Nhãn hiệu phi truyền thống: bảo hộ ở Việt Nam như thế nào?

Khi gia nhập hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ. Cho đến nay, khi Việt Nam đã ký kết hiệp định TPP, vẫn còn những ý kiến và tranh luận xung quanh việc thực thi các điều khoản về sở hữu trí tuệ trong TPP.

Một trong những ý kiến cũng như tranh luận về các điều khoản về sở hữu trí tuệ trong TPP là việc mở rộng phạm vi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cụ thể là nhãn hiệu hàng hóa đăng ký sẽ không chỉ dừng lại ở mức là nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc (sau đây gọi là “Nhãn hiệu truyền thống”), mà còn được mở rộng cho phép đăng ký các nhãn hiệu âm thanhnhãn hiệu mùi hương (sau đây gọi là “Nhãn hiệu phi truyền thống”).       

Vì Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam, tính đến nay, chưa có quy định nào liên quan đến xem xét và đăng ký Nhãn hiệu phi truyền thống, bài viết sau đây đề cập đến việc xét nghiệm và đăng ký Nhãn hiệu phi truyền thống theo quy định của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ (“USPTO”) như một cách nhìn nhận về các Nhãn hiệu phi truyền thống này.

Theo luật Nhãn hiệu Liên bang Hoa Kỳ, nhãn hiệu phi truyền thống bao gồm nhãn hiệu (i) màu sắc, (ii) hình ba chiều, (iii) hình động, (iv) vị trí, (v) âm thanh, (vi) mùi & (vii) xúc giác. Tuy nhiên, vì trong điều khoản của TPP và Việt Nam đã ký kết chỉ đề cập đến nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương, bài viết chỉ xin đề cập đến hai loại Nhãn hiệu phi truyền thống này.

Biểu đồ thể hiện cách đánh giá khả năng bảo hộ Nhãn hiệu phi truyền thống của USPTO:

 

Khi người nộp đơn đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu phi truyền thống như âm thanh hoặc mùi, thẩm định viên nhãn hiệu phải cân nhắc hai điều kiện riêng biệt sau:


Điều kiện thứ nhất là TÍNH CHỨC NĂNG: Dấu hiệu xin đăng ký là một tổng thể, hay chỉ là một đặc điểm có tính chức năng? Nếu dấu hiệu này chỉ là một đặc điểm có tính chức năng thì sẽ không được đăng ký bảo hộ như một nhãn hiệu.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng một đặc điểm của nhãn hiệu xin đăng ký bảo hộ có tính chức năng nếu nó “cần thiết cho việc sử dụng hoặc cho mục đích của sản phẩm hoặc ảnh hưởng đến giá thành hoặc giá trị của sản phẩm.”

Các nhân tố để quyết định tính chức năng:

– Có phải sáng chế hữu ích?

– Có nhằm quảng cáo – lợi ích thực tiễn?

– Có phải là thiết kế thay thế?

– Có khiến phương pháp sản xuất đơn giản và rẻ hơn?

Tuy nhiên, không cần phải dựa trên tất cả các nhân tố kể trên mới đủ để quyết định đặc điểm đó có tính chức năng đối với hàng hóa hay không, cụ thể là tùy thuộc vào từng trường hợp, một số hoặc tất cả các nhân tố có thể cùng tồn tại.

Điều kiện thứ hai là KHẢ NĂNG PHÂN BIỆT: Nếu dấu hiệu này không có tính chất chức năng, nó có tính phân biệt không? Cụ thể là (i) bản chất có khả năng tự phân biệt? và (ii) đạt được khả năng phân biệt?

Một số Nhãn hiệu phi truyền thống có thể về bản chất có khả năng phân biệt. Ví dụ, các nhãn hiệu âm thanh có thể mang khả năng phân biệt về bản chất nếu chúng là “ngẫu nhiên, độc đáo và có khả năng phân biệt và có thể được sử dụng nhằm tạo ấn tượng trong tâm trí người nghe và khi bắt gặp lại, người nghe có thể nhận ra rằng một sản phẩm hoặc dịch vụ đó xuất phát từ một nguồn gốc cụ thể, dù không rõ tên nguồn.”

Cụ thể hơn đối với từng loại nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi, cách thẩm định của USPTO như sau:

1.                  Nhãn hiệu âm thanh

Nhãn hiệu âm thanh chỉ ra và phân biệt một sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua âm thanh thay vì thông qua kênh hình ảnh.

Ví dụ về nhãn hiệu âm thanh có thể kể đến:

(i) Một loạt các âm hoặc các nốt nhạc, có hoặc không có từ;

(ii) Từ ngữ với nhạc đi kèm.

Giống như tất cả các Nhãn hiệu phi truyền thống có thể được bảo hộ, nhãn hiệu âm thanh không thể có tính chức năng và về bản chất phải có khả năng tự phân biệt hoặc phải đạt được khả năng phân biệt.

