Tác động của tự do hóa Quyền tạm dừng (Own Stopover Right) đối với thị trường hàng không Việt Nam (Phần 2)
Trong bài viết trước, chúng tôi đã trình bày khái niệm Quyền tạm dừng và Thương quyền vận tải hàng không, vấn đề tự do hóa Quyền tạm dừng trong ASEAN theo dự thảo Nghị định thư số 5 và các quy định tương ứng trong Luật HKDD Việt Nam.  Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đánh giá những tác động của việc tự do hóa Quyền tạm dừng trong ASEAN theo dự thảo Nghị định thư số 5 đối với thị trường hàng không Việt Nam và các hãng hàng không nội địa, trên cơ sở đó đưa ra các gợi ý đối với Chính phủ khi lựa chọn tham gia ký kết văn kiện này.

Tác động tích cực 
Việc tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không nói chung và Quyền tạm dừng nói riêng sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường vận tải hàng không ở Việt Nam và các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, v.v… cụ thể:
  • Tạo cơ hội cho các hãng hàng không của Việt Nam được tiếp cận và khai thác các đường bay quốc tế, các điểm đón trả khách tại các sân bay trong khu vực ASEAN, qua đó giúp mở rộng thị phần và chiến lĩnh thị trường hàng không khu vực. Đây là điều rất quan trọng khi các hãng hàng không hàng đầu của Việt Nam hiện nay đều đang có chiến lược vươn tầm hoạt động ra toàn khu vực ASEAN cũng như vươn ra thế giới;
  • Tạo cơ hội đẩy mạnh quan hệ đối tác, liên doanh, liên kết giữa các hãng hàng không quốc tế và các hãng hàng không của Việt Nam trong việc thực hiện các Thương quyền vận tải hàng không và Quyền tạm dừng trong ASEAN. Qua đó giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động vận tải hàng không của các hãng hàng không nội địa;
  • Tối ưu hóa việc khai thác các đường bay, tuyến bay, xếp chỗ trên tàu bay, qua đó tối ưu được chi phí, giá vé máy bay của các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ;
  • Tương tự, việc cho phép các hãng hàng không nước ngoài được quyền tạm dừng đón, trả khách tại các sân bay của Việt Nam sẽ góp phần làm cho thị trường vận tải hàng không trong nước thêm sôi động; tạo ra sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước và nước ngoài về phương thức cung cấp và chất lượng dịch vụ; qua đó tạo cơ hội thuận tiện hơn cho hành khách trong nước tiếp cận các hãng bay mới, cũng như du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày một dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định đa phương ASEAN về Tự do hóa hoàn toàn dịch vụ hàng không chở khách năm 2010, thì việc thực thi các cam kết về tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không đang trở thành một xu hướng không đảo ngược với các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, lĩnh vực vận tải hàng không của Việt Nam hiện nay đang ngày càng bộc lộ rõ sự lạc hậu hơn so với các nước trong khu vực ASEAN, nhất là các nước thuộc nhóm ASEAN 4. Việc thúc đẩy tự do hóa Thương quyền vận tải hàng không và Quyền tạm dừng sẽ tạo cú huých thực sự đối với tiến trình cải tổ lĩnh vực vận tải hàng không chở khách của Việt Nam và thúc đẩy sự lớn mạnh của các hãng hàng không nội địa để bắt kịp các nước trong khu vực.

