Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Một số nội dung mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa

Ngày 09/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (“Nghị định 51/2018/NĐ-CP”). Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa và hạn chế tối đa các mặt trái của loại hình kinh doanh này như đầu cơ, thao túng giá cả hàng hóa, lũng đoạn thị trường… Đồng thời, những điều chỉnh mới tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP sẽ đảm bảo hơn sự phù hợp chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành, đảm bảo sự phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và chủ trương cải cách thủ tục hành chính nhà nước.

 

Dưới đây là một số nội dung nổi bật được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP:

Thứ nhất, Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã mở rộng loại hình hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa

Hiện tại, Điều 6 Nghị định 158/2006/NĐ-CP đang quy định “Sở Giao dịch hàng hóa là pháp nhân được thành lập và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần...”. Việc giới hạn loại hình hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa chỉ trong 02 hình thức trên đã hạn chế các doanh nghiệp khác đáp ứng đủ năng lực tham gia hoạt động này. 
Để tạo sự bình đẳng về địa vị pháp lý cho các chủ thể kinh doanh trên thị trường, Điều 33 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Do vậy, để phù hợp với thực tế triển khai cũng như các nguyên tắc Hiến đinh, Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định 158/2006/NĐ-CP như sau: “Sở Giao dịch hàng hóa là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định của Nghị định này.”

Thứ hai, Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài tham gia Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam

Việc bổ sung nội dung này được đặt ra nhằm đảm bảo được việc thu hút nguồn lực tài chính, kinh nghiệm nước ngoài cho sự phát triển của các Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam vốn còn phát triển hạn chế trong thời gian qua. Theo đó, Khoản 16 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm Điều 16a tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP ghi nhận Nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam theo các cách thức dưới đây:
  • Một là, Nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ.
  • Hai là, Nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa với tư cách khách hàng hoặc tham gia làm thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa (thành viên môi giới, thành viên kinh doanh) với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế.
Thứ ba, Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ về hạn mức giao dịch.

Hiện nay, khoản 1,2,3 Điều 34 Nghị định 158/2006/NĐ-CP đang quy định tổng hạn mức giao dịch đối với một loại hàng hoá của toàn bộ các hợp đồng đang trong thời hạn giao dịch không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hoá đó được sản xuất tại Việt Nam của năm ngay trước đó. Tuy vậy, theo thực tế triển khai thời gian qua, việc quy định như trên là không phù hợp với thực tiễn và không khuyến khích phát triển kinh tế. Do vậy, khoản 6 Điều 2 Nghị định 51/2018/NĐ-CP  đã bãi bỏ nội dung này.

Ngoài ra, Nghị định 51/2018/NĐ-CP cũng đã bổ sung thêm các điều kiện, hồ sơ và trình tự, thủ tục thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; sửa đổi các nội dung liên quan đến Trung tâm thanh toán bù trừ,..

Nghị định 51/2018/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2018./.
Vietthink News
Cập nhật: 10/05/2018
Lượt xem:4974