TS. LS Lê Đình Vinh tham gia Toạ đàm mô hình PPP trong xây dựng và vận hành Dự án xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam do VIAC, VCCI và USAID tổ chức
Toạ đàm “Mô hình hợp tác công – tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam” do VIAC phối hợp với VCCI, USAID tổ chức ngày 05/7/2022 tại Toà tháp VCCI, Hà Nội. Đây là sự kiện thứ ba nối tiếp chuỗi toạ đàm về góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách và quy định pháp luật liên quan đến phương thức hợp tác công – tư (PPP) hiệu quả. 


Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng; đại diện của nhiều Tỉnh, Thành phố trong nước: Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình,…., đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHARM) và các chuyên gia, diễn giả, đại diện các Nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực PPP; và các cơ quan báo chí trung ương, tạp chí chuyên ngành xây dựng, giao thông. 


Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink, trọng tài viên VIAC tham gia với tư cách Diễn giả tại Toạ đàm, Chuyên gia pháp lý của các dự án xử lý rác thải công nghệ tái tạo và dự án năng lượng tại Việt Nam và Chuyên gia pháp lý do USAID mời đánh giá các vướng mắc pháp lý trong việc triển khai các hợp đồng mẫu PPP tại Việt Nam.


Nguồn ảnh: Internet


Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Đại diện Uỷ ban PPP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định nhiệm vụ xử lý nước thải và chất thải đang là đang được quan tâm và chú trọng; thu hút đầu tư theo phương thức PPP và hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về PPP đối với các Dự án xử lý chất thải và rác thải tái tạo năng lượng là một nhu cầu thiết yếu để thực thi chính sách phát triển nền “Kinh tế tuần hoàn” của Chính phủ. 


Dẫn đề Toạ đàm là phát biểu của đại diện Bộ TNMT - ông Nguyễn Thượng Hiền (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường) và đại diện Bộ KHĐT - bà Nguyễn Thị Linh Giang (Chánh Văn phòng PPP- Cục Quản lý đấu thầu) về chính sách và quy định pháp luật hiện hành liên quan đến các phương thức PPP đối với các dự án về xử lý nước thải và chất thải hiện nay tại Việt Nam. 


Nguồn ảnh: Vietthink


Đại diện của Bộ TNMT trao đổi: Đối với chất thải rắn sinh hoạt, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn 45/63 tỉnh thành là khoảng 51.586 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị khoảng 31.381 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 21.667 tấn/ngày), trong đó Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt lớn nhất (tương ứng là 6.149 tấn/ngày và 8.900 tấn/ngày). Đối với nước thải sinh hoạt (nước thải đô thị), lượng nước thải sinh hoạt tại Việt Nam phát sinh khoảng 3.650 triệu m3/ngày đêm; trung bình suất đầu tư xử lý nước thải đô thị là 10 triệu -15 triệu đồng/m3 (theo đơn giá xây dựng được công bố). Nhưng đến nay, chủ yếu các Dự án xử lý nước thải vẫn phải dựa vào nguồn vốn ODA và ngân sách Nhà nước nên còn nhiều hạn chế. Chủ trương “xã hội hoá” trong bảo vệ môi trường đã được Quốc hội xác định từ năm 1003, trong Luật bảo vệ môi trường 1993 “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân”. Nhà nước đã có các chính sách, quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật đầu tư 2020, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các ưu đãi trong hoạt động bảo vệ môi trường nói chung cũng như lĩnh vực xử lý chất thải nói riêng. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế vẫn còn những hạn chế, chưa có hướng dẫn cụ thể về các ưu đãi cho các nhà đầu tư như tỷ lệ ưu đãi, cơ chế hưởng ưu đãi. Ngoài ra, hiện còn các khó khăn thách thức như: cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tình hình thực tế.


Theo Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, Nhà nước đã ban hành các Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật PPP, bao gồm: Nghị định 28/2021/NĐ-CP, Nghị định 35/2021/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP, Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư dự án đầu tư có sử dụng đất, Thông tư 08/2022/TT-BTC hướng dẫn khoản thu chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Nhà nước có chủ trương thu hút đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực này. Việc áp dụng mô hình PPP trong lĩnh vực này có nhiều ưu điểm như: giải quyết nhu cầu về xử lý lượng chất thải lớn; phân bổ quản lý rủi ro từ phía nhà đầu tư và nhà nước; có thể đầu tư được công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải.


Đại diện Bộ Xây dựng - bà Đặng Anh Thư (Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật) cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong việc thu hút đầu tư theo mô hình PPP trong lĩnh vực này. Trong đó một trong các vướng mắc nổi cộm trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư là thời gian lựa chọn Nhà đầu tư thường kéo dài, không hiệu quả, hầu hết hiện nay lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, việc tính giá trên khối lượng là bước quan trọng để thúc đẩy mô hình PPP. 


