đầu tư.
  • Đối với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài bố trí cho dự án đầu tư công: quy trình, thủ tục kiểm soát thanh toán và quyết toán thực hiện theo các quy định tại Nghị định này; riêng thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn thực hiện theo điều ước quốc tế về ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
  • Ngoài ra, Nghị định 99 không quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công để cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, thẩm quyền kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công được quy định cụ thể bao gồm:
  • Cơ quan Kho bạc Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước dành để đầu tư.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện kiểm soát thanh toán vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư của đơn vị mình.
  • Bộ Quốc phòng, Bộ Công an căn cứ vào nhiệm vụ, phân cấp quản lý, ủy quyền cho một cơ quan làm nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án đầu tư công bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư công tối mật, dự án đầu tư công tuyệt mật của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông báo cho Bộ Tài chính.
Thứ ba, liên quan đến việc tạm ứng vốn, đối với các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng yêu cầu phải có bảo lãnh tạm ứng. 
Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu. Chủ đầu tư đảm bảo và chịu trách nhiệm về giá trị của bảo lãnh tạm ứng phải tương ứng với số dư tiền tạm ứng còn lại.
Tuy nhiên, có một số trường hợp không yêu cầu bảo lãnh tạm ứng, gồm:
  • Hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng, hợp đồng đơn giản, quy mô nhỏ thì thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu và xây dựng.
  • Hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu quốc gia.
  • Hợp đồng ủy thác quản lý dự án.
  • Các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (trừ trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải xây dựng các công trình).
  • Các trường hợp tạm ứng chi phí ban quản lý dự án cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Thứ tư, liên quan đến quy định về quyết toán vốn đầu tư công đối với dự án hoàn thành, vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, dự toán được duyệt và hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật (đối với những công việc thực hiện theo hợp đồng) kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Kể từ thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành, một số thành phần hồ sơ và quy định về mẫu tờ khai tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước sẽ bị bãi bỏ.

Vietthink News.