Tác động tiêu cực
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên thì việc đẩy mạnh tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không nói chung và Quyền tạm dừng nói riêng tại Việt Nam cũng sẽ đem lại những tác động tiêu cực, tạo ra áp lực về cạnh tranh rất lớn cho các hãng hàng không nội địa cũng như sức ép về hoàn thiện chính sách pháp luật về hàng không hiện nay, cụ thể như sau:
  • Việc mở cửa cho các hãng hàng không quốc tế được tiếp cận, khai thác điểm đến trong nội địa mà chỉ cần thực hiện các thủ tục cấp phép bay quốc tế; trong khi đó các hãng hàng không nội địa thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về kinh doanh vận tải hàng không, cấp phép bay, khai thác đường bay nội địa sẽ dẫn đến việc bị mất thị phần và thua tranh ngay trên sân nhà;
  • Việc mở cửa ồ ạt cho các hãng hàng không quốc tế được cấp phép dừng đỗ, cấp phép bay tại nhiều điểm trên lãnh thổ Việt Nam trong khi hệ thống hạ tầng hàng không trong nước còn lạc hậu và đang bị quá tải, không đáp ứng được nhu cầu và tần suất khai thác khi có thêm nhiều hãng hàng không mới tham gia, dẫn đến chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không nội địa không được cải thiện, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến sẽ thêm trầm trọng;
  • Việt Nam là thị trường 96 triệu dân, đứng thứ 2 trong ASEAN (sau Indonesia), với tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không thuộc top đầu của thế giới (trên 10%/năm). Việc đẩy mạnh tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không cũng như Quyền tạm dừng tại Việt Nam chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho các hãng hàng không lớn của các quốc gia trong khu vực (như Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Thai Airways, Lion Air, Garuda, AirAsia…). Trong khi đó, năng lực khai thác của các hãng hàng không của Việt Nam hiện tại còn hạn chế so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Do vậy, đẩy mạnh tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không cũng như Quyền tạm dừng có thể gây thua thiệt cho các hãng hàng không trong nước nhiều hơn là lợi ích mà nó mang lại;
  • Các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn hạn chế rất lớn trong việc liên doanh, liên kết vốn giữa hãng hàng không của Việt Nam và các hãng hàng không nước ngoài. Việc này vừa có rủi ro làm giảm sức cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa (không tận dụng được nguồn vốn, tàu bay, đội bay, kinh nghiệm quản lý, công nghệ,…), vừa có rủi ro khi các hãng hàng không nước ngoài thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mành thông qua các hình thức liên doanh, liên kết để phân chia hoặc chiếm lĩnh thị trường. 
Lựa chọn của Chính phủ khi tham gia đàm phán, ký kết Nghị định thư số 5
Liên quan đến việc tham gia Nghị định thư số 5 về tự do hóa Quyền tạm dừng trong ASEAN, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý về hàng không của Việt Nam sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng giữa được và mất. Trường hợp xét thấy việc tự do hóa Quyền tạm dừng trong thời điểm hiện nay sẽ đem đến những bất lợi nhiều hơn là có lợi cho thị trường hàng không trong nước cũng như các hãng hàng không nội địa, thì Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT nên tham mưu cho Chính phủ tạm thời chưa tham gia ký Nghị định thư số 5 và Việt Nam sẽ tham gia vào một thời điểm khác trong tương lai khi điều kiện cho phép. 
Tuy nhiên, đây là một lựa chọn khó khăn đối với Chính phủ, khi Việt Nam đã cam kết mở cửa bầu trời và tham gia Hiệp định đa phương ASEAN về Tự do hóa hoàn toàn dịch vụ hàng không chở khách năm 2010, cũng như tham gia ký kết các Nghị định thư số 1, 2, 3, 4 về tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không trong ASEAN. Nếu Việt Nam từ chối ký Nghị định thư số 5 thì có thể được xem là hành động đi ngược lại các cam kết trước đây cũng như làm chậm lại tiến trình cải tổ, hiện đại hóa ngành hàng không trong nước.
Trong trường hợp xét thấy việc tự do hóa Quyền tạm dừng trong ASEAN sẽ có lợi cho chiến lược phát triển của thị trường hàng không nội địa và các hãng hàng không trong nước, thì Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT cần tham mưu cho Chính phủ Việt Nam tích cực tham gia quá trình đàm phán và ký kết Nghị định thư số 5. Điều này vừa phù hợp với xu thế chung về mở cửa bầu trời trong khu vực, vừa góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN.
Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích quốc gia cũng như của các hãng hàng không nội địa, Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT nên kiến nghị sửa đổi một số điểm trong dự thảo Nghị định thư số 5 (do Chính phủ Singapore đề xuất) cụ thể như sau:
  • Tại đoạn 1 Điều 2 chỉ nên quy định giới hạn Quyền tạm dừng cho những đường bay nhất định1  và tại những điểm cảng hàng không nhất định (theo quyết định của các quốc gia thành viên) và sẽ mở cửa dần theo lộ trình, phù hợp với khả năng và điều kiện của từng quốc gia. Giới hạn này là cần thiết để đảm bảo khả năng thực thi cũng như quyền lợi của Việt Nam khi tham gia Nghị định thư số 5. Bởi hiện tại hệ thống hạ tầng hàng không của Việt Nam còn khá lạc hậu và đang bị quá tải. Việc mở rộng ồ ạt các sân bay cho các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không nước ngoài dừng đón và trả khách sẽ khiến tình trạng quá tải tại các sân bay thêm trầm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không nội địa.
----------------------------------------
1 Tại các Nghị định thư số 3 (về vận chuyển kế tiếp – Code-share rights) và Nghị định thứ số 4 (về vận chuyển kết hợp nhiều điểm đến – Co-terminal rights), đều có quy định về việc các Hãng hàng không của quốc gia thành viên chỉ được thực hiện quyền này tại các đường bay nhất định (specified routes). Tuy nhiên, tại Nghị định thư số 5 chưa có quy định chi tiết về việc chỉ được thực hiện quyền này tại các điểm nhất định.

  • Tại đoạn 2 Điều 2, nên thay cụm từ “between two domestic points only by the designated airline(s) of that Contracting Party” bằng cụm từ “on purely domestic route(s)” cho thống nhất với ngôn ngữ tại Nghị định thư số 3 và số 4 đã ký. Theo đó, Điều 2 của dự thảo có thể sửa lại như sau: “The designated airline(s) of each Contracting Party shall be allowed to exercise own stopover rights in between specified route(s) and at specified point(s) provided that there shall be no exercise of cabotage rights. For the avoidance of doubt, the term “carbotage rights” includes the holding out of air service for sale on purely domestic route(s)”.
Đồng thời, để đảm bảo phát huy hiệu quả của việc tự do hóa Quyền tạm dừng theo Nghị định thư số 5 cũng như các Thương quyền vận tải hàng không trong khu vực ASEAN theo các Nghị định thư đã ký trước đây, Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT cần tiến hành ngay các việc sau:
  • Rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, hạn chế gia nhập thị trường đối với các hãng hàng không tư nhân để kiến nghị Chính phủ bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp đang là rào cản cho các hãng hàng không tư nhân được tiếp cận, khai thác các đường bay nội địa và quốc tế. Mở rộng quyền được liên kết, liên doanh giữa các hãng hàng không trong nước và quốc tế để đảm bảo tận dụng được nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ của các hãng hàng không quốc tế; giảm thiểu rủi ro cạnh tranh không lành mạnh của các hãng hàng không quốc tế tới các hãng hàng không Việt Nam;
  • Nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất với Chính phủ ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể việc tự do hóa các Thương quyền vận tải hàng không tại Việt Nam theo các Nghị định thư đã ký kết với các nước ASEAN;
  • Nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất với Chính phủ ban hành các quy định đơn giản hóa các thủ tục cấp phép bay, khai thác đường bay;
  • Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ cho phép và đơn giản hóa các thủ tục cho phép các hãng hàng không tư nhân dược lập, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các sân bay quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng hạ tầng hàng không của Việt Nam;
  • Cho phép sự gia nhập bình đẳng, tạo cạnh tranh để nâng cao chất lương dịch vụ mặt đất để phù hợp với sự phát triển hàng không chung của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Nếu làm tốt các việc trên đây thì Việt Nam vừa có thể tận dụng được những lợi thế do việc tự do hóa Thương quyền vận tải hàng không nói chung và Quyền tạm dừng nói riêng trong ASEAN mang lại, vừa bảo vệ được quyền lợi quốc gia, các quyền và lợi ích hợp pháp của các hãng hàng không nội địa, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vận tải hàng không của Việt Nam trong tương lai./. 

Th.s Nguyễn Thanh Hà & Th.s Lê Thanh Hiền
Công ty Luật Vietthink