Một số vấn đề trong đại diện theo ủy quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu trong doanh nghiệp

Có quan điểm cho rằng mỗi thành viên góp vốn hay cổ đông chỉ được ủy quyền cho một người duy nhất đại diện quản lý phần vốn góp hay cổ phần của mình tại công ty, nhưng quan điểm thứ hai lại cho rằng chỉ cần phạm vi ủy quyền khác nhau thì việc ủy quyền cho bao nhiêu người thay mình quản lý phần vốn góp, cổ phần là do thành viên góp vốn, cổ đông đó quyết định. Chúng tôi nghiêng về quan điểm thứ 2 vì quan điểm này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.



Quy định của Bộ luật Dân sự:

Phần vốn góp (trong công ty TNHH) hay cổ phần (trong công ty CP) là tài sản thuộc quyền sở hữu của thành viên góp vốn, cổ đông. Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) thì “chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Điều này có nghĩa là thành viên góp vốn, cổ đông được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến phần vốn góp, cổ phần của mình trong công ty, kể cả việc ủy quyền cho người khác đại diện quản lý phần vốn góp, cổ phần để thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên/cổ đông thay mình, miễn là không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Khoản 1 Điều 139 BLDS 2005 quy định như sau: “Đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”. Khoản 1 Điều 142 BLDS quy định: “Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện”. Với các quy định này thì người được ủy quyền sẽ xác lập, thực hiện giao dịch thay người ủy quyền trong phạm vi ủy quyền và trong một phạm vi ủy quyền, người ủy quyền chỉ được phép ủy quyền cho một người đại diện. Vì vậy, khi ủy quyền, người ủy quyền phải xác định rõ phạm vi ủy quyền, tránh trường hợp một phạm vi ủy quyền lại ủy quyền cho nhiều người.
Phần vốn góp hay cổ phần trong công ty là tài sản có thể phân chia thành nhiều phần khác nhau và đối với mỗi phần khác nhau này chủ sở hữu hoàn toàn có thể ủy quyền cho một người quản lý, thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, cổ đông tương ứng với phần đó. Ví dụ: ông A là thành viên góp vốn sở hữu 35% Vốn điều lệ tại Công ty TNHH X, ông A có thể ủy quyền cho bà B quản lý 10%, bà C quản lý 5%, bà D quản lý 10% trong tổng số 35% Vốn Điều lệ thuộc quyền sở hữu của ông A. Theo đó, phạm vi đại diện của bà B là 10% Vốn Điều lệ, của bà C là 5% Vốn Điều lệ, của bà D là 10% Vốn Điều lệ và các bà B, C, D chỉ được thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên trong phạm vi mà mình được đại diện. Việc ủy quyền này là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 139 BLDS là trong một phạm vi đại diện chỉ được thực hiện bởi một người đại diện. Nhưng nếu ông A ủy quyền cho bà B, bà C, bà D cùng quản lý 25% Vốn Điều lệ thuộc quyền sở hữu của ông thì lại không được, vì lúc này phạm vi đại diện được xác định là 25% Vốn Điều lệ nên sẽ chỉ được thực hiện bởi một người đại diện.

Quy định của Luật Doanh nghiệp:
Đối với cổ đông, thành viên góp vốn công ty là tổ chức, Luật Doanh nghiệp 2014 đã dành riêng 2 điều luật (Điều 15 và Điều 16) để quy định về việc cử người đại diện quản lý phần vốn góp, cổ phần của họ trong công ty, đặc biệt đã quy định rõ về số lượng người đại diện, đây là điểm rất mới so với Luật Doanh nghiệp 2005. Theo đó, cổ đông, thành viên góp vốn công ty là tổ chức được quyền cử bao nhiêu người đại diện quản lý cổ phần, phần vốn góp của họ trong công ty do Điều lệ công ty quy định, trường hợp Điều lệ không quy định thì sẽ được thực hiện theo Khoản 2 Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2014:
a) Tổ chức là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện;
b) Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện”.

Đối với cổ đông, thành viên góp vốn công ty là cá nhân, Luật Doanh nghiệp không có quy định cụ thể về việc ủy quyền cho người khác đại diện quản lý phần vốn góp, cổ phần của họ như với trường hợp cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức, mà chỉ quy định chung về quyền của cổ đông, thành viên góp vốn của công ty. Cụ thể: Khoản 6 Điều 50 Luật Doanh nghiệp quy định thành viên góp vốn có quyền: “Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; khoản 5 Điều 114 Luật Doanh nghiệp quy định cổ đông phổ thông có các “quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty”; Khoản 5 Điều 113 quy định: “Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau”. Với quy định này thì thành viên góp vốn và cổ đông nói chung trong công ty (gồm cả tổ chức và cá nhân) được quyền định đoạt phần vốn góp, cổ phần của mình theo quy định của pháp luật, gồm cả quyền ủy quyền cho người khác đại diện quản lý phần vốn góp, cổ phần của họ trong công ty.
Luật Doanh nghiệp không có quy định nào cấm cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân ủy quyền cho nhiều người quản lý cổ phần, phần vốn góp của mình trong công ty. Do vậy, đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự như phân tích ở trên, quy định về quyền của cổ đông, thành viên góp vốn trong công ty của Luật Doanh nghiệp thì chỉ cần phạm vi ủy quyền khác nhau, cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân hoàn toàn có quyền ủy quyền cho nhiều người quản lý phần vốn góp, cổ phần của họ trong công ty.

Kiến nghị:
Do pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề ủy quyền quản lý cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân trong công ty như với trường hợp cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức nên dẫn đến tình trạng hiểu luật, áp dụng luật không thống nhất. Thực tế có những trường hợp tranh chấp xảy ra giữa các thành viên công ty vì có thành viên chấp nhận việc ủy quyền cho nhiều người, nhưng thành viên khác lại không chấp nhận hoặc có những trường hợp do bất đồng với công ty nên thành viên, cổ đông đã ủy quyền cho rất nhiều người quản lý phần vốn góp, cổ phần của họ gây khó khăn trong việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty… Vì vậy, theo chúng tôi cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này tương tự như với trường hợp cổ đông, thành viên là tổ chức trong công ty để việc hiểu và áp dụng luật được thống nhất, tránh được tối đa những tranh chấp có thể xảy ra liên quan đến việc ủy quyền của cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân trong công ty.

 
Luật sư Đậu Quốc Dũng
Công ty Luật Vietthink