Phi công nghỉ việc phải báo trước 6 tháng: Thông tư không thể to hơn Luật!

(PLO) -Tiến sĩ Lê Đình Vinh, giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink khẳng định như vậy với PLVN khi bình luận về việc dự thảo của Bộ Giao thông quy định nhân lực hàng không trình độ cao (trong đó có phi công) của các hãng hàng không nghỉ việc phải thông báo bằng văn bản cho hãng 180 ngày. 

 

Dưới đây là phân tích của TS Lê Đình Vinh xung quanh các điều khoản đang gây tranh cãi trong dự thảo Thông tư Thông tư bổ sung một số điều trong Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng mà Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến:

“Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật lao động năm 2012 thì “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.

Như vậy, việc xác lập, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động phải là kết quả của sự thỏa thuận và thống nhất ý chí giữa người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Mọi sự áp đặt làm ảnh hưởng đến sự tự do ý chí trong giao kết hợp đồng lao động đều làm cho hợp đồng không còn đúng với bản chất của nó. Nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng lao động phải phù hợp với các quy định của pháp luật về lao động, mà cao nhất là Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2012. 

Theo điểm b, khoản 2 Điều 37 BLLĐ năm 2012, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với loại hợp đồng xác định thời hạn thì phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự định chấm dứt. Khoản 3 Điều 37 BLLĐ năm 2015 quy định “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.

Do vậy, việc dự thảo thảo Thông tư  có quy định  phi công  các hãng hàng không có quyền chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho hãng 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng là trái với quy định hiện hành của Bộ luật lao động năm 2012.


 

 Tiến sĩ Lê Đình Vinh: Quy định của dự thảo trái với quy định hiện hành
của Bộ luật lao động năm 2012. 

PV: Có ý kiến cho rằng việc quy định "nghỉ việc phải báo trước 6 tháng" không chỉ trái luật mà còn cứng nhắc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động trong việc tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc, khiến phi công không còn muốn đến Việt Nam làm việc. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

LS Lê Đình Vinh: Tôi cũng có quan điểm như vậy. Bộ luật lao động năm 2012 xác lập những nguyên tắc và quy định cụ thể điều chỉnh việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động dưới mọi hình thức. BLLĐ đã quy định rõ điều kiện để các bên trong quan hệ lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và thời hạn phải báo trước. Quy định về thời hạn phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong BLLĐ đã tính đến đặc thù của từng loại công việc và từng đối tượng lao động. Thời hạn báo trước về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như quy định trọng BLLĐ hiện hành là phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người sử dụng lao động và người lao động. 

BLLĐ cũng quy định người lao động được tự do lựa chọn việc làm, được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Nếu quy định thời hạn phải thông báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quá dài sẽ cản trở quyền tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc của người lao động.

Mặt khác, trong nền kinh tế hiện nay có rất nhiều ngành, lĩnh vực đặc thù. Nếu mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có tính đặc thù mà tự đặt ra những quy định riêng thì sẽ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

PV: Về Quy định bồi thường chi phí đào tạo khi phi công xin đi làm việc cho hãng hàng không khác, có ý kiến cho rằng quy định như trong dự thảo là phân biệt đối xử. Dưới góc độ pháp lý, xin ông cho biết cần quy định như thế nào cho phù hợp với đặc thù của ngành hàng không?

LS Lê Đình Vinh: Vấn đề bồi thường chi phí đào tạo khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đã được quy định cụ thể trong BLLĐ năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong trường hợp người lao động phải bồi thường chi phí đào tạo thì việc bồi thường phải tuân theo quy định tại điều 62 Bộ luật lao động và theo thỏa thuận đào tạo. Thỏa thuận đào tạo không được trái với quy định của pháp luật về bồi thường chi phí đào tạo.Theo quy định tại điều này thì chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực đặc thù hoặc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự gắn kết lâu dài của người lao động, để tránh biến động về nhân sự thì người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận thêm về việc bồi thường khi phá vỡ cam kết về lao động. Đây là thỏa thuận dân sự hoàn toàn không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên thỏa thuận đó phải được xác lập một cách tự nguyện, phù hợp với các quy định của pháp luật. Xin cảm ơn luật sư!

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội): “Điều 37 và 38 của Bộ luật lao động 2012 quy định, muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì người lao động chỉ cần báo trước 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn còn nếu xác định thời hạn thì chỉ cần báo trước 30 ngày. Đây mới là dự thảo, khi ban hành Thông tư chính thức mà vẫn quyết giữ quy định như trên thì sẽ trái quy định của Bộ luật lao động 2012. Thông tư không thể to hơn luật được" (Theo Thanh Niên)

Nguồn: http://baophapluat.vn/van-de-su-kien/phi-cong-nghi-viec-phai-bao-truoc-6-thang-thong-tu-khong-the-to-hon-luat-216053.html