Live stream thế nào để không vi phạm pháp luật?
Trong những năm gần đây, các ứng dụng trên máy tính và điện thoại có công nghệ live stream càng ngày càng phổ biến. "Live stream" là một thuật ngữ nói về việc truyền tải trực tiếp qua mạng Internet các nội dung, các dữ liệu dưới dạng hình ảnh và âm thanh được thu lại tới người nhận trong cùng một thời điểm. Ở Việt Nam hiện nay, live stream được người dùng sử dụng phổ biến nhất qua Youtube, Facebook trong khi trên thế giới nhiều mạng xã hội khác thông qua ứng dụng trên di động cho phép live stream như như Periscope, Meerkat… Việc cho phép người sử dụng nó có thể phát trực tiếp bất kì chương trình/sự kiện nào đó sử dụng điện thoại thông minh được ưa chuộng vì một lượng khán giả lớn trên mạng xã hội và kênh thông tin có thể tương tác với người phát trực tiếp chương trình/sự kiện đó ở bất kì đâu mà không cần phải có mặt tại đó. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ hiện đại này cũng gây ra khá nhiều bất cập và rủi ro cho cả người phát sóng và chủ sở hữu, tác giả của chương trình/sự kiện được phát sóng và các chủ thể có liên quan khác. Nói cách khác, nếu người thực hiện live stream chưa thực sự hiểu biết về các khả năng xâm phạm bản quyền tác giả và quyền cá nhân liên quan thì sẽ dễ gặp phải nhiều rủi ro và hậu quả pháp lý. Ví dụ điển hình gần đây nhất là có khán giả đã live stream bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đang được chiếu ở rạp mà không ý thức được hành vi của mình bị coi là xâm phạm bản quyển tác giả hay một khán giả đến xem chương trình ca nhạc mà live stream trên trang cá nhân của mình và cũng không hay biết về hành vi đó có thể bị coi là xâm phạm quyền tác giả…  
Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề xâm phạm bản quyền đối với các tác phẩm điện ảnh, các tác phẩm nghệ thuật trực tiếp, chương trình nghệ thuật trực tiếp đang xảy ra thường xuyên và ngẫu nhiên đến mức người dùng khi live stream cũng không nhận thức được là chính bản thân mình đang vi phạm pháp luật. Các hình thức xâm phạm này, nếu chủ sở hữu quyền tác giả có yêu cầu đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết thì hoàn toàn có thể bị xử lý phạt hành chính, thậm chí bị xử lý theo biện pháp hình sự, mức phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỷ đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù.
Để người dùng hiểu rõ về việc xâm phạm bản quyền khi live stream, bài viết này đề cập và phân tích về việc (i) live stream như thế nào bị coi là xâm phạm bản quyền tác giả, (ii) xử lý các hành vi bị coi là xâm phạm bản quyền tác giả khi live stream như thế nào, (iii) làm thế nào để không xâm phạm bản quyền khi live stream và (iv) liên hệ thực tế một số trường hợp cụ thể tại Việt Nam.
Live stream như thế nào là xâm phạm bản quyền?
Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (“SHTT”) ban hành năm 2005, sửa đổi năm 2009, các hành vi sau liên quan đến hoạt động live stream có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả:
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả hoặc đồng tác giả;
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật;
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp sau đây:
- Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang được bảo hộ của người khác;
- Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang được bảo hộ của người khác;
- Tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm đang được bảo hộ của người khác.
Dựa vào các quy định nêu trên, có thể nhận thấy rằng một số hành vi live stream sau có thể bị coi là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả:
(i) Live stream một chương trình ca nhạc/buổi hòa nhạc/chương trình biểu diễn xiếc/chương trình biểu diễn kịch/chương trình ti vi có bán bản quyền hoặc bất kì một chương trình giải trí đang diễn ra mà người phát live stream không phải lả chủ sở hữu của các chương trình này, mặc dù người phát live stream có thể đã phải trả tiền để được xem chương trình giải trí, tuy nhiên, hành vi live stream này bị coi hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của tác giả/đồng tác giả và/hoặc được sự cho phép của nhà sản xuất chương trình, nghệ sĩ biểu diễn, tác giả các tác phẩm và chủ sở hữu của chương trình đó. Do đó, hành vi live stream này bị coi là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả;
(ii) Live stream một bộ phim đang được chiếu ở rạp chiếu phim, mặc dù người xem phải trả tiền để được xem phim, tuy nhiên, hành vi live stream này bị coi hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của tác giả và nhà sản xuất của phim, gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho nhà sản xuất phim, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ/diễn viên và các thành phần khác trong ekip làm phim. Do đó, việc live stream này bị coi là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả;
(iii) Live stream một trận đấu thể thao trực tiếp đã được mua bản quyền độc quyền phát sóng và việc live stream này bị coi là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả.
Lưu ý: Các trường hợp kể trên không phải tất cả các hành vi xâm phạm bản quyền tác giả, chỉ là các hành vi thường hay xảy ra nhất tại Việt Nam và nước ngoài hiện nay liên quan đến việc xâm phạm bản quyền khi live stream.
