Lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu tại Thái Lan
Ngày 07/11/2017, Thái Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 99 của Nghị định thư Madrid. Với việc gia nhập chính thức này, kể từ ngày 07/11/2017, các nhãn hiệu ngoài việc có thể được đăng ký trực tiếp tại Văn phòng Sở hữu trí tuệ Thái Lan (DIP), còn có thể được đăng ký qua hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan dựa trên đơn gốc đã nộp tại quốc gia của mình(1). Kể từ khi tham gia nghị định Madrid Protocol, Thái lan đã nhận được hơn 8000 đơn nộp qua hệ thống Madrid và đây là một thách thức lớn với DIP.



Theo như ký kết giữa DIP và Cơ quan SHTT Thế giới, Thái Lan quy định thời gian để thẩm định khả năng đăng ký đối với các đơn quốc tế chỉ định Thái Lan là 18 tháng kể từ ngày WIPO ghi nhận ngày đăng ký quốc tế. Điều này có nghĩa là, nếu chủ đơn đăng ký quốc tế có chỉ định tại Thái Lan ở ngay giai đoạn đầu Thái Lan được chính thức trở thành thành viên của hệ thống Madird, tính đến thời điểm hiện tại, các thông báo đầu tiên liên quan đến việc thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu đơn quốc tế chỉ định Thái Lan có thể đã được hoàn tất. 
Sau đây là những điều cần biết để chuẩn bị cho các thông báo chính thức về khả năng bảo hộ nhãn hiệu của DIP đối với các đơn đăng ký quốc tế chỉ định Thái Lan:

1. Văn phòng nhận đơn quốc tế theo hệ thống Madrid gồm 09 cán bộ được đặc biệt thành lập để đảm nhiệm công việc. Ban đầu, Văn phòng này sẽ chuẩn bị phần dịch đơn Quốc tế sang tiếng Thái và cập nhật lên dữ liệu thông tin bằng tiếng Thái. Tuy nhiên, do việc dịch mất nhiều thời gian (đặc biệt dịch danh mục sản phẩm/dịch vụ) dẫn đến chậm chễ trong việc cập nhật lên dữ liệu (03-04 tháng). Để thúc đẩy nhanh quá trình này, Văn phòng hiện giờ trước tiên cập nhật luôn các thông tin đơn bằng tiếng Anh lên dữ liệu và sau đó mới tiến hành việc dịch sang tiếng Thái để chuẩn bị cho quá trình xét nghiệm khả năng đăng ký;

2. Tiêu chuẩn thẩm định đơn nhãn hiệu quốc tế chỉ định Thái Lan sẽ được nhất quán với đơn đăng ký trực tiếp tại DIP. Thông báo thẩm định khả năng đăng ký, nếu là thông báo dự định từ chối thì sẽ có đầy đủ lý do từ chối, bao gồm:

- Danh mục sản phẩm/dịch vụ dự định từ chối và đề nghị sửa lại hoặc làm rõ. Ngoài ra, DIP sẽ gợi ý các cách mô tả sản phẩm/dịch vụ sửa đổi như thế nào sẽ được chấp nhận;

- Nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid chỉ định Thái Lan sẽ có thể bị từ chối vì (i) không có khả năng tự phân biệt và/hoặc (ii) không có khả năng phân biệt với các nhãn hiệu khác mà nhãn hiệu yêu cầu đăng ký bị coi là tương tự gây nhầm lẫn cho các sản phẩm/dịch vụ đăng ký.

Sau khi nhận được Thông báo dự định từ chối, DIP ấn định thời gian kể từ khi DIP gửi Thông báo dự định từ chối cho WIPO và thông báo này đến với Người nộp đơn là 30 ngày và sau đó, Người nộp đơn sẽ có thời gian là 60 ngày để trả lời Thông báo dự định từ chối này. Điều này có nghĩa là Người nộp đơn sẽ có tổng cộng là 90 ngày để trả lời Thông báo dự định từ chối của DIP, tính từ ngày DIP ra thông báo dự định từ chối. Thời hạn 90 ngày là không thể được gia hạn. 

Công văn trả lời Thông báo dự định từ chối phải được làm bằng tiếng Thái. Do đó, để trả lời Thông báo dự định từ chối đơn nộp qua hệ thống Madid chỉ định Thái Lan, Người nộp đơn không được phép trực tiếp trả lời mà phải chỉ định một đại diện Sở hữu công nghiệp/luật sư Sở hữu trí tuệ tại Thái Lan để thay mặt mình làm việc với DIP để trả lời Thông báo dự định từ chối. 

