Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng vay tài sản.

Ngày 11 tháng 01 năm 2019, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC) đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (“Nghị quyết 01/2019”).
Theo đó, Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng vay tài sản, lãi suất trung bình trên thị trường; quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án. Các Hợp đồng vay tài sản được áp dụng theo Nghị quyết này bao gồm: 
- Hợp đồng cho vay tài sản là tiền giữa tổ chức tín dụng với khách hàng (được gọi chung là “Hợp đồng tín dụng”)
- Hợp đồng vay tài sản là tiền giữa cá nhân, pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng với nhau (được gọi là chung là “Hợp đồng vay tài sản”).
Nghị quyết 01/2019 có một số điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, về lãi, lãi suất và phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng vay tài sản thông thường (không phải hợp đồng tín dụng).
Trước đây, các quy định về lãi, lãi suất, lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật như: Bộ luật dân sự 1995, Bộ luật dân sự 2005 (Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 313); phạt vi phạm (Điều 377); mức phạt vi phạm (Điều 378); quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại (Điều 379); nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 471); lãi suất Điều 473); Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 305); thực hiện hợp đồng có thoả thuận phạt vi phạm (Điều 422); nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 474); lãi suất (Điều 476); BLDS năm 2015 (Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357); thỏa thuận phạt vi phạm (Điều 418); nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 466); lãi suất (Điều 468)… Và các luật khác có liên quan như: Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (Điều 91); Luật Thương mại 2005 (Phạt vi phạm (Điều 300); mức phạt vi phạm (Điều 301).

Tuy nhiên, thời gian qua, thực tiễn xét xử tại Tòa án về các vụ án liên quan đến việc xác định lãi, lãi suất, lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm chưa thực sự thống nhất do mỗi Thẩm phán, mỗi Tòa viện dẫn một quy định khác nhau để áp dụng. Vì vậy, dẫn đến tình trạng trong thực tiễn xét xử, cùng một loại tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tài sản nhưng mỗi Tòa lại có cách giải quyết khác nhau. Đơn cử, có trường hợp các bên thỏa thuận về lãi suất (bao gồm lãi suất trong hạn và lãi suất nợ quá hạn), thỏa thuận phạt vi phạm nhưng có Tòa án xử chấp nhận tính cả lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm; và có Tòa án chỉ chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn mà không chấp nhận phạt vi phạm vì cho rằng tính lãi suất quá hạn đồng thời phạt vi phạm, nếu áp dụng cả hai chế tài này là không hợp lý vì “lãi chồng lãi”, “phạt chồng phạt”. Trong bối cảnh đó, Việc Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 01/2019 đã phần nào tháo gỡ và giải đáp những khúc mắc trên, giúp cho việc phân định, xét xử được thống nhất trên cả nước và đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và pháp luật. 


(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Nghị quyết 01/2019 quy định cụ thể đối với việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải hợp đồng tín dụng căn cứ vào thời điểm xác lập hợp đồng, từ đó có thể xác định khi có tranh chấp sẽ áp dụng Bộ luật dân sự 1995, 2005 hoặc 2015. Nghị quyết 01/2019 cũng nêu rõ cách xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995, BLDS 2005 và BLDS 2015. Nghị quyết 01/2019 đã làm rõ về việc xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả, theo đó Thời điểm xét xử sơ thẩm là ngày Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ngày Tòa án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại. Thời điểm trả nợ và thời gian chậm trả cũng được Nghị quyết quy định rõ.

Thứ hai, đối với việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng, Nghị quyết 01/2019 ghi nhận lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất. Đồng thời khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 để xác định lãi, lãi suất. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi suất trong hợp đồng tín dụng được xác định theo 2 mốc thời gian là trước và sau ngày 01/01/2017. 

Thứ ba, trong trường hợp hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay.

Thứ tư, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. Việc xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nơ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 ngân hàng thương mại có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019. Đối với những vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết.
Đối với những vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý giải quyết và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trừ trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị kháng nghị theo căn cứ khác. 

Vietthink News.


Cập nhật: 17/04/2019
Lượt xem:5818