Kì 2: Làm gì để hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng được kỳ vọng của Doanh nghiệp?
Trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư, một số IPA như của Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng… đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ tương đối tốt, bước đầu được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Nhưng hoạt động của các trung tâm này cũng vẫn còn nghiêng về quảng bá, truyền thông hơn là việc quan tâm hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tại nhiều địa phương khác, các IPA tuy được thành lập nhưng hoạt động chỉ mang tính hình thức do thiếu cả về nhân lực lẫn kinh phí. Các IPA và các chính quyền tỉnh, thành cần nhìn nhận thực chất vấn đề mấu chốt của hiệu quả xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư chính là ở cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải ở các hoạt động quảng bá, truyền thông trên bề nổi. Sự quan tâm của chính quyền, tính minh bạch của môi trường đầu tư và cơ hội mở rộng quan hệ đối tác-thị trường mới là yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp quyết định có nên tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động đầu tư hay không. Đây mới là yếu tố tác động trực tiếp và lâu dài đến kết quả thu hút đầu tư của các địa phương nhưng lại chưa thực sự được quan tâm một cách nghiêm túc.
Chiếu theo các chỉ số thành phần của PCI trong 3 năm vừa qua, có thể thấy rõ các chỉ số Gia nhập thị trường và Chi phí thời gian được ghi nhận là đạt kỷ lục về rút ngắn thời gian, thì các chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí không chính thức và Thiết chế pháp lý chỉ nhích chậm và tiếp tục nhận được các phản hồi không tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Có một thực tế là các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI hiện nay hầu như đã chạm ngưỡng về cải cách thủ tục hành chính và bắt đầu quan tâm cải thiện các chỉ số có tính chiều sâu và thực chất hơn. Hàng loạt sáng kiến đã được tung ra trong nỗ lực xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, gắn kết với nhà đầu tư. Tiêu biểu phải kể đến các tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Bình Phước... với các sáng kiến như "
Tiếp xúc doanh nghiệp", "
Cà phê doanh nhân",
"Cà phê chủ tịch". Bên cạnh những đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và dư luận xã hội thì cũng không ít ý kiến cho rằng các sáng kiến này chỉ là một kiểu PR cho địa phương, thậm chí cho lãnh đạo tỉnh nhằm gây ấn tượng với cộng đồng doanh nghiệp để nhận được kết quả đánh giá tịch cực từ đối tượng chính tham gia khảo sát chỉ số PCI hàng năm.
Nhưng kỳ vọng của doanh nghiệp từ viễn cảnh start-up lớn bao nhiêu thì sự hẫng hụt của ở giai đoạn điều hành của chính quyền càng thất vọng nhiều bấy nhiêu, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng của doanh nghiệp. Vẫn còn không ít trường hợp chính quyền phản ứng chậm chạp hoặc làm ngơ trước các yêu cầu hay bức xúc chính đáng của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý đầu tư và các IPA cũng chỉ quyết liệt khi có sự phản ánh của báo chí cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền cao hơn và toàn hệ thống chính trị. Một thực tế là các IPA với chức năng xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thuần tuý không thể lấn sân hoặc làm thay các cơ quan chuyên môn khác như thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động... Bản thân các IPA không có đủ năng lực và thẩm quyền để giải quyết tại chỗ các vướng mắc của doanh nghiệp cũng đã làm giảm vai trò của cơ quan này. Hơn nữa, dù có nỗ lực kết nối, đôn đốc, thúc giục thì các IPA cũng không thể thay đổi được sự trì trệ và sức ì của cả hệ thống quản lý nhà nước vốn đã kéo dài nhiều năm qua.
