Quy định mới hướng dẫn chi tiết về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay
Nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, giám sát và tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ thuộc chuyên ngành hàng không, sân bay thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Ngày 05/11/2021, Bộ Giao thông vận tải (“Bộ GTVT”) ban hành Thông tư 23/2021/TT-BGTVT (“Thông tư 23”) hướng dẫn một số nội dung về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án, cũng như quy định chi tiết phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho công trình thuộc chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay trong nước. Thông tư 23 có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Về các hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: 
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 23, áp dụng 02 hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án công trình thuộc chuyên ngành hàng không, sân bay bao gồm: Đấu thầu rộng rãi quốc tế và Đấu thầu rộng rãi trong nước. Trong đó:
  • Hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế áp dụng đối với các dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: 
(i) Có sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án được phê duyệt (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền thuê đất) từ 800.000.000.000 (tám trăm tỷ) đồng trở lên; 
(ii) Có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm và ít nhất có một nhà đầu tư nước ngoài; và 
(iii) Dự án đó không thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc dự án có yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 
  • Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước áp dụng trong các trường hợp sau:
(i) Dự án thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;
(ii) Dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, trong đó không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đăng ký thực hiện dự án hoặc đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm;
(iii) Dự án có yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ý kiến thống nhất của các Bộ có liên quan.

Nguồn ảnh: Internet
Đăng tải thông tin đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: 
Thông tin đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các công trình dịch vụ thuộc chuyên ngành hàng không được công bố trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 (“Nghị định 25”) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, trừ trường hợp dự án thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc công khai thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật nhà nước. 
Việc đăng tải thông tin đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã thiết lập một nền tảng công bằng và minh bạch, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin chính xác, giảm thiểu thời gian và chi phí thủ tục mang tính hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư.
Về lập, phê duyệt và công bố Danh mục dự án đầu tư: 
Danh mục dự án đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không, sân bay do Cục Hàng không Việt Nam lập, Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt. Danh mục dự án đầu tư được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu theo quy định. 
Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các quy định chi tiết về quy trình đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư cũng đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 23. Các hướng dẫn của Bộ GTVT tại Thông tư 23 được đánh giá là rất rõ ràng, vừa đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, giám sát và tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu vừa đảm bảo thu hút các Nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ thuộc chuyên ngành hàng không, sân bay.
Thông tư 23/2021/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2021. 
Vietthink News.