Vấn đề thu thuế đối với các giao dịch điện tử hiện nay
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 40.95% dân số sử dụng Internet. Trong đó, riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chiếm tới 28% tổng số người dùng Internet của cả nước. Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dânvà được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: tra cứu tin tức, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, thực hiện các giao dịch thương mại điện tử ...

So với giao dịch theo phương thức truyền thống, giao dịch điện tử nhanh chóng và tiện dụng hơn rất nhiều. Nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh, các kênh thanh toán đa dạng, người mua và người bán dễ dàng kết nối và thực hiện giao dịch mà không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý. Trên thế giới mỗi ngày có đến hàng trăm triệu giao dịch được thực hiện thông qua các trang thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, nội dung số,… Qua đó đem lại cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh qua mạng Internet nguồn doanh thu ổn định và ngày càng gia tăng. Trong khi đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, việc quản lý các giao dịch điện tử, trong đó có vấn đề quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch này vẫn là một vấn đề còn khá mới mẻ đối với các cơ quan nhà nước. Pháp luật về giao dịch điện tử nói chung, các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế phát sinh từ các giao dịch điện tử nói riêng đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền còn tỏ ra khá lung túng trong việc quản lý, hướng dẫn kê khai và nộp thuế đối với các đối tượng có liên quan, dẫn đến phát sinh những kẽ hở để các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh qua mạng Internet lợi dung, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

 

1. Quy định của pháp luật về thuế đối với các giao dịch điện tử

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014 và 2016), tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thương mại có nghĩa vụ nộp thuế từ các hoạt động thương mại mà không phân biệt giao dịch thương mại được thực hiện theo phương thức truyền thống hay thương mại điện tử. Như vậy, tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch thương mại điện tử qua Internet vẫn phải nộp các loại thuế liên quan theo quy định của pháp luật về thuế. Tùy thuộc vào đối tượng và phạm vi của các giao dịch điện tử được thực hiện mà các tổ chức, cá nhân thực hiện chúng sẽ phải nộp các loại thuế sau:
  • Thuế giá trị gia tăng:
Theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2015 và 2016) và Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, các hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Do đó, các hàng hóa, dịch vụ sử dụng tại Việt Nam được mua bán thông qua các trang mạng điện tử đặt tại Việt Nam và tại các quốc gia khác thì người bán đều phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định. 
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung các năm 2013 và 2014) thì thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, các nguồn thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thông qua giao dịch điện tử (tại Việt Nam và nước ngoài) đều phải được kê khai và hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Các dịch vụ, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân cung ứng thông qua các giao dịch điện tử cũng phải kê khai và nộp thuế như trường hợp được cung ứng thông qua các phương thức truyền thống.
  • Thuế thu nhập cá nhân:
Theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung các năm 2012và 2014), thu nhập của các cá nhân  phát sinh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam đều là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, các khoản thu nhập của cá nhân công dân Việt Nam phát sinh từ các giao dịch điện tử tại các trang mạng của Việt Nam cũng như các trang mạng quốc tế đều phải được kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân.
2. Thực trạng thu thuế từ các giao dịch điện tử hiện nay 
Mặc pháp luật hiện hành đã quy định khá  đầy đủ về đối tượng, mức thuế suất và phương thức kê khai, nộp thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam. nhưng trên thực tế các cơ quan thuế mới chỉ quản lý được các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử có đăng ký, còn các doanh nghiệp không có đăng ký và đặc biệt là các cá nhân tham gia vào lĩnh vực này thì hiện vấn đề kê khai, nộp thuế hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.
Trên thực tế hiện nay đang có rất nhiều cá nhân chuyên làm nghề kinh doanh thương mại qua mạng xã hội, có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện kinh doanh, đồng thời có nguồn thu ổn định, thường xuyên.  Thậm chí có những cá nhân kinh doanh thương mại điện tử có thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, điểm chung của các cá nhân này là không kê khai và nộp thuế theo quy định đối với hoạt động thương mại điện tử. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nói chung và cơ quan thuế nói riêng gặp phải rất nhiều  khó khăn trong việc kiểm soát và truy thu thuế của các cá nhân này. Một trong những nguyên nhân cơ bản là bởi hiện chưa có các quy định về việc kiểm soát việc các cá nhân, đơn vị kinh doanh trên mạng xã hội phải tuân thủ việc kê khai và đóng thuế. 
Ngoài ra, những năm gần đây ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân có được nguồn thu từ các giao dịch điện tử phát sinh tại nước ngoài. Các nguồn thu này rất đa dạng và có giá trị lớn so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Ví dụ, một số cá nhân kinh doanh quảng cáo trên các trang mạng nước ngoài. Một số cá nhân khác lại có được nguồn thu từ các công việc tự do cho các tổ chức nước ngoài thông qua mạng Internet và được nhận thù lao thông qua thẻ thanh toán quốc tế. Mặc dù thu nhập của đa số các cá nhân này đều thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng trên thực tế hầu hết họ đều không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định. 
Nhìn chung, ngoại trừ một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chuyên nghiệp, có quy mô lớn, chịu sự quản lý trực tiếp của các cơ quan thuế hiện đang thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Hầu hết các tổ chức,cá nhân còn lại c có thu nhập từ hoạt động giao dịch điện tử còn chưa tự giác trong việc kê khai và nộp các loại thuế liên quan. Hàng năm, Nhà nước đang mất đi một nguồn thu ngân sách đáng kể từ các loại thuế này và khoản thất thu này sẽ ngày một lớn hơn khi các giao dịch thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh. 
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế đối với giao dịch điện tử nhằm giúp cho việc kê khai nộp thuế được thuận tiện. Đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát và ngăn ngừa các hành vi trốn thuế của các tổ chức,cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử. Mặt khác, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngân hàng, các cơ quan quản lý chuyên ngành và các tổ chức quốc tế trong việc đổi các thông tin về quản lý thuế, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của tổ chức, cá nhân khi phát sinh thu nhập từ các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, ngành thuế cần tăng cường công tác đào tạo,tập huấn cho cho đội ngũ cán bộ công chức chuyên trách để nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực này. Cùng với đó, ngành thuế cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của các tổ chức, cá nhân trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử, tránh thất thu cho  ngân sách nhà nước./.
Luật sư Đậu Quốc Dũng - Công ty Luật TNHH Vietthink