Trăn trở về những bất cập từ một vụ kiện chia thừa kế
Những năm gần đây, hệ thống pháp luật về dân sự và tố tụng ở nước ta không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, chế định về phân chia di sản thừa kế đã có nhiều quy định thay đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ việc về thừa kế.

Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết yêu cầu phân chia di sản thừa kế vẫn là một vấn đề nhức nhối, không chỉ liên quan đến quyền lợi của các bên mà còn đụng chạm đến cả những vấn đề đạo đức, thuần phong mỹ tục và nền tảng văn hóa gia đình. Từ thực tiễn tư vấn tại Công ty Luật Vietthink, chúng tôi đã gặp phải những vụ việc mà các cơ quan có thẩm quyền cảm thấy bế tắc do bản thân vụ việc rất phức tạp trong khi những quy định của pháp luật vẫn còn nhiều bất cập. Trong bài viết này tôi xin chia sẻ một trong số những vụ việc như vậy để bạn đọc cùng tham khảo.

Tóm tắt vụ việc:

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Sửu và Trương Thị Na có ba người con là ông Nguyễn Văn Đoàn, ông Nguyễn Văn Phúc và bà Nguyễn Thị Nụ. Cụ ông mất năm 1983 và cụ bà mất năm 1986, để lại một căn nhà gạch và một mảnh vườn rộng gần 600m2 ở vùng ven đô ngoại thành Hà Nội mà không có di chúc. Căn nhà sau đó do người con trưởng là ông Đoàn trông coi, còn ông Phúc và bà Nụ đã lập gia đình và sống ở nơi khác.

Thời gian đầu khi hai cụ mới mất, ông Phúc và bà Nụ vẫn thường xuyên về nhà cũ để thắp hương cho bố mẹ vào những ngày giỗ, tết. Năm 1996, ông Phúc và bà Nụ đã tự góp tiền và thuê người sửa chữa, cải tạo một gian nhà đổ mái bằng và lập lại bàn thờ tổ tiên và bố mẹ. Các khoản đóng góp của ông Phúc, bà Nụ chỉ được ghi trong sổ theo dõi chứ không có thỏa thuận hay ký nhận của các thành viên trong gia đình ông Đoàn.

Năm 2010 do mâu thuẫn gay gắt với gia đình ông Đoàn nên ông Phúc và bà Nụ bàn nhau xây một căn nhà nhỏ riêng biệt tại phần đất vườn còn trống để làm nơi thờ cúng bố mẹ. Lúc này ông Phúc và bà Nụ mới biết ông Đoàn đã tự ý làm sổ đỏ sang tên cho vợ chồng con trai cả toàn bộ mảnh vườn còn lại và con dâu ông Đoàn đang giao bán mảnh vườn đó. 
Và từ đây bắt đầu một cuộc chiến phức tạp và dai dẳng giữa anh em ruột thịt.
                    
Anh em “Huynh- đệ tương tàn” chỉ vì mảnh vườn hương hỏa

Người phương Đông vốn có truyền thống tôn trọng đạo lý gia phong. Khi còn sống bố mẹ giao tài sản cho ai quản lý thì anh em cũng không tính toán so đo. Khi bố mẹ qua đời thì anh em cũng nhường nhịn lẫn nhau mà không đòi chia phần tài sản, càng ít khi quan tâm đến di chúc của bố mẹ để lại. Truyền thống đó đã có từ bao đời và trở thành một phẩm chất văn hóa của người Việt.

Nhưng từ thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi thì mối liên hệ máu mủ ruột rà cũng nhạt dần. Nhất là từ khi kinh tế thị trường len lỏi vào các hang cùng ngõ hẻm, đất đai, tài sản ở các làng quê bắt đầu có giá. Mặt trái của kinh tế thị trường đã làm cho tình cảm bị xem nhẹ, các giá trị đạo đức bi xói mòn, thay vào đó là các toan tính về tiền bạc, lợi ích. Vì cái lẽ đó, từ khi ông Đoàn có con dâu, rồi có cháu nội, mỗi lần gia đình ông Phúc bà Nụ về thắp hương hay làm đám giỗ cho bố mẹ thì con cháu của ông Đoàn đều mặt nặng mày nhẹ, châm bị thóc chọc bị gạo, dèm pha soi mói, thậm chí đặt điều nói xấu làm mất mặt với hàng xóm, làm cho không khí gia đình luôn căng thẳng, ngột ngạt.

Nhịn mãi cũng không được, mà tổ tiên thì không thể bỏ, ông Phúc và bà Nụ muốn dựng một gian nhà nhỏ ở góc vườn làm nơi thờ cúng riêng và chỗ nghỉ ngơi mỗi khi về quê, nhưng ông Đoàn và vợ chồng con trai cả không nghe vì “đã có nơi thờ cúng rồi lại còn vẽ chuyện”. Cực chẳng đã, ông Phúc và bà Nụ đơn ra phường nhờ can thiệp. UBND phường đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng ông Đoàn và vợ chồng người con cả không hợp tác, thậm chí còn đe dọa, lăng mạ cán bộ phường. Cho nên cán bộ phường cùng các ban ngành, đoàn thể cũng chỉ tiến hành hòa giải qua loa cho hết trách nhiệm, rồi lập biên bản “Không thể tiến hành hòa giải”!

Cực chẳng đã, đầu năm 2016 ông Phúc và bà Nụ đã đưa đơn kiện ra tòa án đòi chia di sản thừa kế dù biết rằng con đường phía trước rất mờ mịt, chông gai trong khi cả hai người đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. “Nhưng không làm không được, không thể để con cháu mình sau này chịu nhục vì không có tổ tiên” – bà Nụ ấm ức chia sẻ với các luật sư

Tòa án cũng “bó tay” vì những quy định bất cập​

Điều 645 BLDS năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình …. là 10 (mười) năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Căn cứ quy định trên đây, tòa án đã trả lại Đơn kiện đòi chia di sản thừa kế của ông Phúc và bà Nụ vì thời hiệu khởi kiện đã hết.

BLDS năm 2015, tại Khoản 1 Điều 623 quy định về thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế như sau: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 (ba mươi) ​năm đối ​với bất động sản,….. kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Như vậy, theo quy định mới thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế lên đến 30 năm. Nhưng cho dù có áp dụng quy định này thì thời hiệu khởi kiện vụ án trên cũng vẫn không còn vì cụ Na đã mất từ năm 1986, đến năm 2016 đã là 30 năm, trong khi đến 01/01/2017 BLDS  năm 2015 mới có hiệu lực!

Không bỏ cuộc, ông Phúc và bà Nụ tiếp tục đưa đơn kiện yêu cầu tòa án chia tài sản chung. Theo Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì đối với những vụ việc tranh chấp chấp về quyền thừa kế mà đã quá thời hạn 10 năm thì Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục chia tài sản chung. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì việc chia tài sản chung chỉ có thể thực hiện được khi thỏa mãn các điều kiện: (1) Các đồng thừa kế đều xác nhận rằng đây là di sản bố mẹ để lại chưa chia; và (2) Phần di sản này không có tranh chấp.

Nhưng lại một lần nữa tòa án không thể thụ lý Đơn kiện vì giữa ông Đoàn, ông Phúc và bà Nụ không thể có được sự thỏa thuận để xác nhận đây là di sản bố mẹ để lại chưa chia và trên thực tế di sản này đang có tranh chấp. Vụ việc lại rơi vào bế tắc.
Theo tư vấn của luật sư, ông Phú và bà Nụ tiếp tục khởi kiện đòi tài sản đã đóng góp để sửa sang phần gian thờ trong căn nhà do bố mẹ để lại. Nhưng khổ một nỗi là khi đóng góp thì chỉ ghi chép vào sổ sách chứ không có cam kết hay ký nhận gì. Khi có tranh chấp, gia đình ông Đoàn cũng không thừa nhận. 

Tại khoản 1 Điều 6 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: “Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập và giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Theo khoản 1 Điều 95, Bộ luật TTDS thì: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp”. Với những quy định trên đây thì sổ sách ghi chép theo dõi các khoản đóng góp của ông Phúc, bà Nụ không được xem là chứng cứ hợp lệ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đòi tài sản của họ, nên tòa án cũng không có căn cứ đề thụ lý và giải quyết vụ án. Đến đây, ông Phúc và bà Nụ chỉ còn biết than với trời rằng sao con đường đi tìm công lý lại gian nan đến thế?

Những điều trăn trở

Trong vụ việc trên, tâm nguyện của ông Phúc, bà Nụ là hoàn toàn chính đáng và những chuyện như vậy không hiếm gặp trong xã hội. Nhưng tại sao mọi cánh cửa đều đóng lại với họ? Chính quyền phường, đoàn thể, tổ dân phố là nơi gần nhất và chứng kiến ngọn nguồn câu chuyện gia đình ông Đoàn, ông Phúc, bà Nụ từ khi các cụ thân sinh còn sống. Nhưng khi cần chính quyền vào cuộc dàn xếp những bất đồng của gia đình thì họ lại làm ngơ, hoặc làm qua loa cho xong chuyện. Hòa giải ở cấp xã phường là một thủ tục bắt buộc trong các vụ tranh chấp về đất đai, thừa kế. Quy định là vậy, nhưng liệu thủ tục này có thực sự hữu ích trong việc giải quyết tranh chấp hay không hay chỉ mang tính hình thức, thậm chí gây thêm phiền toái cho các bên?

Về thời hiệu khởi kiện, việc quy định thời hiệu là để tòa án có căn cứ xem xét giải quyết đơn kiện của đương sự, đồng thời buộc các đương sự phải ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình và sớm có yêu cầu tòa án giải quyết, tránh tình trạng khởi kiện tuỳ hứng. Nhưng trong những vụ việc phức tạp như thế này, ông Phúc, bà Nụ làm sao biết được khi nào anh em ruột thị “thay mặt đổi lòng” để mà đề phòng, cảnh giác. Đến khi sự thật đã được phơi bày cần tòa án vào cuộc bảo vệ thì đã quá muộn vì thời hiệu khởi kiện đã hết. Vậy liệu quy định về thời hiệu khởi kiện đòi chia thừa kế như hiện nay có “làm dễ” cho các cơ quan tố tụng và “làm khó” cho người dân hay không?

Về chứng cứ liên quan đến khoản đóng góp tu tạo gian thờ cúng của ông Phúc, bà Nụ, lúc bình thường thì việc anh em đóng góp để làm việc hiếu có ai dám kể lể. Thậm chí nếu nói ra thì lại sợ bị cho là chi li, không có hiếu với bố mẹ. Nhưng khi xảy ra tranh chấp thì lại cần chứng cứ mới giải quyết được. Làm sao để có được chứng cứ khi tình ngay mà lý thì gian?​

Rõ ràng, có quá nhiều điểu phải trăn trở qua một vụ việc nhỏ về chia di sản thừa kế. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật về thừa kế một cách rõ ràng, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, đảm bảo sự thực thi, công tâm của pháp luật cũng như sự phù hợp với truyền thống đạo đức và văn hóa của người Việt Nam. 

LS. Nguyễn Thị Phương – Công ty Luật Vietthink