Quy định thông thoáng hơn về thủ tục nhận nuôi con nuôi
Ngày 05/03/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/03/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi.
Nghị định 24/2019/NĐ-CP đã giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về thủ tục và thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi cũng như bổ sung một số quy định mới sau đây.

Thứ nhất, Nghị định 24/2019/NĐ-CP bổ sung một số thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.
- Cho phép thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi: Nếu như trước đây, Nghị định 19/2011/NĐ-CP chưa quy định chi tiết về thủ tục thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi mà chỉ quy định chung chung về việc khai sinh lại tại UBND xã, cụ thể “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ” thì nay cùng với sự ra đời của Luật Hộ tịch 2014, Nghị định 24/2019/NĐ-CP đã quy định chi tiết về điều kiện và cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi: “căn cứ vào Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi và sự đồng ý của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của nuôi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về hộ tịch.” Thẩm quyền thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi được trao cho cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo Luật Hộ tịch 2014. 
- Cho phép bổ sung, thay đổi thông tin cha, mẹ: Việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch



 (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Thứ hai, Nghị định 24/2019/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
Trước đây, tại Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định thẩm quyền thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi trong trường hợp “Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi” chỉ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã thường trú của người nhận con nuôi, thì nay, thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước được mử rộng hơn, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi đều có thể thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Quy định mới rõ ràng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường hợp nhận nuôi con nuôi khi thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan.  

Thứ ba, Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung về thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi
Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 "Lập hồ sơ và danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế" tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP thành "Rà soát, tìm người nhận trẻ em làm con nuôi".
Đây là một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 24/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật, UBND cấp xã hàng tháng rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi. 
Nếu có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, UBND cấp xã xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa vào sống ở cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở nuôi dưỡng đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi. Nếu có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, cơ sở nuôi dưỡng giao 1 bộ hồ sơ trẻ em cho người nhận con nuôi để thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
Nếu không có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ trẻ em bao gồm các giấy tờ, tài liệu theo quy định xin ý kiến cơ của cơ quan chủ quản. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan chủ quản có ý kiến gửi Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ trẻ em để thông báo tìm người nhận con nuôi.

Bên cạnh đó, Nghị định 24/2019/NĐ-CP còn thay thế, bãi bỏ một số quy định tại Nghị định 19/2011/NĐ-CP, đơn cử như:
- Bỏ cụm từ "của người đứng đầu tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định tại điểm e và" tại khoản 3 Điều 5;
- Bãi bỏ khoản 3 Điều 3, Điều 11, điểm đ, e khoản 1 Điều 31.
Nhìn chung, Nghị định 24/2019/NĐ-CP quy định thông thoáng hơn về các thủ tục pháp lý trong việc nhận nuôi con nuôi. Nghị định 24/2019/NĐ-Cp có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019.

Vietthink News.