Lãnh đạo Vietthink dự Tọa đàm về đào tạo thạc sỹ Tội phạm học tại ĐHQG Hà Nội
Ngày 12/01/2017, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Định hướng đào tạo Thạc sỹ Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm tại Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội”. Tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu về pháp luật hình sự đến từ các Ủy ban của Quốc hội, TANDTC, VKSNDTC, Học viện Cảnh sát nhân dân, ĐH Luật Hà Nội, ĐHQG Hà Nội… TS., LS Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink cũng là một trong những khách mời của Ban tổ chức.

Mở đầu, PGS, TS Trịnh Quốc Toản – Chủ nhiệm Khoa Luật đã giới thiệu mục đích của Tòa đàm là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như các điều kiện cần thiết cho việc mở chuyên ngành đào tạo Thạc sỹ Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm tại Khoa Luật ĐHQG Hà Nội. Ông Toản cũng cho biết Khoa đã đưa tội phạm học và phòng chống tội phạm vào chương trình đào tạo cử nhân luật từ nhiều năm qua; đồng thời đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự cho việc đào tạo chuyên ngành này ở bậc thạc sỹ. Năm 2017 là thời điểm chín muồi để triển khai đào tạo thạc sỹ về Tội phạm học và Phòng chống tội phạm, nhất là trong bối cảnh Khoa Luật sắp được chuyển đổi thành trường Đại học Luật thuộc ĐHQG Hà Nội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Từ trái qua phải: TS Đỗ Đức Hồng Hà – Đại biểu QH Khóa XIV, ủy viên UB Tư pháp của QH, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp; TS Trần Mạnh Đạt – Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Chí – Khoa Luật ĐHQG Hà Nội; TS Đặng Quang Phương – Nguyên Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; TS Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink; GS,TSKH Lê Văn Cảm – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQG Hà Nội; TS Trịnh Tiến Việt – Phó chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.


Tham luận tại Tọa đàm, TS Hoàng Anh Tuyên đến từ VKSNDTC cho biết, những năm qua, mặc dù hệ thống pháp luật về hình sự không ngừng được hoàn thiện, công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhưng tình hình tội phạm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng, với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi và phức tạp. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, TS Tuyên cho rằng do chúng ta chưa vận dụng tốt các kiến thức về tội phạm học trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hình sự cũng như trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, dẫn đến các quy định của pháp luật không sát thực tế, các giải pháp chế tài về hình sự chỗ thì thái quá, chỗ lại mềm, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Đồng tình quan điểm trên, GS., TS Nguyễn Minh Đức - Ủy viên thường trực UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng hiện nay từ các đại biểu Quốc hội đến các cán bộ trong ngành kiểm sát, tòa án, công án đều rất thiếu kiến thức về tội phạm học, nên phần nào dẫn đến những hạn chế trong hoạt động lập pháp cũng như hoạt động điều tra, truy tố,xét xử tội phạm, làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Lấy dẫn chứng về Bộ luật Hình sự năm 2015 làm ví dụ, ông Đức cho rằng chính vì thiếu kiến thức về tội phạm học nên nhiều quy định trong Bộ luật này đã lạc lõng với thực tiễn, thiếu tính khả thi (như quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân), dẫn đến Quốc hội phải tạm dừng thi hành để sửa đổi.

PGS, TS Ngô Huy Cương đến từ ĐHQG Hà Nội cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng là do trong công tác đấu tranh phòng chống và xử lý tội phạm, các cơ quan tố tụng chỉ tập trung vào hình phạt mà chưa chú ý áp dụng các giải pháp tổng hợp nhằm ngăn chặn và vô hiệu hóa các hành vi phạm tội, điều mà các nước văn minh và ngay cả chính quyền phong kiến trước đây đã từng áp dụng. Đó cũng là một biểu hiện của việc thiếu kiến thức về tội phạm học và đấu tranh phòng chống tội phạm.

Từ những tham luận nêu trên, các diễn giả đều đi đến thống nhất về sự cần thiết phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tội phạm học tại các cơ sở đào tạo luật, trong đó có Khoa Luật ĐHQG Hà Nội. Do đó, việc mở chương trình đào tạo Thạc sỹ Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm tại Khoa Luật ĐHQG Hà Nội trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần chú trọng định hướng về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, giáo trình để phát huy những thế mạnh sẵn có và khẳng định được bản sắc riêng của Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS.,LS Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink cho rằng kiến thức về tội phạm học nói riêng cũng như kiến thức về xã hội nói chung là rất cần thiết đối với những người hành nghề luật, trong đó có các luật sư. Nhưng đây cũng chính là khâu yếu trong đào tạo luật hiện nay, dẫn đến sinh viên luật ra trường rất thiếu kiến thức xã hội và kỹ năng làm việc. Do vậy việc tăng cường trang bị kiến thức xã hội học cho sinh viên luật là rất cần thiết. TS Vinh cũng cho rằng để nâng cao kiến thức xã hội học cho sinh viên thì đội ngũ giảng viên đóng một vai trò quan trọng. Phải làm sao để thu hút được những người làm công tác thực tiễn, có cơ hội tiếp xúc với các loại tội phạm trong các vụ án hình sự tham gia giảng dạy.

Với tư cách là đối tác hợp tác toàn diện với Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, TS Lê Đình Vinh khẳng định Công ty Luật Vietthink sẵn sàng đồng hành cùng Khoa Luật ĐHQG Hà Nội trong việc tổ chức các tọa đàm tiếp theo để thảo luận chuyên sâu về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy chuyên ngành Tội phạm học, cũng như trong việc triển khai giảng dạy chương trình Thạc sỹ Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm tại Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.

Viethink News.