Mặc dù Luật Đầu tư 2014 đã ban hành được gần 5 năm, trải qua hơn 4 năm thực hiện trên thực tiễn nhưng vẫn còn các quy định vênh của luật tạo ra vướng mắc, bất cập cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Luật Đầu tư 2014 không còn sử dụng khái niệm “đầu tư trực tiếp”, “đầu tư gián tiếp” để phân biệt tính chất, hình thức đầu tư mà chỉ quy định cụ thể các hình thức đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, hợp đồng hợp tác công tư - PPP, hợp đồng hợp tác kinh doanh – BCC. Trong khi đó, Pháp lệnh ngoại hối 2005, Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi, bổ sung năm 2013, các thông tư về mở tài khoản vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước ban hành vẫn sử dụng khái niệm “đầu tư trực tiếp” và “đầu tư gián tiếp”.
Theo quy định pháp luật hiện hành thì khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư tai Việt Nam, mọi hoạt động đầu tư và thu chi bắt buộc phải thông qua 01 (một) tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng được phép. Ngày 06/09/2019 vừa qua, Thông tư 06/2019/TT-NHNN đã chính thức có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm phân chia ranh giới giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, thay vì cập nhật theo quy định tại Luật Đầu tư 2014. Theo đó, thay vì xác định chủ thể mở tài khoản bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đối tượng mở và sử dụng tài khoản vốn trực tiếp hiện nay được mở rộng, bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
- Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án
Như vậy, quy định này dẫn đến đối tượng mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp chỉ còn (i) các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dưới 51%; và (ii) việc góp vốn, mua bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán, các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ…
Quy định mới này tuy đã khắc phục được một số vướng mắc liên quan đến việc mở tài khoản vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên lại chưa giải quyết được triệt để bản chất vấn đề. Bởi, theo quy định tại Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 thì “Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam” và “Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác, góp vốn, mua cổ phần và thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác theo quy định của pháp luật mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư”. Vậy trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ công ty nhưng vẫn trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư sẽ thuộc hình thức đầu tư gián tiếp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hay đầu tư trực tiếp theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối. Việc không thống nhất trong các tiêu chí xác định hình thức đầu tư dẫn đến khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tín dụng trong việc xác định đối tượng mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trong khi đây là tài khoản thực hiện mọi hoạt động liên quan đến góp vốn, thu, chi, chuyển lợi nhuận/vốn đầu tư ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và mỗi nhà đầu tư chỉ được mở duy nhất 01 tài khoản vốn.
Theo trình tư áp dụng pháp luật thì các thông tư, nghị định không được trái lại với quy định của luật. Tuy nhiên trên thực tế, các ngân hàng thương mại đều thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và việc mở tài khoản vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng không nằm ngoại lệ. Như phân tích của tác giả tại bài viết này, mặc dù Thông tư số 06 của Ngân hàng Nhà nước vừa mới ban hành và đi vào thực tiễn nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để sự bất nhất trong các quy định của pháp luật.
Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm đưa ra giải pháp cũng như ban hành các quy định pháp luật đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng luật cũng như tháo gỡ khó khăn cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.