Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí quản lý đầu tư xây dựng
Ngày 14/8/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP (“Nghị định 68”) quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó Nghị định 68 quy định chi tiết chi phí quản lí xây dựng của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về sơ bộ tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức và giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Nghị định 68 có nhiều thay đổi đáng chú ý thay thế cho Nghị định 32/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bổ sung đối tượng áp dụng đối với các dự án ĐTXD theo hình thức đối tác công - tư (PPP), do bản chất các dự án PPP là các dự án công và đã được quy định là đối tượng quản lý như dự án vốn nhà nước ở các văn bản pháp luật khác (điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 59/2015/NĐ-CP).
Thứ hai, bổ sung hai nguyên tắc quản lý chi phi đầu tư xây dựng:
  • Các công trình xây dựng đặc thù thuộc loại công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cấp bách áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống công cụ định mức, đơn giá xây dựng, chỉ số giá quy định tại Nghị định này để xác định chi phí đầu tư xây dựng, làm cơ sở xác định giá trị hình thành tài sản công đối với các công trình xây dựng này. Việc thẩm định, phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng các công trình này được thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng đặc thù tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
  • Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định này và phù hợp với đặc thù, tính chất các công trình thuộc các Chương trình này.
Thứ ba, thay đổi về cơ cấu chi phí xây dựng trong tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng, bổ sung khái niệm chi phí gián tiếp và chuyển “chi phí hạng mục chung” trong khoản mục chi phí khác về chi phí gián tiếp thuộc chi phí xây dựng, bỏ trường hợp bổ sung thêm chi phí dự phòng khi đã sử dụng hết khoản dự phòng được duyệt.
Thứ tư, bổ sung nội dung các khoản mục chi phí và các chi phí trong từng khoản mục Tổng mức đầu tư:
  • Chi phí thiết bị: bổ sung chi phí quản lí mua sắm thiết bị công trình của nhà thầu.
  • Bổ sung chi phí quản lý dự án đối với dự án PPP gồm: chi phí quản lý dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án và chi phí quản lý dự án của nhà đầu tư.
  • Chi phí khác: bỏ chi phí hạng mục chung, các chi phí này được đưa thành "chi phí gián tiếp" trong chi phí xây dựng.
      
Thứ năm, sửa đổi phạm vi điều chỉnh “dự toán gói thầu” thành “giá gói thầu” cho đúng với quy định tại Luật Xây dựng 2014 và phù hợp với mục tiêu quản lí chi phí ĐTXD. Bổ sung quy định về thời gian thẩm tra, phê duyệt, quyết toán tối đa là 9 tháng không phân quy mô dự án lớn nhỏ, bổ sung quy định Chủ đầu tư phải giải quyết công nợ, tất toán trong vòng 6 tháng
Thứ sáu, giảm quyền tự quyết của Chủ đầu tư và tăng quyền quyết định của Người Quyết định đầu tư, cụ thể:
Nếu như tại Nghị đinh 32/2015/NĐ-CP quy định Chủ đầu tư được quyền: “Điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư nhưng không làm vượt mức tổng đầu tư đã được phê duyệt;” thì tại khoản 3, khoản 4 Điều 11 Nghị định 68 quy định: “Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của người quyết định đầu tư thì người quyết định đầu tư phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc phê duyệt điều chỉnh của mình.” Và “Người quyết định đầu tư quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng của dự toán xây dựng. Chủ đầu tư quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng trong dự toán của dự án lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.”. 
Thứ bảy, quy định rõ trách nhiệm phê duyệt dự toán các chi phí bước chuẩn bị đầu tư thuộc trách nhiệm của Người quyết định đầu tư, thay đổi cơ chế quản lý định mức xây dựng từ “công bố” sang “ban hành “ áp dụng, quản lý chỉ số giá xây dựng, và bổ sung thêm quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu “làm căn cứ phục vụ quản lý, kiểm soát, tạo thị trường minh bạch về hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng.”
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2019, Nghị định 32/2015/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Vietthink News