Vietthink tham dự hội nghị lấy ý kiến rà soát điều kiện kinh doanh vận tải hàng không do bộ GTVT và VCCI tổ chức
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện tại Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đang tiếp tục rà soát để bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải không còn phù hợp. Việc rà soát lần này được cho là sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về vấn đề này, ngày 26/3/2018 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Bộ GTVT tổ chức "Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải".

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Hiệp hội về giao thông vận tải, các doanh nghiệp vận tải lớn và các đơn vị tư vấn. Trọng tâm được các đại biểu bàn thảo là về Danh mục rà soát điều kiện kinh doanh thuộc các nhóm: Vận tải đường bộ và đường sắt, Vận tải đường biển và thuỷ nội địa và Vận tải hàng không dân dụng.

 

Đại diện Công ty Luật Vietthink gồm Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Phó giám đốc) và chuyên gia Nguyễn Thị Hải Yến đã tham dự Hội thảo và tham gia nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào việc rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng.

Trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng, Bộ GTVT đề xuất cắt bỏ 53 trên tổng số 78 điều kiện (tương đương 67,95%) theo hướng mở rộng các điều kiện gia nhập thị trường cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không, không can thiệp quá sâu vào các điều kiện liên quan đến cơ cấu tổ chức, nhân sự, tài chính của doanh nghiệp hàng không. Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị xoá bỏ điều kiện phù hợp với quy hoạch trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không tại Nghị định 92, vì đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét trong quá trình thẩm định, cấp phép.
Ông Lại Văn Vĩnh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) tán thành với chủ trương và quan điểm của Bộ GTVT về việc cắt giảm các điều kiện hiện hành để tăng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, việc đề xuất xoá bỏ quy định liên quan đến quy hoạch và mở rộng điều kiện gia nhập thị trường có nhiều quan điểm trái chiều, do kinh doanh vận tải hàng không là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi doanh nghiệp hàng không phải có kinh nghiệm và năng lực tài chính thực sự ngay từ giai đoạn tiếp cận thị trường. Ngoài ra, ông Vĩnh nhấn mạnh sự bất cập giữa các khái niệm liên quan đến "vận tải hàng không" và "vận chuyển hàng không" giữa Nghị định 92, Luật Hàng không dân dụng và các văn bản hướng dẫn khác, mặc dù đã được kiến nghị rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được chỉnh sửa. Theo ý kiến của nhiều hãng hàng không cũng như của  VABA thì nên  sử dụng  thống nhất thuật ngữ "vận chuyển hàng không" trong tất cả các văn bản pháp luật. 

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam (CAA) đồng quan điểm với VABA, mặc dù thực hiện chủ trương cắt bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải, nhưng Bộ GTVT cần nghiên cứu để giữ lại một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt đối với điều kiện gia nhập thị trường. Việc quy định song song điều kiện gia nhập thị trường và quy định quản lý là phù hợp, không chồng chéo, đây không phải là rào cản gia nhập thị trường mà là tạo cơ sở để đảm bảo an ninh, an toàn và kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không. Theo ông Cường, quy định về vốn tối thiểu của doanh nghiệp hàng không cũng cần được xem xét lại theo hướng áp dụng chung một mức vốn pháp định cần duy trì là 700 tỷ đồng, không phân biệt theo số lượng tàu bay hay phân biệt theo vận chuyển trong nước và quốc tế.

 

Đại diện của Vietthink cho rằng một số điều kiện được Bộ GTVT đề xuất cắt bỏ sẽ đe dọa đến sự an toàn và an ninh hàng không, như đề xuất xoá bỏ quy định về điều kiện áp dụng với đội tàu bay, đặc biệt là tuổi của tàu bay đã qua sử dụng để đưa vào quy định về quản lý quốc tịch của tàu bay và hậu kiểm. Hiện nay Bộ GTVT đang kiến nghị bỏ quy định này để đưa vào quản lý cùng với đăng ký quốc tịch tàu bay. Tuy nhiên, quy định về tuổi tàu bay đã qua sử dụng thuộc nhóm quy định về đảm bảo điều kiện đối với Đội tàu nhằm kiểm soát và bảo đảm an toàn hàng không, trong khi đó quy định về đăng ký quốc tịch tàu bay có ý nghĩa trong việc xác định quyền sở hữu, các quyền liên quan đến tàu bay, đường bay và quyền tài phán, nên quan điểm trên của Bộ GTVT chưa hợp lý, không đúng với định hướng hiện đại hoá đội tàu bay của ngành hàng không Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ GTVT cần xem xét lại một số điều kiện được quy định tại Nghị định 92 cho phù hợp với Cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng không dân dụng giữa Việt Nam và các nước ASEAN và các quy định chuyên ngành khác của Việt Nam. Điển hình là quy định về việc hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không hiện không phù hợp với quy định của Luật chứng khoán, nhưng thực tiễn lại chưa thực sự kiểm soát được tỷ lệ sở hữu vốn gián tiếp thông qua các hình thức giao dịch khác mà doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang vận dụng theo quy định về Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và các quy định chuyên ngành khác. Vì vậy việc nới room cho Nhà đầu tư nước ngoài cần phải được điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink, cơ quan rà soát, soạn thảo cần xem xét lại đề xuất xoá bỏ hạn chế chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài trong 02 năm đầu tại doanh nghiệp mới được cấp phép lần đầu. Việc xoá bỏ điều kiện này sẽ tạo ra kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài "lách" các quy định về trình tự, thủ tục và các điều kiện gia nhập thị trường rất khắt khe vào Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và các nước ASEAN chưa ký kết cam kết mở cửa thị trường đối với lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không dân dụng. Việc xoá bỏ hàng loạt điều kiện gia nhập thị trường kết hợp với xoá bỏ quy định này vô hình chung cũng khiến các hãng hàng không mới tham gia hoạt động kinh doanh này có tâm lý không cần duy trì khả năng đảm bảo các điều kiện kinh doanh khắt khe trong lĩnh vực này; Đồng thời, cũng tạo cơ sở để các hãng hàng không nước ngoài dễ dàng thâu tóm vốn của các hãng hàng không tư nhân mới được thành lập, qua đó tạo sức ép cho hoạt động của các hãng hàng không khác tại Việt Nam. Vietthink sẽ có ý kiến tham gia về danh mục rà soát của Bộ GTVT cho một số doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không và Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