Nguồn ảnh: Vietthink


Ngoài sự tham gia của đại diện các Bộ, Tọa đàm thu hút sự quan tâm và tham luận của nhiều địa phương về một số khó khăn, vướng mắc thực tiễn trog áp dụng mô hình PPP vào lĩnh vực đầu tư xử lý chất thải, đặc biệt là các dự án xử lý rác công nghệ tái tạo năng lượng:

  • Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đà Nẵng chia sẻ: Tại một dự án cụ thể tại Đà Nẵng, quyết định chủ trương đầu tư có nội dung về công nghệ và hình thức hợp đồng BLT ở mức vốn khoảng 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế gặp một số vấn đề như tổng mức đầu tư dự kiến quá thấp so với quy mô 100.000USD/1 tấn rác mới hình thành được nhà máy tốt. CQNNCTQ quyền chủ động về “đề bài thầu” trong lựa chọn nhà đầu tư các dự án này mà không nên phụ thuộc vào các nội dung do nhà đầu tư đề xuất; đồng thời nên lựa chọn hình thức BOO thay vì BLT vì nếu không xác định được độ bền thiết bị để chuyển giao thì dễ xảy ra tranh chấp và nhà đầu tư gặp khó khăn khi ký kết và thực hiện hợp đồng hiện nay. Theo nghị định 42/2019/NĐ-CP và Luật chuyển giao công nghệ 2017 thì việc thẩm định công nghệ thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên đến nay việc thẩm định do Hội đồng thẩm định thực hiện nhưng không có nguồn tiền để chi cho việc lựa chọn nhà thầu tư vấn cho quá trình này do ngân sách ít trong khi chi phí chi trả cho tư vấn cao hơn so với mức Nhà nước có thể chi trả. 
  • Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Duy Tuấn (Phó Giám đốc Sở KHĐT) chia sẻ kinh nghiệm tại Hà Nội: Hiện thành phố Hà Nội dự kiến triển khai khoảng 17 khu xử lý rác thải bởi Hà Nội hiện chỉ có một số nhà máy xử lý rác thải quy mô nhỏ, còn lại được xử lý tại 02 khu vực chôn lấp. Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Thiên Ý được đầu tư xây dựng từ năm 2017 là dự án sử dụng vốn nước ngoài chứ không triển khai theo phương thức PPP do gặp nhiều vướng mắc như: trình tự thủ tục phức tạp, thời gian đàm phán ký kết dài, yếu tố tài chính của dự án khó đảm bảo,…. Có một số dự án đầu tư xử lý nước thải được định hướng theo hình thức xã hội hoá nhưng thực tế lại gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thu phí, xác định và điều chỉnh đơn giá,…. Tuy nhiên, chủ trương của Thành phố trong giai đoạn tới sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vận hành các nhà máy xử lý rác thải.

Nguồn ảnh: Vietthink


Theo ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia PPP thuộc Dự án AEO của USAID chia sẻ về (i) các hình thức hợp đồng PPP trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn; và (ii) kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, khu vực tư nhân có thể tham gia vào các bước trong chuỗi giá trị của lĩnh vực xử lý chất thải rắn, bao gồm các công đoạn: thu gom; tập trung phân loại; lấp, ủ phân hoặc tái chế để tạo ra năng lượng tái tạo. Nhà nước có thể đứng ra xây dựng, sau đó nhượng quyền cho khu vực tư nhân vận hành. Có rất nhiều loại hợp đồng từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng mô hình PPP trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, gồm: (i) chi phí thu của người dân cho việc xử lý chất thải rất thấp và không đủ để bù đắp chi phí cho việc hoạt động của các trung tâm xử lý. Do đó, Nhà đầu tư cần có sự hỗ trợ chi phí từ Nhà nước; (ii) nguồn cung không chắc chắn, có nhiều nhan tố ảnh hưởng đến chất lượng chất thải thu gom vì thu gom từ nhiều khu vực địa phương khác nhau; (iii) lượng điện tái chế không chắc chắn; (iv) hợp đồng PPP phức tạp, thường yêu cầu một cam kết ngân sách dài hạn từ một hoặc nhiều chính quyền địa phương; (v) khó xác định kết quả đầu ra, sự phát triển của công nghệ có thể dẫn đến nhiều giải pháp hiệu quả hơn trong tương lai. Diễn giả Đoàn Tiến Giang cũng chia sẻ về một số dự án quốc tế như dự án xử lý chất thải ở Central Berkshire, UK. Theo đó, Nhà đầu tư tư nhân có nghĩa vụ thiết kế, xây dựng, cấp vốn, vận hành và bảo dưỡng các cơ sở tiếp nhận, xử lý, vận chuyển, và thải bỏ chất thải rắn ở Reading và Bracknell. Mục tiêu của các cơ sở này là tăng tỷ lệ tái chế chất thải hộ gia đình lên 50% và đạt tỷ lệ chống chôn lấp tới 75% vào năm 2031. Khu vực công sẽ đảm bảo tỷ lệ rác tối thiểu, nhà đầu tư được hưởng lợi từ thuế chống chôn lấp. Tuy nhiên, từ năm 2009 lượng rác thải giảm do nhiều yếu tố như biến động địa lý (thay đổi dân số, đặc điểm dân cư), giảm lượng tiêu dùng nên giảm lượng rác thải hoặc thay đổi lối sống, do đó các bên phải đàm phán thay đổi điều khoản thanh toán trong hợp đồng PPP, chính phủ yêu cầu giảm khoản thanh toán cho nhà đầu tư nên đã xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, cuối cùng các bên đã đạt được thoả thuận liên quan.


