Trước thực tế hoạt động kinh doanh đa cấp xuất hiện nhiều “biến tướng” gây thiệt hại nặng nề cho xã hội thời gian qua, vào ngày 12/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (
“Nghị định 40/2018/NĐ-CP”) thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (
“Nghị định 42/2014/NĐ-CP”). Những điểm mới trong Nghị định này được kỳ vọng sẽ hoàn thiện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, để từ đó nâng cao tính minh bạch của hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp cũng như tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Cụ thể, Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã bổ sung nhiều điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, Nghị định 40/2018/NĐ-CP siết chặt hơn điều kiện đăng ký hoạt động đối với tổ chức tham gia bán hàng đa cấp thông qua việc ghi nhận bổ sung các điều kiện mới:
Một là, tổ chức tham gia bán hàng đa cấp chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;
Hai là, mức ký quỹ tối thiểu là 10 tỷ đồng (theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP là 05 tỷ);
Ba là, phải có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
Bốn là, phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp;
Năm là, phải có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Thứ hai, Nghị định 40/2018/NĐ-CP bổ sung thêm các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bao gồm: (i) trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; (ii) trường hợp cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thứ ba, xuất phát từ thực tế quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương còn lỏng lẻo thời gian qua, Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã ghi nhận riêng Chương III để quy địnhvề vấn đề này thay vì chỉ quy định riêng lẻ tại Điều 17, Điều 18 tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Chương III của Nghị định cũng đã chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục để dễ dàng hơn trong việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Thứ tư, Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng có nhiều quy định nhằm hướng hoạt động bán hàng đa cấp đi vào đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, thay vì bị lợi dụng để thực hiện hoạt động huy động tài chính trái phép như thực tế hiện nay. Cụ thể:
- Khoản 4 Điều 40 Nghị định ghi nhận doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và khách hàng mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp;
- Điều 46 Nghị định quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp thanh toán tiền mua hàng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm giao đầy đủ hàng hóa theo số tiền người tham gia bán hàng đa cấp đã thanh toán và người tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm nhận đầy đủ hàng hóa từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
- Khoản 5 Điều 48 Nghị định quy định doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng đối với tiền hoa hồng và tiền thưởng.
Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, Nghị định 40/2018/NĐ-CP cho phép trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày 02/5/2018 mới phải đáp ứng các điều kiện về hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này.
Nghị định 40/2018/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/05/2018./.
Vietthink News