Sáng ngày 29/3/2018, Công ty Luật TNHH Vietthink đã tham dự Hội thảo về Tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách trong Đầu tư xây dựng cơ bản do Phòng Thuơng mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Xây dựng đồng tổ chức. Chủ trì Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI và ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cùng sự tham gia của các chuyên gia, đại diện nhiều Tập đoàn, Doanh nghiệp lớn, Hiệp hội trong lĩnh vực xây dựng. Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink cũng tham dự Hội thảo và có bài tham luận về Một số vướng mắc đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác Công tư (PPP) và giải pháp tháo gỡ.
Theo kết quả tổng kết của VCCI, Bộ Xây dựng hiện đang đi đầu trong việc Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về rà soát để cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đã nỗ lực rà soát để cắt giảm 43.7% điều kiện kinh doanh, soạn thảo nhiều văn bản, quy định mới để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát PCI năm 2017 cho thấy hiện tượng "doanh nghiệp sân sau" và chi phí không chính thức trong lĩnh này đang ngày càng gia tăng; Đồng thời còn nhiều bất cập chưa thể giải quyết như: Tính liên thông với các quy định khác do các Bộ chuyên ngành khác đang theo dõi; Quy định về bảo lãnh, bảo đảm trong hợp đồng xây dựng, Quy hoạch xây dựng, thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư chồng chéo giữa các quy định hướng dẫn,... Do đó mục đích của Hội thảo là để Bộ Xây dựng lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, các đơn vị tư vấn luật về khó khăn, vướng mắc trong toàn bộ hoạt động xây dựng cơ bản nhằm nghiên cứu giải pháp về cơ chế, chính sách và pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc được đề cập.
Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc nhưng nhiều vấn đề vẫn tồn tại
Rất nhiều ý kiến kiến nghị cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách liên quan đến toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản đã được các đại biểu trình bày tại Hội thảo. Các ý kiến chủ yếu tập trung ở các nhóm vấn đề liên quan đến: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, Xây dựng, tổ chức quản lý, thực hiện và công bố Quy hoạch, Công tác quản lý, giám sát vốn và quyết toán vốn đầu tư xây dựng, Quy định về thẩm định, phê duyệt và giám sát Dự án Đầu tư xây dựng và các vấn đề liên quan đến thiết kế, kỹ thuật và dự toán của Dự án đầu tư xây dựng; .....
Trong các nhóm vấn đề trên, vướng mắc nổi cộm được nhiều đại biểu nhắc đến là hệ thống quy định pháp luật chồng chéo trong lĩnh vực xây dựng. Hiện nay liên quan đến hoạt động xây dựng hiện có rất Luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền ban hành và quản lý của rất nhiều Bộ như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (thuộc thẩm quyền theo dõi của Bộ Xây dựng)....; Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) .... Thực tiễn cho thấy khi một Luật được điều chỉnh thì các Luật còn lại thuộc thẩm quyền theo dõi của các Bộ khác không thể được cập nhật ngay cho phù hợp, tạo hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn. Dưới Luật còn rất nhiều các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn quá đồ sộ, phức tạp, càng gây khó khăn cho các Chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, Bộ Xây dựng cần xem xét đề xuất, kiến nghị có phương án rà soát, sắp xếp lại các quy định pháp luật cho phù hợp để khắc phục tình trạng này.
Trong khi đó, nhiều quy định quan trọng còn mang tính cảm tính, chưa cập nhật các yếu tố và biến động thực tiễn, khiến việc kiểm soát tính minh bạch trong đấu thầu, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ bản, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "doanh nghiệp sân sau", "quân xanh-quân đỏ" như quy định về định mức, đơn giá xây dựng, xây dựng các yếu tố xếp hạng, phân hạng công trình, năng lực nhà thầu, quy định về đấu thầu,... Tuy nhiên nhiều đại biểu cũng nhận định rằng, vấn đề mấu chốt để đảm bảo tính minh bạch trong đấu thầu, thẩm tra-thẩm định và tổ chức, giám sát hoạt động xây dựng nằm ở yếu tố con người trong công tác tổ chức thực hiện, chứ không hoàn toàn nằm ở vấn đề về cơ chế, chính sách khung pháp lý điều chỉnh. Đơn cử là các bất cập, vướng mắc liên quan đến công bố Quy hoạch, mặc dù các Quy hoạch đã cơ bản được công bố theo đúng quy định, tuy nhiên cách thức công bố chưa thực sự hiệu quả, chính xác, vẫn có tình trạng cần phải có mỗi quan hệ "người nhà", hoặc sử dụng chi phí không chính thức; hay tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhà thầu không rõ ràng, minh bạch,.....
Vướng mắc và Giải pháp tháo gỡ cho các Dự PPP
Từ thực tiễn tư vấn các Dự án đầu tư theo hình thức PPP, nhất là đối với các dự án BOT, BT, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink đã đưa ra nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật cần được tháo gỡ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý trong triển khai và quản lý các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng trong thời gian tới.
Các vướng mắc chính hiện nay đối với các dự án PPP được Luật sư Lê Đinh Vinh phân tích gồm: Vướng mắc trong đề xuất dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; Cơ chế góp vốn, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư; Cách tính lãi suất đối với vốn vay thực hiện Dự án, thanh toán giá trị đầu tư dự án; Xác định thời điểm và phương thức tính giá đất đối với quỹ đất dùng để thanh toán đối ứng dự án BT; Xác định mức phí và thời hạn thu phí đối với các dự án BOT.
Theo Vietthink News.