Nguồn ảnh: Vietthink


TS. LS. Lê Đình Vinh – Đại diện Công ty Luật TNHH Vietthink là chuyên gia đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong tư vấn và hỗ trợ các dự án năng lượng, dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện, bao gồm cả 2 dự án điển hình tại Hà Nội là Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Thiên Ý và Nhà máy Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Seraphin của Công ty cổ phần Amaccao. Cả hai dự án trên đều được Nhà đầu tư đề xuất đầu tư theo hình thức sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tính chủ động và linh hoạt cho nhà đầu tư. TS. LS. Lê Đình Vinh và Công ty Luật Vietthink đã tham gia xây dựng nhiều Hợp đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện (Trong khi Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành mẫu hợp đồng này) cho nhiều dự án tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Theo đó, các Hợp đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện hiện không phải là Hợp đồng BLT mà mang bản chất của một hợp đồng dịch vụ (vì dịch vụ xử lý rác thuộc dịch vụ công ích theo quy định) nhưng lại mang nhiều điều khoản của hợp đồng dự án và phải vận dụng rất nhiều quy định chuyên ngành liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, luật ngân sách, kinh doanh điện,… để hài hoà được lợi ích của Nhà đầu tư, Nhà nước và các chủ thể khác có liên quan. Một số vướng mắc chính được LS. TS. Lê Đình Vinh nêu tại Tọa đàm gồm:


  • Về lựa chọn nhà đầu tư: Hiện nay, nhiều dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu nhưng không nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư; và do đặc thù về công nghệ nên việc tổ chức đấu thầu mà không có sự quan tâm của nhà đầu tư có năng lực, công nghệ tốt thì cũng không hiệu quả;
  • Về giá dịch vụ: xử lý chất thải là dịch vụ công ích nên việc thanh toán phí dịch vụ phải tuân thủ quy định về phê duyệt đơn giá, điều kiện thanh toán theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản có liên quan. Trong khi đó, để đảm bảo phương án tài chính của dự án và đảm bảo khả năng huy động vốn cho dự án, Nhà đầu tư thường đề nghị sử dụng giá Đô la trong Hợp đồng nhưng Nhà nước lại không thể chấp nhận đề nghị này do mâu thuẫn với quy định về quản lý ngoại hối. Việc điều chỉnh đơn giá cũng là một điểm khó đàm phán bởi Nhà đầu tư luôn muốn đề xuất nhiều trường hợp chi tiết được điều chỉnh đơn giá để đảm bảo hiệu quả đầu tư của Dự án, nhưng Nhà nước lại phải thắt chặt nội dung này cho đảm bảo với hệ thống pháp luật về quản lý ngân sạch. 
  • Về công nghệ: Tiêu chuẩn công nghệ áp dụng trong quá trình xử lý rác thải cũng là một vấn đề quan trọng trong quá trình đàm phán hợp đồng do hiện nay Việt Nam chưa có hết các Quy chuẩn, bộ tiêu chuẩn cho các công nghệ mới nhập khẩu từ quốc tế nên khó có cơ sở định giá và thẩm định công nghệ mà công nghệ là một trong các yếu tố quan trọng tiên quyết để đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án, xác định suất đầu tư của dự án từ đó thẩm định phương án tài chính và phê duyệt giá dịch vụ phù hợp. 


Chuyên gia chia sẻ còn rất nhiều các vướng mắc, vấn đề pháp lý khác mà trong quá trình tham gia tư vấn, ông và cộng sự đã phải vận dụng nhiều quy định pháp luật để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả Nhà đầu tư, Nhà nước và các chủ thể khác có liên quan trong quá trình xây dựng và đàm phán các hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải phát điện trong thời gian qua.


