Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

VIỆT NAM GIA NHẬP THỎA ƯỚC LA – HAY VỀ ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Trong khuôn khổ các cam kết chính về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) , Việt Nam cam kết gia nhập Thỏa ước La-hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (1990) trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và sẽ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với thời gian ít nhất 15 năm. Để thực hiện cam kết này, vào lúc 8h00 (giờ Thụy Sỹ) ngày 30/9/2019 (1/10 tại Việt Nam), tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã trao Văn kiện gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp  (Văn kiện Geneva 1999) cho Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry. Thỏa ước sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam sau 03 tháng tính từ ngày nộp Văn kiện.

(Ảnh nguồn https://www.wipo.int/hague/en/news/2019/news_0009.html) 

Trên cơ sở đánh giá sự tiến bộ và hoàn thiện hơn của Văn kiện 1999 so với các Văn kiện khác, Việt Nam đã quyết định phê chuẩn Thỏa ước La-hay theo Văn kiện 1999. Văn kiện 1999 sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2019. Với việc tham gia Văn kiện Geneva 1999, Việt Nam sẽ chỉ có quyền và nghĩa vụ với Thỏa ước theo Văn kiện này và không chịu ảnh hưởng từ các Văn kiện còn lại. Ngoài ra, Việt Nam có quyền tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề của Liên minh La-hay quy định chung cho các văn kiện của Thỏa ước. Các nước tham gia Văn kiện 1999 và các Văn kiện khác của Thỏa ước La-hay thành lập một liên minh chung gọi là Liên minh La-hay. Tính đến nay, Liên minh La-hay có 70 thành viên, bao trùm đến 88 quốc gia.

Hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ KDCN của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp tại các Cơ quan Sở hữu trí tuệ (SHTT) của từng quốc gia riêng rẽ, nghĩa là phải làm nhiều đơn khác nhau bằng ngôn ngữ và yêu cầu của các nước sở tại, và phải chịu nhiều khoản chi phí, đặc biệt là phí thuê luật sư tại từng quốc gia để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cũng gặp các khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ KDCN của mình tại Việt Nam vì chỉ có lựa chọn là đăng ký trực tiếp tại Cục SHTT Việt Nam và phải thông qua đại diện Sở hữu công nghiệp đã được đăng ký tại Việt Nam.

Kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2019, các tác giả và tổ chức từ Việt Nam có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chỉ định các quốc gia là thành viên của Văn kiện 1999 qua Thỏa ước La-Hay. Điều này cũng có nghĩa là 01 kiểu dáng công nghiệp của tác giả/cá nhân/tổ chức của Việt Nam có thể được bảo hộ tại 88 quốc gia thông qua việc chỉ phải nộp 01 mẫu đơn duy nhất với và mức phí đã được ấn định. Các cá nhân và tổ chức nước ngoài cũng có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chỉ định Việt Nam thông qua Thỏa ước La – Hay kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2019.

Cùng với việc đã là thành viên của Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT), hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (Madrid system), công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật…, việc gia nhập Thỏa ước La-Hay đã hoàn thiện hơn việc hòa nhập quốc tế của Việt Nam liên quan đến các đối tượng Sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, việc gia nhập này thật sự có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam, mang lại rất nhiều lợi ích cho tác giả/cá nhân/tổ chức của Việt Nam cũng như nước ngoài.

Vietthink News
Cập nhật: 06/10/2019
Lượt xem:3563