Toàn cầu hoá và vấn đề bảo hộ thương hiệu quốc tế

Tiến trình toàn cầu hoá hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra hết sức sâu rộng và mạnh mẽ, tạo cơ hội thuận lợi cho hàng hoá mang thương hiệu Việt Nam thâm nhập thị trường các nước và ngược lại. Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa chỉ có giá trị trên phạm vi lãnh thổ quốc gia nơi mà nhãn hiệu đó được đăng ký bảo hộ. Một nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam sẽ không đương nhiên được bảo hộ ở các quốc gia khác. Do vậy, trong trường hợp các hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nếu các doanh nghiệp chưa kịp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước đó thì rất dễ xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Thậm chí, các đối thủ cạnh tranhcòn có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá của nhà sản xuất Việt Nam tại thị trường nước ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hoá đó vào thị trường nhằm loại bỏ sự cạnh tranh.

Trên thực tế những năm vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc phát triển các sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đưa những sản phẩm này ra thị trường nước ngoài, họ, một phần vì thiếu hiểu biết, một phần vì chậm chân đã để các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt mất nhãn hiệu hàng hóa của mình đơn giản chỉ bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường nhập khẩu. Tình trạng này đã xẩy ra đối với nhãn hiệu Cà phê Đăk Lăk năm 1997, kẹo dừa Bến Tre năm 1998, Vifon năm 2001, thuốc lá Vinataba và Petro năm 2002… Gần đây nhất là vụ việc cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc đã bị đối thủ đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài vào năm 2011…. Hệ quả là chúng ta đã để mất một phần đáng kể các thị trường tiềm năng ở nước ngoài và gây nên nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, nhà sản xuất nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Do vậy, cùng với việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị phần ở nước ngoài, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ quốc tế đối với nhãn hiệu hàng hoá của mình. Đây cũng cần được coi là một trong những vấn đề quan trọng cần được ưu tiên trong chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong chiến lược hội nhập.

Thương hiệu Nước mắm Phú Quốc bị xâm hại tại Trung Quốc


Theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý và các luật sư về thương mại quốc tế, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế là không bắt buộc, song các nhà sản xuất nên chủ động làm công việc này. Bởi vì nếu các thương hiệu Việt Nam được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài sẽ  không nhữngmang lại rất nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp, bảo vệ được quyền sở hữu thương hiệu của doanh nghiệp ở nước ngoài còn góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu của hàng hoá, sản phẩm Việt Nam trên phạm vi toàn cầu.

Liên quan đến lĩnh vực này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ chính các đối tác nước ngoài khi vào Việt Nam. Từ thực tiễn tư vấn pháp lý cho các nhà khách hàng nước ngoài tại Việt Nam, các luật sư của Công ty Luật Vietthink nhận thấy khi tiến hành đầu tư kinh doanh hoặc đưa sản phẩm, dịch vụ vào phân phối  tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài bao giờ cũng rất quan tâm đến hệ thống pháp luật về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bên cạnh các quy định pháp luật khác về đất đai, lao động thuế, hải quan… Điều mà các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhất là sản phẩm hàng hoá của họ khi đưa vào một quốc gia có được an toàn không? Quyền sở hữu trí tuệ tuệ đối với thương hiệu của họ có được bảo đảm không? Nếu hàng hóa sản phẩm của họ không được bảo hộ hoặc bảo hộ kém hiệu quả bị sao chép, làm nhái, làm giả tại một thị trường nào đó thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ tẩy chay thị trường đó và tìm đến một nơi khác an toàn hơn.

Nhận thức được nhu cầu đó, Chính phủ Việt Nam  cũng đang ngày càng quan tâm hoàn thiện hệ thống các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói riêng với việc đơn giản hóa hồ sơ và trình tự thủ tục đăng ký bảo hộ, đồng thời công khai hồ sơ, trình tự, thẩm quyền, thời gian, biểu phí,… cho từng thủ tục hành chính liên quan tới việc bảo hộ Sở hữu trí tuệ. Tất cả những quy định đó có thể dễ dàng tìm thấy khi truy cập website của Bộ khoa học và Công nghệ cũng đã công bố website chính thức tại địa chỉ http://www.most.gov.vn Nhờ vậy mà việc tiếp cận các quy định  về sở hữu trí tuệ và các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Luật sư Nguyễn Thị Phương – Công ty Luật Vietthink