Quy định mới về giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán
Trong một nỗ lực siết chặt quản lý nhà nước về giao dịch chứng khoán, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115/2017/TT-BTC ngày 25/10/2017 quy định về việc giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán (“Thông tư 115/2017/TT-BTC”) thay thế Thông tư số 13/2013/TT-BTC về Giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
 (“Thông tư 13/2013/TT-BTC”). Những quy định mới trong Thông tư 115/2017/TT-BTC được kỳ vọng sẽ đảm bảo hơn quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, cũng như đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và minh bạch trong các giao dịch chứng khoán nhằm hướng tới những chuẩn mực của thị trường chứng khoán quốc tế.

 

Những điểm mới nổi bật
Bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận và chi tiết hơn công tác giám sát giao dịch chứng khoán của  Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (Mục 1 chương II), của Sở giao dịch chứng khoán (Mục 2 chương II) cũng như ghi nhận nghĩa vụ của các đối tượng giám sát, Thông tư 115/2017/TT-BTC đã ghi nhận một số điểm mới nổi bật như:
(1). Bổ sung Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (“TTLKCK”) là chủ thể giám sát mới, bên cạnh Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCKNN”) và Sở giao dịch chứng khoán (“SGDCK”) như quy định hiện nay tại Thông tư số 13/2013/TT-BTC.
Theo đó, TTLKCK sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với Thành viên lưu ký của TTLKCK, Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh (“TVBT”) trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (“TTCK”) trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán. Đồng thời TTLKCK cũng có nhiệm vụ giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ theo từng tài khoản của nhà đầu tư, TVBT cũng như giám sát về giới hạn vị thế của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
Để thực nhiện nhiệm vụ của mình, TTLKCK sẽ thực hiện phương thức giám sát các trường hợp vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư, giới hạn vị thế dựa trên một hoặc các nguồn dữ liệu được phép (được ghi nhận tại khoản 1 Điều 19 của Thông tư 115/2017/TT-BTC). TTLKCK còn được phép yêu cầu các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng giám sát của mình cung cấp thông tin và giải trình để làm rõ. Ngoài ra, việc phối hợp với UBCKNN kiểm tra định kỳ hoặc bất thường cũng là một kênh giám sát hữu hiệu đối với TTLKCK.
(2). Đối tượng là các Công ty chứng khoán theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 13/2013/TT-BTC nay bao gồm các thành viên giao dịch và thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh (“TVGD”) – (được hiểu là công ty chứng khoán có đủ điều kiện đăng ký làm thành viên giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán) và Công ty chứng khoán được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. 
Theo đó, bên cạnh các nghĩa vụ về cung cấp thông tin và giải trình theo yêu cầu chung thì các chủ thể trên cũng có nghĩa vụ phối hợp triển khai công tác giám sát của TVGD, TVBT. Chẳng hạn: phối hợp với UBCKNN, SGDCK, TTLKCK trong việc thực hiện công tác giám sát giao dịch chứng khoán khi được yêu cầu; phối hợp với UBCKNN trong việc mời Nhà đầu tư đến làm việc với các đoàn kiểm tra của UBCKNN liên quan đến các giao dịch có dấu hiệu bất thường; trường hợp phát hiện giao dịch vi phạm các quy định về chứng khoán và TTCK có trách nhiệm báo cáo UBCKNN.
Thông tư 115/2017/TT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/12/2017./.
Vietthink News