Tiếp theo ý kiến của chuyên gia, đại diện các địa phương chia sẻ thêm về các khó khăn, vướng mắc thực tiễn và bày tỏ một số quan ngại, lúng túng trong việc triển khai các Dự án xử lý chất thải, rác thải:

  • Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên có ý kiến chia sẻ về các khó khăn trong lĩnh vực xử lý nước thải, các khu đô thị chưa có khu vực xử lý nước thải tập trung. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên chưa có dự án xử lý nước thải và chất thải rắn theo mô hình BLT. Phía Sở Xây dựng mong muốn có các hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hợp đồng để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. 
  • Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Thái Nguyên đưa ra các vấn đề xử lý nước thải và chất thải rắn tại địa bàn tỉnh. Hiện nay, lượng chất thải rắn 1000 tấn/ngày, hiện nay thu gom được khoảng 700 tấn/ngày, việc xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp, còn 1/3 lượng chất thải được xử lý bằng việc đốt. Trong quá trình thực hiện xảy ra nhiều rủi ro cho cả cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư, như các sự cố liên quan đến quá trình vận hành; lượng rác thải không được đưa đi xử lý thường xuyên; Chủ đầu tư chịu rủi ro do không cam kết theo đúng công suất đã được thống nhất; Cơ quan Nhà nước chậm chi trả phí xử lý rác. 
  • Theo Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng, dự án xây dựng nhà máy đốt rác thu hồi nhiệt gồm 2 giai đoạn, tuy nhiên với công suất lớn thì không đủ đảm bảo rác thu hồi phục vụ cho nhà máy. Việc đánh giá số lượng rác thu gom cũng chưa chính xác. Một số dự án xử lý chất thải hiện nay đều đang trong giai đoạn nghiên cứu như nhà máy xử lý chất thải Tràng Cát. cơ quan Nhà nước rất muốn lựa chọn công nghệ tốt nhưng chưa có đánh giá về công nghệ đốt rác thu hồi nhiệt.
  • Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình chia sẻ về các thực trạng xử lý nước thải và rác thải tại địa bàn tỉnh: Hiện nay, tỉnh Thái Bình chưa có dự án triển khai theo mô hình PPP nhưng trên địa bàn thành phố chủ yếu xử lý đốt rác và chôn lấp. Tỉnh đã có quy hoạch diện tích đất 4,2ha để phục vụ việc xử lý rác thải nhưng tại Thái Bình chủ yếu là đất trồng lúa, nên người dân phản đối rất lớn, việc xử lý rác thải chưa đảm bảo. Đề nghị các cơ quan Nhà nước có nghiên cứu và đưa ra các tiêu chí về công nghệ xử lý rác thải do hiện nay địa phương gặp lúng túng trong việc lựa chọn nhà đầu tư vì chưa có tiêu chí đánh giá. 

Nguồn ảnh: Vietthink

Là một chuyên gia đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước và Nhà đầu tư trong nhiều dự án năng lượng, dự án xử lý rác thải phát điện, ông Vinh bày tỏ sự chia sẻ với các Bộ, các Địa phương trước rất nhiều vướng mắc pháp lý trong xây dựng, đàm phán và thực hiện các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng theo mô hình PPP với Nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Thực tế tại Việt Nam, lĩnh vực xử lý chất thải rắn phát điện, các dự án sử dụng công nghệ tái tạo năng lượng sạch theo định hướng phát triển nền “Kinh tế tuần hoàn” nói chung vẫn còn mới đối với nhà làm chính sách, nhà làm luật; việc các địa phương còn lúng túng do thiếu cơ sở pháp lý, thiếu kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng và trong quá trình vận dụng cũng không tránh khỏi các quan điểm, góc nhìn riêng là điều khó tránh khỏi. Như vậy, muốn hoàn thiện quy định về PPP nói chung xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật cho Hợp đồng BLT nói riêng cho lĩnh vực đầu tư này, trước hết phải có cái nhìn thống nhất về định hướng từ những nhà làm chính sách, nhà làm luật và nhà đầu tư trên cơ sở nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Người dân. Khi có cùng góc nhìn, quan điểm về chính sách thì mới có thể có các hành động mang tính thống nhất và xuyên suốt trong toàn quá trình xây dựng và thực thi các quy định về PPP và dự thảo Hợp đồng BLT.


Tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp, USAID, VCCI và VIAC dự kiến sẽ tổ chức thêm một Tọa đàm về BLT vào ngày 12/7 tới đây. Tổ chuyên gia pháp lý PPP của Vietthink sẽ tiếp tục đưa tin về chuỗi sự kiện này. 


Tổ chuyên gia pháp lý PPP Công ty Luật Vietthink
(ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà -  Nguyễn Thị Hợp Quyên)