Các biện pháp xử lý hành vi live stream trái phép 
Theo quy định của Luật SHTT và các quy định khác có liên quan, khi phát hiện các tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền, chủ sở hữu/tác giả có thể áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ quyền của mình đối với các tác phẩm do mình sở hữu:
Biện pháp tự bảo vệ
Các biện pháp tự bảo vệ có thể bao gồm nhưng không giới hạn trong các biện pháp sau:
- Gửi khuyến cáo bằng nhiều hình thức tới cá nhân/tổ chức đang có hành vi xâm phạm bản quyền tác giả để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi chính thức, cải chính công khai hoặc bồi thường thiệt hại do việc xâm phạm bản quyền gây ra;
- Yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm theo quy định của luật SHTT và các quy định khác có liên quan;
- Trong trường hợp cá nhân/tổ chức đang có hành vi xâm phạm bản quyền tác giả không hợp tác, tác giả/chủ sở hữu có thể tiến hành các biện pháp khác dưới đây để bảo vệ quyền lợi của mình.
Việc áp dụng biện pháp tự bảo vệ nêu trên luôn được khuyến khích thực hiện bởi tác giả/chủ sở hữu tác phẩm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp biện pháp tự bảo vệ không đủ hoặc không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho tác giả/chủ sở hữu, tác giả/chủ sở hữu có thể xem xét tiến hành các biện pháp dưới đây nếu cần thiết.
Biện pháp hành chính
Xử phạt hành chính có thể bao gồm cảnh cáo, xử phạt hành chính kèm theo các biện pháp yêu cầu thực hiện để khắc phục hậu quả.
Theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, một số biện pháp phạt hành chính đối với việc xâm phạm bản quyền tác giả như sau:
- Đối với hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định;
- Đối với hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định;
- Đối với hành vi xâm phạm quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của người biểu diễn: hạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi định hình cuộc biểu diễn trực tiếp trên bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn;
- Đối với hành vi xâm phạm quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;
- Đối với hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản sao chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.
(i) Biện pháp dân sự
Chủ sở hữu có thể khởi kiện bên vi phạm bản quyền ra tòa và tòa án có thể áp dụng các biện pháp dân sự theo quy định của luật tố tụng dân sự để xử lý cá nhân/tổ chức vi phạm như buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện các nghĩa vụ dân sự và buộc bồi thường thiệt hại.
(ii) Biện pháp hình sự
Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Tội xâm phạm quyền tác giả cũng được quy định rất rõ trong Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi như (i) sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình và/hoặc (ii) phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Nếu việc phạm tội là có tổ chức, phạm tội từ 02 lần trở lên, thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên thì mức phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Làm thế nào để live stream hợp pháp?
Để việc live stream không bị coi là xâm phạm bản quyền tác giả, người dùng cần phải xem xét và cân nhắc kĩ càng các quy tắc sau trước khi thực hiện việc live stream:
(i) Không live stream các nội dung mà không phải do mình sở hữu. Các nội dung này có thể là các bộ phim đang được chiếu trên rạp chiếu phim, các chương trình ca nhạc, chương trình xiếc, chương trình kịch và các chương trình giải trí khác… mà được sở hữu/sản xuất bởi cá nhân/tổ chức khác;
(ii) Trong khi live stream, nếu việc live stream có phát sinh lợi ích kinh tế hoặc phục vụ việc kinh doanh như quảng cáo, marketing…, người dùng không được sử dụng các bài hát/bài nhạc/tác phẩm khác không phải thuộc sở hữu của mình, các nhãn hiệu đã được bảo hộ, thậm chí dưới dạng hashtag hiện lên trong bản live stream.
Quay trở lại vụ việc gần đây được nhiều người quan tâm liên quan đến hành vi live stream trái phép bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” của khán giả tại rạp chiếu phim, theo quy định luật SHTT và các quy định liên quan, theo quan điểm của tác giả bài viết này, việc live stream này hoàn toàn có thể coi là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả bộ phim vì hành vi này bị coi là hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của tác giả hoặc đồng tác giả, phân phối đến công chúng bản sao của tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu, gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với chủ sở hữu/nhà sản xuất của bộ phim. 
Nhà sản xuất của bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” hoàn toàn có thể chứng minh việc thiệt hại do việc live stream của khán giả gây ra, ví dụ như có thể dựa vào số lượt người xem (lượt view) của phần đăng tải của khán giả đó trên trang mạng xã hội và trang cá nhân của mình, sau đó nhân với giá vé hiện bán và xác định thiệt hại do hành vi live stream của khán giả này gây ra. Nếu số thiệt hại cho nhà sản xuất phim từ 100.000.000 đồng trở lên, khán giả này đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và mức phạt thấp nhất là 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Thiết nghĩ, hành vi xâm phạm bản quyền vừa đề cập không phải là lần đầu tiên được xuất hiện tại Việt Nam. Hơn nữa, ý thức của người dân nói chung về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và tôn trọng quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ của người khác vẫn chưa được coi trọng. Do đó, cần phải có những hình phạt thực tế răn đe cho những trường hợp này để tránh xảy ra các trường hợp tương tự khác, đồng thời để tăng ý thức của người dân nói chung về quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Dương Thị Vân Anh 
Công ty Luật TNHH Vietthink