Những quy định cứng nhắc của Luật Đấu thầu liên quan đến các khoản chi nhỏ dưới 100 triệu đồng
Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2014 (“Luật đấu thầu 2013”). Tính đến nay, trải qua gần 05 (năm) năm thực hiện, một vài quy định của Luật đấu thầu cho thấy rõ bất cập, không phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của Doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục, đặc biệt là các quy định rất cứng nhắc và thiếu tính thực tiễn liên quan đến các khoản chi nhỏ lẻ.


(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Khoản chi nhỏ lẻ trong gói mua sắm thường xuyên
Căn cứ theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu, khi sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập là bắt buộc phải tổ chức lựa chọn nhà thầu. Theo đó, rất nhiều khoản chi trong chi thường xuyên có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến một vài triệu đồng như các khoản sửa chữa thường xuyên phát sinh đột xuất như: sửa xe ô tô, máy tính, máy in, điều hoà; sửa một vài chỗ hư hỏng nhỏ như nền nhà, cửa sổ, bàn làm việc, tủ tài liệu;…cũng nằm trong danh mục phải tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Nhận thấy sự bất cập trong thực tiễn thực hiện, năm 2015, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ bản Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với một số nội dung mua sắm thường xuyên. Theo đó, ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng nếu thực hiện theo quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các khoản chi nhỏ lẻ nêu trên thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thường xuyên. Tính đến nay, các cơ quan có thẩm quyền, các bộ ngành liên quan vẫn đang thực hiện rà soát danh mục một số gói thầu, nội dung mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn trong trường hợp đặc biệt (“Danh mục”). Tuy nhiên, tính đến nay, mới có Thông tư 58/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định chi tiết về việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp (“Thông tư 58”). Trong đó, quy định về trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu thông thường vẫn đang bị bỏ ngỏ và chỉ quy định dưới hình thức người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu mà chưa đưa ra được hình thức cụ thể (Điều 24 Thông tư 58). Cho đến nay, danh mục các nội dung mua sắm này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trong khi thực tế các khoản chi nhỏ lẻ này vẫn đang diễn ra thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị.

Khoản chi nhỏ lẻ trong Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước
Theo quy định pháp luật hiện hành thì không phân biệt nguồn gốc vốn đầu tư, việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện Đề tài, Dự án đầu tư phát triển của Doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải áp dụng Luật Đấu thầu, trong đó hình thức lựa chọn nhà thầu đơn giản và tiết kiệm thời gian nhất hiện nay là chỉ định thầu rút gọn và chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định theo quy định tại Điều 22 Luật đấu thầu. Tuy nhiên, việc áp dụng đấu thầu đối với các khoản chi nhỏ lẻ như mua vé máy bay,… có giá trị chỉ vài triệu đồng là không phù hợp với thực tiễn, kể cả trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn. Lấy đó làm ví dụ, trên thực tế, việc bên mời thầu và các hãng hàng không/ phòng vé máy bay phải đi qua các bước như gửi dự thảo hợp đồng, thương thảo về các nội dung hợp đồng, đưa ra quyết định lựa chọn nhà thầu để đặt mua một đến hai chiếc vé máy bay có giá trị chỉ vài triệu đồng sẽ làm phức tạp vấn đề và tiêu tốn thời gian, nhân lực của các bên. 

   

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


Mặc dù ngoài áp dụng Luật Đấu thầu thì hoạt động mua sắm phục vụ Đề tài còn phải áp dụng Quy chế trích lập, điều tiết và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), Quy chế quản lý Quỹ KH&CN hiện hành của Doanh nghiệp. Bản chất, nguồn vốn từ Quỹ KH&CN của Doanh nghiệp nhà nước được trích lập từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế trước khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định. Quy định pháp luật hiện hành cũng cho phép doanh nghiệp tự xây dựng quy chế tổ chức thực hiện và chi tiêu, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN theo định mức chi do doanh nghiệp xây dựng, quyết định ban hành. Như vậy, Quỹ là của doanh nghiệp, các khoản chi nhỏ lẻ được thực hiện dựa trên định mức có sẵn và phù hợp với Dự toán được duyệt nhưng vẫn phải thông qua thủ tục lựa chọn nhà thầu là chưa hợp lý khi đưa vào hoạt động thực tiễn.

Trong dự thảo quyết định số 176/TTr-BTC gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 4/12/2015, Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm về việc các nội dung mua sắm nêu trên là những công việc có giá trị nhỏ (nằm trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu – không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên), phát sinh thường xuyên, đột xuất, nên việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu là không thực sự phù hợp và việc xây dựng và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là không cần thiết. Cũng theo đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất các khoản chi có giá trị nhỏ, gói thầu có giá trị thầu không quá 20 triệu đồng; và một số loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ chỉ do một cơ sở sản xuất, có giá bán thống nhất (hoặc giá trần) do Nhà nước quy định, thì Thủ trưởng cơ quan đơn vị tự quyết định mua sắm cho phù hợp, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không bắt buộc phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải đảm bảo chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. 

Rõ ràng ý kiến của Bộ Tài chính mới phản ánh đúng thực trạng bất cập của hệ thống quy định pháp luật đấu thầu hiện nay, và đề xuất cơ chế lựa chọn nhà cung cấp của Bộ Tài chính mang đúng tinh thần tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và nhân lực cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đến nay Chính Phủ và các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa thể ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để “tháo gỡ” những quy định rất cứng nhắc hiện nay và không phù hợp với tính cấp thiết, nhu cầu mua sắm các khoản nhỏ lẻ thực tế của doanh nghiệp. Chính phủ cần xem xét nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Danh mục các nội dung mua sắm áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các cơ quan, đơn vị liên quan. 

Bùi Thị Minh Thúy – Chuyên viên tư vấn Công ty Luật TNHH Vietthink.