 

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, khái niệm "taxi công nghệ" và "hợp đồng điện tử" được nhiều diễn giả, đại diện các hiệp hội vận tải đường bộ quan tâm do pháp luật hiện hành chưa có các quy định, cơ sở để kiểm soát giá cước, an toàn vận tải, trong khi qua số liệu thống kê thì số lượng xe taxi công nghệ đang tăng đột biến nhưng đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước thì chưa thấy rõ tính ưu việt so với taxi truyền thống. Do đó cần các quy định pháp luật cụ thể để kiểm soát vấn đề liên quan đến kê khai giá, số lượng phương tiện tham gia lưu thông để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. 

Tuy nhiên, đứng về góc độ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, PGS., TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải có quan điểm cởi mở đối với ứng dụng công nghệ mới và sẵn sàng đón nhận các dịch vụ công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, nên cần nới lỏng quy định về điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống để xoá bỏ gánh nặng, đảm bảo khả năng cạnh tranh công bằng chứ không nên thắt chặt quy định về điều kiện kinh doanh với taxi công nghệ. Theo ông Long, cần xác định bản chất hoạt động kết nối của Grab/Uber là "dịch vụ kết nối vận tải" - một loại dịch vụ trong lĩnh vực vận tải thay vì xác định đây là một "phương thức kinh doanh vận tải" bằng taxi, hợp đồng vận tải ở Việt Nam.
Đồng quan điểm với PGS., TS. Ngô Trí Long, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung Ương cho rằng không nên tạo các rào cản "cạnh tranh" giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ mà nên cho phép các phương thức vận tải có cơ chế cạnh tranh bình đẳng và để thị trường tự quyết định. Việt Nam cần thay đổi về tư duy tổ chức kinh doanh, theo đó một tổ chức, chủ thể tham gia vào lĩnh vực vận tải có quyền lựa chọn tổ chức một phần hoạt động kinh doanh vận tải chứ không bắt buộc phải tổ chức toàn bộ một quy trình tất cả các hoạt động kinh doanh vận tải. Như vậy, Nghị định 86 cần phải điều chỉnh theo hướng cho phép một chủ thể có quyền kinh doanh dịch vụ kết nối hoặc một phần hoạt động kinh doanh vận tải.

Trong lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa, Bộ GTVT kiến nghị cắt giảm hơn 70% các điều kiện áp dụng đối với kinh doanh đường thuỷ nội địa theo hướng mở rộng điều kiện gia nhập thị trường, xoá bỏ rào cản về tự chủ kinh doanh, các yếu tố kỹ thuật trong tổ chức hoạt động kinh doanh, tập trung quy định về duy trì điều kiện tổ chức kinh doanh và hậu kiểm. Theo ông Nguyễn Tương - Trưởng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tại Hà Nội (VLA), hiện nay tại Việt Nam 60% chi phí trong lĩnh vực logistics được thống kê là nằm trong kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hải và thủy nội địa. Do đó việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh liên quan đến vận tải hàng hải và thuỷ nội địa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của vận tải đa phương thức và lĩnh vực kinh doanh logistics trong tương lai, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển logistics và lộ trình cam kết về mở rộng thị trường kinh doanh đa phương thức giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Vì vậy, VLA ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT trong việc rà soát và nghiên cứu đề xuất cắt bỏ các điều kiện kinh doanh trong lực vực hàng hải và thuỷ nội địa, đồng thời ông Tương cũng kiến nghị Bộ GTVT phải rà soát thêm các quy định, cam kết quốc tế liên quan đến vận tải đa phương thức cho phù hợp.


Theo Vietthink News.