3. Các lưu ý khác khi trả lời Thông báo dự định từ chối của DIP đối với đơn quốc tế nộp qua hệ thống Madid chỉ định Thái Lan:

- Đơn đăng ký quốc tế chỉ định Thái Lan sẽ không được tách đơn hoặc sát nhập đơn vì luật quốc gia không cho phép;

- Đối với các Thông báo dự định từ chối từng phần, Người nộp đơn nếu muốn đăng ký cho các phần không bị từ chối, bắt buộc phải nộp trả lời Thông báo dự định từ chối trong đó yêu cầu loại bỏ phần bị từ chối ra khỏi đơn như một cách để vượt qua từ chối. Hay nói cách khác, nếu bị từ chối từng phần, nếu Người nộp đơn không trả lời có nghĩa là Người nộp đơn tự từ bỏ quyền đối với nhãn hiệu tại Thái Lan, đơn không tự động được bảo hộ cho phần không bị từ chối;

- Trong khi đợi kết quả thẩm định, người nộp đơn NÊN rà soát lại bản dịch tên chủ đơn, danh mục sản phẩm/dịch vụ của đơn từ tiếng Anh sang tiếng Thái đặc biệt là phần danh mục sản phẩm dịch vụ, bởi vì sai sót trong quá trình dịch có thể ảnh hưởng đến phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu;

- Trong trường hợp có sự không đồng nhất giữa 2 ngôn ngữ, trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, Cơ quan thực thi sẽ lấy bản tiếng Thái làm cơ sở thực hiện. Vì vậy, việc dịch không chính xác có thể dẫn đến việc xử lý các xâm phạm hoặc vi phạm trở nên phức tạp. Do đó, trong mọi trường hợp, việc kiểm tra danh mục sản phẩm/dịch vụ được dịch sang tiếng Thái là vô cùng quan trọng;

- Sau khi thẩm định, nếu nhãn hiệu có khả năng bảo hộ tại Thái Lan, DIP sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ bao gồm cả danh mục tiếng Anh và tiếng Thái. Nếu đơn quốc tế chỉ định Thái Lan có ghi nhận đại diện Sở hữu công nghiệp thì DIP sẽ gửi bản gốc Giấy chứng nhận tới chủ sở hữu. Trong trường hợp không có ghi nhận đại diện SHCN, DIP sẽ gửi Giấy chứng nhận điện tử qua email tới chủ sở hữu;
- DIP không yêu cầu Người nộp đơn/chủ sở hữu phải cung cấp bằng chứng hay tuyên bố về việc sử dụng nhãn hiệu. Tuy nhiên, đối với 01 nhãn hiệu đã đăng ký, nếu có yêu cầu của một bên thứ ba về việc chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu này trên cơ sở 03 năm liên tục không được sử dụng tại Thái Lan mà chủ sở hữu không cung cấp được bằng chứng về việc sử dụng, nhãn hiệu có nguy cơ sẽ bị chấm dứt hiệu lực;

- DIP sẽ công bố đơn quốc tế chỉ định Thái Lan để người thứ ba có quyền phản đối việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Thời gian để nộp phản đối là 60 ngày kể từ ngày công bố trên công báo Thái Lan cùng với đơn quốc gia.

Các lưu ý nêu trên là vô cùng quan trọng cho chủ sở hữu trong việc xác lập quyền của mình đối với nhãn hiệu tại các quốc gia khác, cụ thể ở đây là Thái Lan. Khi đã xác lập được quyền rồi thì phải bảo vệ quyền đó và không làm mất đi quyền của mình chỉ vì thiếu hiểu biết. Chúng tôi tin rằng các thông tin nêu trên phần nào hỗ trợ được các chủ sở hữu trong việc tăng cường hiểu biết đối với việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài. Trong mọi trường hợp cần hỗ trợ tư vấn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Phòng Sở hữu trí tuệ
Công ty Luật TNHH Vietthink
Tầng 8, tòa nhà Diamond Flower, 48 Lê Văn Lương, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Email: ip@vietthink.com.vn
Hotline: 0941 661 881



(1) Để tìm hiểu thêm về việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, người đọc có thể tham khảo đường link sau: http://vietthink.vn/vi/tu-van-so-huu-tri-tue.nd/lam-gi-de-bao-ve-nhan-hieu-khi-vuon-ra-thi-truong-quoc-te.html