Bởi vậy doanh nghiệp mặc dù kỳ vọng vào các chương tình hỗ trợ doanh nghiệp do các IPA khởi xướng và chương trình hỗ trợ đầu tư của chính quyền tỉnh nhưng cuối cùng vẫn loay hoay từ năm này sang năm khác, chới với giữa các quan điểm quản lý nhà nước khác nhau của cơ quan thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng mà không thể giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng đang cản trở hoạt động đầu tư. Kể cả hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất, chế xuất, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thường xuyên đóng thuế đầy đủ, nhưng khi gặp phải các vấn đề về lao động, thuế, hải quan thì không hề nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các IPA cũng như các sở, ban, ngành liên quan. Thực tế này sẽ tác động ngược trở lại đến hình ảnh môi trường đầu tư, bởi một khi doanh nghiệp cảm nhận rằng các hoạt động xúc tiến tại chỗ chỉ mang tính hình thức, họ sẽ mất niềm tin về việc chính quyền địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp như những lời hứa của lãnh đạo, cũng như mất niềm tin về tính minh bạch và công bằng của môi trường đầu tư.
Làm gì để nâng cao hiệu quả của xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp?
Trong thời gian tới, công tác thu hút đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương cũng như cạnh tranh toàn cầu, trong khi nền kinh tế vẫn tiếp tục ảm đạm và đứng trước nguy cơ suy thoái. Do vậy, công tác xúc tiến đầu tư nói chung và xúc tiến đầu tư tại chỗ nói riêng cần phải có sự thay đổi từ nhận thức đến phương châm hành động và các sáng kiến, cách làm mới để đạt được hiệu quả cao hơn.
Đầu tiên, cần xác định nhiệm vụ trọng tâm trong cải thiện môi trường đầu tư là "t
hực hiện các giải pháp cần thiết tăng cường hiệu lực bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư" như tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 29/4/2016 của Chính phủ. Các chính quyền cần nhìn thẳng vào sự thật là phải huy động sức mạnh tổng hợp của thể chế. Lào Cai và Quảng Ninh là những địa phương đi đầu trong nỗ lực này thông qua việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cấp địa phương - sở, ngành (DDCI), nhằm kéo toàn bộ các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh đều phải vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doan.
Nhưng nhiệm vụ này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện. Phần lớn vướng mắc của doanh nghiệp bắt nguồn sự không nhất quán, thường xuyên thay đổi trong các quy định pháp luật và chính sách thu hút đầu tư giữa các thời kỳ, nên vẫn mất rất nhiều thời gian để liên ngành và lãnh đạo địa phương tìm được tiếng nói chung trong cách giải quyết. Mặt khác, một số vướng mắc và bức xúc của doanh nghiệp chậm được giải quyết là do có sự mâu thuẫn với lợi ích của chính quyền và cộng đồng, như các vấn về cơ sở hạ tầng, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, v.v... Giải quyết hài hòa các lợi ích nói trên vẫn là một bài toàn khó với hầu hết các địa phương.
Trước thực tế nêu trên, một số địa phương như Vĩnh Phúc hay Đà Nẵng, các IPA và doanh nghiệp địa phương đã lựa chọn giải pháp là tranh thủ vai trò và tiếng nói của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp. Ở những địa phương này, hiệp hội doanh nghiệp ngoài việc tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp, còn là cầu nối và cơ quan phát ngôn đại diện cho doanh nghiệp trong các toạ đàm, xúc tiến đầu tư của địa phương và tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, kinh doanh của địa phương để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với những hạn chế về nguồn lực và uy tín của mình, sự tham gia của các hiệp hội đôi khi cũng không thể giúp giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp. Do vậy, một giải pháp hữu hiệu khác là phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các đơn vị tư vấn độc lập (tài chính, pháp lý) trong hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn cùng tiếng nói độc lập, khách quan, các đơn vị tư vấn hoàn toàn thể tham mưu cho cả chính quyền lẫn các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn cũng có thể là một trung gian trong việc điều phối hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của nhà nước và cộng đồng.
Mọi sáng kiến, giải pháp xúc tiến đầu tư suy cho cùng cũng đều hướng các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc xúc tiến đầu tư tại chỗ chỉ đem lại hiệu quả thiết thực và thực chất nếu các IPA và chính quyền địa phương quan tâm đúng mức và giải đáp thỏa đáng các yêu cầu, mong đợi chính đáng của nhà đầu tư. Địa phương nào nhận thức và giải quyết tốt vấn đề này thì chắc chắn sẽ thành công trong chiến lược thu hút đầu tư.
ThS. Nguyễn Thanh Hà
Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink