Ở nước ta hiện nay, thuật ngữ “Xúc tiến đầu tư” đang được sử dụng một cách khá phổ biến, nhưng lại chưa có một định nghĩa rõ ràng để có thể hiểu và áp dụng thống nhất. Ngay tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư cũng không định nghĩa thế nào là “xúc tiến đầu tư”, mà chỉ liệt kê các nguyên tắc và nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư. Do vậy, xung quanh khái niệm này đang tồn tại nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các địa phương theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư cũng rất khác nhau.
Cần thay đổi nhận thức về hoạt động xúc tiến đầu tưQua theo dõi kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố hàng năm, có thể nhận thấy hầu hết các địa phương đều chú trọng đến việc cải thiện thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, thông thoáng; đồng thời triển khai các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư khá bài bản, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cấp chính quyền ở địa phương đã nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo về hoạt động xúc tiến đầu tư.
Trái lại, đa phần các địa phương vẫn quan niệm rằng xúc tiến đầu tư gắn liền với mục tiêu là thu hút vốn đầu tư. Do vậy, hoạt động xúc tiến đầu tư thường chỉ tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thông tin về môi trường, chính sách đầu tư của địa phương. Hiệu quả xúc tiến đầu tư của một địa phương được đo bằng số vốn đầu tư đăng ký mới hàng năm. Quan niệm trên mặc dù không sai nhưng nó chưa phản ánh hết bản chất của hoạt động xúc tiến đầu tư, dẫn đến chưa xác định đúng phạm vi công việc và chủ thể tham gia vào hoạt động này.
Khi một địa phương thu hút được nhà đầu tư đặt chân đến thì mới chỉ được coi là thành công bước đầu. Giữ chân nhà đầu tư ở lại lâu dài và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư thì mới là thành công thực sự và bền vững. Thực tế cho thấy khi triển khai hoạt động đầu tư, nhà đầu tư mong muốn được thụ hưởng lợi ích thực sự từ các cam kết về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cụ thể. Nói cách khác, chính quyền địa phương cần có các bước đi và hành động cụ thể để hiện thực hóa các cam kết và tuyên bố của mình, đồng thời phải không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường đầu tư để đem lại các lợi ích ngày càng lớn hơn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư cũng có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ đầu tư như tư vấn về thị trường, lao động, pháp lý, tài chính và hỗ trợ các thủ tục cấp phép và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Những yếu tố đó là một phần cấu thành của môi trường đầu tư và nó thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương. Sự đồng hành cùng nhà đầu tư của các cơ quan chính quyền và sự tham gia tích cực của các chủ thể dân sự trong việc đáp ứng dịch vụ đầu tư là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân các nhà đầu tư ở lại và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư.
GS. TS Nguyễn Mại cho rằng các ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư cần cung cấp nhiều thông tin hơn cho nhà đầu tư như thông tin về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật
Với chức năng, nhiệm vụ còn hạn chế và các nguồn lực khá khiêm tốn như hiện nay, các cơ quan xúc tiến đầu tư cấp tỉnh (IPA) chưa thể làm tốt vai trò đầu mối cung ứng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Trên thực tế, hiệu quả hỗ trợ đối với các nhà đầu tư hiện đang phụ thuộc rất lớn vào kết quả phối hợp giữa IPA và các sở, ban, ngành của tỉnh. Với thực trạng bộ máy hành chính hiện nay thì không phải lúc nào sự phối hợp này cũng nhịp nhành, hiệu quả để làm hài lòng các nhà đầu tư. Trái lại, còn thường xuyên gây ra những bức xúc, chán nản đối với nhà đầu tư.
Từ thực tiễn hiện nay, chúng tôi cho rằng đã đến luc chính quyền các địa phương cần đổi mới nhận thức về bản chất của hoạt động xúc tiến đầu tư. Xúc tiến đầu tư phải bao hàm tổng thể mọi hành động, công cụ để thu hút thành công và khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư, được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục bởi các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và các chủ thể có liên quan. Với nhận thức như vậy thì rõ ràng phạm vi công việc thuộc lĩnh vực xúc tiến đầu tư là rất lớn và xuyên suốt quá trình đầu tư (chứ không chỉ dừng lại ở bước mời gọi đầu tư). Chủ thể tham gia cũng không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ IPA và các cơ quan nhà nước khác mà cần thu hút cả những tổ chức dân sự vào cuộc.
Xác định đúng mục tiêu, đối tượng xúc tiến đầu tư
Hiện nay các địa phương đang hô hào hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên trên thực tế các chính sách xúc tiến đầu tư đa phần lại hướng vào việc thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn trong nước và quốc tế mà “bỏ rơi” các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các start-up. Việc ưu ái các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn là điều dễ hiểu vì chúng không chỉ đem lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn góp phần tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm và làm thay đổi nhanh chóng diện mạo kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có một thực tế là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang chiếm số lượng áp đảo tại trên thị trường. Khi các doanh nghiệp này cảm thấy bị đối xử không bình đẳng hoặc không nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng từ chính quyền địa phương thì những đánh giá về mức độ cảm nhận của họ đối với môi trường đầu tư thường là tiêu cực. Điều này lý giải tại sao một số địa phương mặc dù xếp hạng chung về PCI tương đối cao nhưng có một số chỉ số lại rất thấp (như chỉ số về khả năng tiếp cận về vốn và đất đai).
(Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2016) Để khắc phục điều này, các địa phương cần có cách tiếp cận cân bằng hơn giữa mục tiêu thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn, các công ty đa quốc gia với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Một chiến lược xúc tiến đầu tư theo cách tiếp cận nêu trên sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và khẳng định vị trí của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển cân bằng, đa dạng và bền vững đối với nền kinh tế địa phương. Mặt khác, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương cũng tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ và tiêu thụ hàng hóa nội địa. Đây chính là yếu tố hấp dẫn để thu hút các công ty, tập đoàn quy mô lớn đầu tư vào địa phương.
Một điểm cần lưu ý nữa là chiến lược xúc tiến đầu tư của các địa phương hiện nay chủ yếu quan tâm đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư mới, các dự án mới và các doanh nghiệp khởi nghiệp mà ít quan tâm, thậm chí “bỏ quên” dòng vốn tái đầu tư. Hoạt động tái đầu tư vừa làm tăng quy mô và giá trị vốn đầu tư, vừa cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương. Dưới góc độ quảng bá về môi trường đầu tư của địa phương thì con số về vốn tái đầu tư thậm chí còn ý nghĩa hơn cả số vốn đầu tư mới.
Tuy nhiên, việc giữ chân nhà đầu tư ở lại lâu dài và tái đầu tư phụ thuộc rất lớn vào sự đồng hành, hiện thực hóa những cam kết của chính quyền và những nỗ lực cải thiện và hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường đầu tư của địa phương. Do đó, việc thường xuyên quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai hoạt động đầu tư (hay còn gọi là xúc tiến đầu tư tại chỗ) cũng cần được coi trọng như việc thu hút vốn đầu tư mới. Song trên thực tế mới rất ít địa phương làm được điều này.
Tăng cường thẩm quyền và đổi mới cơ chế hoạt động của các IPA
Như đã đề cập ở trên, hoạt động xúc tiến đầu tư hiện đang chủ yếu tập trung vào việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư và các cam kết của chính quyền địa phương. Việc hiện thực hoá các cam kết với nhà đầu tư không chỉ do mình IPA quyết định mà phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả hoạt động thực tế của các sở, ngành thuộc tỉnh cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan này với nhau và với IPA. Nói cách khác, hiệu quả xúc tiến và thu hút đầu tư thực chất đang phụ thuộc vào chất lượng điều hành của cả hệ thống chính quyền địa phương. Với thực trạng hoạt động của các cơ quan hành chính cấp tỉnh hiện nay và sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các cơ quan này đôi khi làm giảm đáng kể, thậm chí làm vô hiệu hóa vai trò và hiệu quả hoạt động của các IPA.
Do vậy, để tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư vào các địa phương, các IPA cần được tăng cường chức năng, thẩm quyền và phạm vi hoạt động để có thể làm tốt vai trò đầu mối tham mưu và khởi xướng các hoạt động xúc tiến đầu tư. Các IPA cần hoạt động theo mô hình lồng ghép ba chức năng: xúc tiến đầu tư, một cửa liên thông giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt qua trình đầu tư. Có như vậy thì hiệu lực, hiệu quả phối hợp giữa IPA với các sở, ngành sẽ tốt hơn, việc xử lý các công việc liên và thủ tục hành chính về đầu tư sẽ thuận tiện, nhanh chóng. Việc một cơ quan làm đầu mối thống nhất để tham mưu cho lãnh đạo địa phương tổ chức, thực hiện các hoạt động vận động, xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ sau cấp phép sẽ vừa mang lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, vừa nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền địa phương.
Một yêu cầu nữa đang đặt ra là cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của IPA trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thế giới và vận dụng vào thực tế của các địa phương tại Việt Nam. Mỗi địa phương cần tìm tòi, xây dựng mô hình IPA phù hợp nhất và đưa ra phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp và hiệu quả nhất với địa phương mình. Đồng thời quan tâm đầu tư các nguồn lực cần thiết cả về tài chính và nhân sự để các IPA hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Cùng với việc tăng cường chức năng, thẩm quyền và mở rộng phạm vi hoạt động của các IPA, cần quy xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá hiệu quả xúc tiến đầu tư cụ thể để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.Trong đó kết hợp giữa các tiêu chí đánh giá hiệu quả ngắn hạn (nguồn vốn thu hút đầu tư, kết quả hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp) và hiệu quả dài hạn (nguồn vốn tái đầu tư, mua bán, chuyển nhượng dự án, sáng kiến về xúc tiến đầu tư, đóng góp hoàn thiệnchính sách, quy định pháp luật về đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư).
Đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư
Chủ trương của Chính phủ được thể hiện trong Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 là khuyến khích phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, bao gồm: (i) Hợp tác liên ngành (kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch); (ii) Hợp tác liên vùng (kết hợp xúc tiến đầu tư giữa các địa phương với nhau; và (iii) Hợp tác liên cấp (kết hợp giữa các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh; giữa UBND cấp tỉnh và các sở, ngành, hiệp hội…).
Qua tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi nhận thấy ở nhiều địa phương cũng đã bắt đầu chú trọng đến việc hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Nhưng mức độ hợp tác thường mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng xúc tiến đầu tư với các tỉnh bạn hoặc các đối tác. Một số địa phương đã bước đầu tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và ký kết các thoả thuận hợp tác về xúc tiến đầu tư với các tổ chức, hiệp hội tại nước sở tại. Mặc dù được tiến hành khá rầm rộ và tốn kém, nhưng các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong xúc tiến đầu tư, thương mại hầu như mới chỉ giúp quảng bá hình ảnh địa phương chứ chưa mang lại kết quả về thu hút đầu tư.
Trong khi đó, hầu hết các địa phương đều chưa nhìn nhận và quan tâm một cách đúng mức đến vai trò và hiệu quả của việc hợp tác giữa các cơ quan chính quyền với các chủ thể dân sự, đặc biệt là các tổ chức tư vấn trong lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp. Mô hình hợp tác “ba nhà” (Nhà quản lý- Nhà đầu tư - Nhà tư vấn) đã từng được nhắc đến trong hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng gần như chưa được cụ thể hoá bằng các chương trình hành động, quan hệ hợp tác cụ thể. Trong khi hình thức này hoàn toàn phù hợp với chính sách mở rộng quan hệ hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư của Chính phủ, phù hợp với chính sách khuyến khích các mô hình hợp tác công-tư để tận dụng, khai thác các thế mạnh của các tổ chức dân sự; đồng thời cũng phù hợp với xu hướng hợp tác công-tư trên thế giới và nhu cầu thực tế của thị trường, nhà đầu tư.
Việc hợp tác với các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ nhà đầu tư còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với các yêu cầu và quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Và đó là một trong những phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả, thiết thực và tốn ít chi phí nhất hiện nay./.
-------------------------------------------------------------
* Th.s Nguyễn Thanh Hà hiện là Phó giám đốc Công ty Luật Vietthink. Bài viết được trích từ Tham luận của tác giả tại Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư hiệu quả - Nhìn từ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh”, tổ chức tại TP. Hạ Long ngày 14/4/2017.