Vietthink tham dự Hội nghị về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Ngày 11/11/2022, Cục bản quyền tác giả tổ chức Hội nghị về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng đăng ký Cục bản quyền tác giả và Ông Quảng Tuấn Anh, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế Cục bản quyền tác giả cùng nhiều Luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ.


Ảnh: Vietthink

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2022 (Luật SHTT 2022) chính thức có hiệu lực từ 01/01/2023. Do đó, việc hoàn thiện các quy định dưới luật là vô cùng cần thiết và cần phải được hoàn thiện gấp rút. Trong Luật SHTT 2022, các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan được sửa đổi, bổ sung tương đối nhiều điều khoản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự phát triển như vũ bão của công nghệ số hiện nay trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đồng thời, cập nhật các quy định mới về bảo hộ quyền tác giả trong các văn bản dưới luật được ban hành trong thời gian qua, cũng như để đảm bảo tương thích với Hiệp ước quyền tác giả 1996 - WCT (Việt Nam gia nhập từ 17/2/2022), Hiệp ước biểu diễn bản ghi âm 1996 – WPPT (Việt Nam gia nhập từ ngày 01/7/2022) và Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ dành cho người khuyết tật mà Việt Nam đang hướng tới gia nhập theo Quyết định số 1247/2022/QĐ-SHTT do Chủ tịch nước ký ngày 01/11/2022.


Ảnh: Vietthink

Mở đầu Hội nghị, Bà Phạm Thị Kim Oanh phát biểu khai mạc Hội nghị và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đăng ký quyền tác giả cũng như thông tin về con số các Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả theo từng năm, cụ thể là năm 2019 là hơn 8000 GCN, năm 2020 là trên 10.000 GCN, năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng về đại dịch Covid nhưng con số vẫn giữ như năm 2021 là trên 10.000 GCN và năm 2022 đến thời điểm hiện tại cũng đã có trên 10.000 GCN được cấp bởi Cục bản quyền tác giả và con số sẽ được tiếp tục tăng. Tiếp đó, bà Phạm Thị Kim Oanh trình bày về Tổng quan hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế về Quyền tác giả (QTG) và Quyền liên quan (QLQ).


Ảnh: Vietthink

Tiếp theo, Bà Phạm Thị Kim Oanh giới thiệu nội dung QTG, QLQ trong một số sửa đổi, bổ sung của Luật SHTT 2022. Trong phần này, 05 nhóm nội dung cơ bản của việc sửa đổi nổi bật như sau:
- Quy định rõ quyền của tác giả, đồng tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và chủ sở hữu quyền (các điều 4, 12a, 19, 20, 21, 22, 29, 30, 31, 36, 41, 42, 43, 44, 44a, 47);
- Giới hạn và ngoại lệ QTG, QLQ (các điều 7, 25, 25a, 26, 32, 33);
- Hoạt động đăng ký QTG (các điều 49, 50, 52, 55);
- Hoạt động đại diện tập thể QTG, QLQ (điều 56);
- Hành vi xâm phạm QTG, QLQ; thực thi QTG, QLQ trên môi trường số (các điều 28, 35, 198a, 198b).

Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh đến một số điều khoản quan trọng trong Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật SHTT về QTG, QLQ. Dự thảo Nghị định sau khi có hiệu lực sẽ thay thế Nghị định 22/2018/NĐ-CP, cụ thể là giữ nguyên 07 điều tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung 44 điều, luật hoá 10 điều và bổ sung mới 44 điều, đặc biệt là toàn bộ các quy định liên quan đến giám định quyền tác giả cũng được dự thảo đưa toàn bộ vào Nghị định này. 

Ảnh: Vietthink

Tiếp đó, ông Nguyễn Việt Bách – Chuyên viên Phòng Đăng ký Cục bản quyền tác giả đã giới thiệu Dự thảo Thông quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký QTG, QLQ, dự kiến thay thế Thông tư 08/2016/TT-BVHTDL và dự kiến có hiệu lực từ 01/01/2023. Nội dung cơ bản bao gồm:
- 08 mẫu tờ khai đăng ký QTG theo các loại hình được quy định tại Điều 14 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2019;
- 01 mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan;
- 01 mẫu Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; và
- 01 mẫu Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. 

Điểm mấu chốt thay đổi trong nội dung các tờ khai sửa đổi theo quy định mới là ở phần mô tả tác phẩm và cam đoan về tác phẩm và đặc biệt là Tờ khai phải do chính tác giả/người thực hiện hoặc chủ sở hữu QTG/QLQ khai và ký tờ khai. 

Phiên tiếp theo của Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh điều hành để các đại biểu tham gia Hội nghị phát biểu liên quan đến hoạt động đăng ký quyền tác giả và ý kiến đối với Thông tư dự thảo. Rất nhiều đại diện của các công ty luật, các tổ chức tư vấn pháp lý và các chuyên gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ đã tích cực phát biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời đóng góp những đề xuất giải pháp để công tác đăng ký ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đời sống xã hội và đảm bảo đúng quy định pháp luật. Các ý kiến đóng góp nêu trên đều đã được Cục Bản quyền tác giả tập hợp, xem xét, soạn thảo hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới.

Vietthink News.

https://baotintuc.vn/van-hoa/moi-nam-luong-dang-ky-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-tang-8-10-20221111124138821.htm
https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/hoat-dong-dang-ky-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-ngay-cang-duoc-chu-trong-38623
https://bnews.vn/moi-nam-luong-dang-ky-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-tang-8-10/268333.html
https://baochinhphu.vn/gop-y-hoan-thien-phap-luat-ve-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-102221111173322643.htm
https://nhandan.vn/hoi-thao-ve-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-post724377.html