Những lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu âm thanh như sau:

-          Yêu cầu bản vẽ không áp dụng đối với nhãn hiệu âm nhạc.

-          Tuy nhiên, nếu một nhãn hiệu chứa âm nhạc hoặc từ ngữ kèm âm nhạc, người nộp đơn phải nộp bản nhạc để lưu lại như bản mô tả nhãn hiệu HOẶC như một mẫu vật.

-          Để minh họa rằng nhãn hiệu âm thanh thực sự chỉ dẫn và phân biệt các dịch vụ và chỉ dẫn nguồn gốc của chúng, mẫu vật nên chứa một phần đầy đủ về nội dung âm thanh để thể hiện bản chất của nhãn hiệu.

Các ví dụ về các nhãn hiệu âm thanh đã được cấp tại Hoa Kỳ bởi USPTO:

Ví dụ 1: Đơn nhãn hiệu quốc gia số 2442140

Chủ sở hữu: Yahoo!, Inc.

Dịch vụ: Dịch vụ máy tính và nguồn lực trực tuyến có sẵn trên mạng máy tính; Cung cấp công cụ tìm kiếm và thể hiện bằng thông tin trên các mạng máy tính; cung cấp các thông tin chung được quan tâm thông qua mạng máy tính.

Mô tả: Nhãn hiệu chứa âm thanh là giọng người đang hát từ âm trầm ngân lên âm cao từ “YAHOO.”

Ví dụ 2: Đơn nhãn hiệu quốc gia số: 2469365

Chủ sở hữu: Công ty giải trí Time Warner

Dịch vụ: Bộ phim hành động dưới các dạng hài kịch, bi kịch, hành động, phiêu lưu và hoạt hình, và các bộ phim hành động để chiếu trên tivi dưới dạng hài kịch, bi kịch, hành động, phiêu lưu và hoạt hình [các bản lưu trước đó bằngnhựa vinyl] bang âm tần, băng âm tần hình ảnh, băng cát-xét hình ảnh, đĩa âm thanh-hình ảnh, và đĩa chuyển đổi tự động các hình thức nhạc, phim bi kịch, hài kịch, hành động, phiêu lưu, hoạt hình;  đĩa CD ROM trò chơi; chương trình máy tính như là phần mềm liên kết video tự động hóa và thiết bị ghi âm thanh với một mạng lưới thông tin máy tính toàn cầu; và đầu máy quay đĩa video trò chơi và băng cát-xét.

Mô tả: Nhãn hiệu gồm ba mươi (30) nốt nhạc: B giáng 3, E giáng 4, D4, C4, B giáng 3, G3, B giáng 3, E giáng 4, E giáng 4, D4, C4, D giáng 4, D4, D4, D4, B giáng 3, C4, B giáng 3, D4, D4, B giáng 3, C4, G3, G3, B giáng 3, B3, C4, D4, E giáng 4 và G4. Nhãn hiệu có bài nhạc nền là giại điệu Merrie.

2.                  Nhãn hiệu mùi

Nhãn hiệu mùi có thể là hương, mùi thực tế của sản phẩm hoặc có thể là hương, mùi được sử dụng cho các dịch vụ.

Giống như tất cả các Nhãn hiệu phi truyền thống có thể được bảo hộ, nhãn hiệu mùi không thể có tính chức năng và về bản chất phải có khả năng tự phân biệt hoặc phải đạt được khả năng phân biệt.

Đánh giá đặc biệt về nhãn hiệu mùi:

-          Không yêu cầu nộp bản vẽ đối với nhãn hiệu mùi.

-          Thay vào đó, người nộp đơn cung cấp bản mô tả nhãn hiệu.

-          Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu bao gồm mùi hương và cả những thành phần nhìn thấy được khác, thì người nộp đơn được yêu cầu nộp bản vẽ có mô tả những thành phần nhìn thấy được đó.

Các ví dụ về các nhãn hiệu âm thanh đã được cấp tại Hoa Kỳ bởi USPTO:

-          Ví dụ 1: Đơn quốc gia số 2463044 - “Mùi anh đào” sử dụng cho sản phẩm “dầu nhờn tổnghợp cho xe phân khối lớn và xe dã ngoại” - .

-          Ví dụ 2: Đơn quốc gia số 2568512 - “Mùi nho” sử dụng cho sản phẩm “dầu nhờn và nhiên liệu động cơ cho phương tiện mặt đất, máy bay và tàu thuyền” - .

____________

Vân Anh – Công ty luật Vietthink

____________

Nguồn tư liệu: Bài giảng của Bà Laura Hammel – Luật sư, cố vấn Văn phòng chính sách và Hợp tác quốc tế - Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ.